“Việt Nam không có truyền thống triết học, chúng ta cũng chưa sẵn sàng cho truyền thống kia. Triết học ta đang dạy trong nhà trường là thứ triết học Theo-ism”
(Vietnamnet, 10-10-2008)
“Phê bình văn học Việt Nam cứ cảm tính và tùy tiện. Phê bình Lập biên bản ra đời ý hướng cắt đứt truyền thống đó”.
(Phát biểu tại Lễ Phát giải thưởng Vanviet, 2015)
3 dẫn chứng tham khảo:
[1] Mai Quốc Liên, báo Văn nghệ, 22-4-2006:
“Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay cũng đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây (…). Theo một bài báo của một GS Mỹ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách. Còn ở ta nó là một món hàng mới…”.
Ở một buổi nói chuyện với sinh viên, tôi viết lên bảng: “Theo một bài báo của một GS Mỹ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách”, và hỏi: Các bạn có thấy trục trặc ở đâu không?
Im lặng. Tôi nói, giáo sư viết một [1] câu mà phạm đến ba [3] lỗi. Này nhé…
“Bài báo” là bài báo nào, không thấy ông trưng ra. “Một GS Mỹ” ấy tên gì, càng không. Cả chuyện sách Hậu hiện đại lẫn Tân hình thức mà cả năm mới có một người tìm mua, cũng chả thấy thống kê đâu nữa. Lẽ nào nghe GS Mỹ nói là giáo sư Việt tin ngay?
Đây lối phê bình thiếu thao tác khoa học.
[2] Lò Ngân Sủn, về thơ Inrasara (tạp chí Văn, 8-1997):
“Tôi muốn biết thơ anh có cái gì thật bản sắc, thật Cham nhưng hơi khó. Vì thơ anh là thơ hiện đại, lại rất gần với thơ Việt từ giọng điệu, ngôn từ, cách thể hiện”.
Ở Trại Sáng tác Đải Lải, tôi hỏi nhà thơ dân tộc Dáy này:
– Anh biết thơ Cham chưa? Chưa, sao kêu thơ Sara không có bản sắc Cham?
Anh mới biết thơ Việt [A], mới đọc thơ Inrasara [B], không thấy mặt thơ Cham [C] thì làm sao so sánh, cho là [B] không giống [C]?!
[Tôi giải minh thêm: Cham có chữ viết sớm, văn học viết phát triển sớm, từ đó Cham biết tư duy phức hợp, tư duy trừu tượng, tư duy siêu hình, tư duy tư biện… Nhà thơ Cham cổ điển đã biết chơi kĩ thuật đồng hiện, dòng ý thức (Ariya Bini Cam), lối kể chuyện hiện đại (Ariya Cam Bini ), so sánh đa tầng… thơ Sara có “xài lại” mấy thứ đó, mà kêu thiếu cốt cách Cham ư?
Nữa, các kĩ thuật hiện đại của thơ đâu phải độc quyền của người Việt? Nó là KHO TRỜI CHUNG của nhân loại, sao nhà thơ DTTS không thể dùng tới?]
Đây là sai lầm mang tính phương pháp luận. Vậy mà đọc, thiên hạ cứ tin sái cổ!
Tương cận, Trần Mạnh Hảo phê thơ Nguyễn Quang Thiều “toàn thứ thơ Tây giả cầy” (Thơ phản thơ-1997).
Anh chưa biết thơ Tây là gì thì làm sao biết “thơ Tây giả cầy” mà mang ra so sánh?!
[Chú ý: Thứ nhất, đọc nhiều, và đọc nguyên văn thơ Anh, Pháp, Mỹ chưa hẳn đã biết được nó thế nào. Thứ hai nếu có biết, thơ Tây không CHỈ MỘT mà vô số trào lưu, bạt ngàn phong cách, anh muốn nói “thơ Tây” nào đây?]
Dù đây là lối nói cho có, nhưng có nguyên nhân mang tính triết học liên quan đến phương pháp luận.
[3] Vụ [1] và [2], tôi đã nêu và phân tích trong Song thoại với cái mới-2008, còn đây là chuyện mới nhất.
Ở Hội nghị Văn Trẻ ở Đà Nẵng tháng 6-2022, Hữu Thỉnh cho thơ trẻ hôm nay giống nhau quá. Là phát biểu rất cảm tính.
Chỉ tính riêng Sài Gòn, sáng tác thuộc hệ mĩ học khác, thơ họ khác nhau: Lê Thiếu Nhơn khác Nguyễn Hữu Hồng Minh khác Lý Đợi. Ngay cùng hệ mĩ học là hậu hiện đại, họ cũng khác nhau: Thơ Bùi Chát, Phan Bá Thọ, Lê Vĩnh Tài khác nhau vực thẳm.
Tạm dẫn 4 nhà nổi tiếng ở 4 lĩnh vực hay khu vực khác nhau, để thấy nguyên do: Lỗi không ở các anh, mà ở hệ thống giáo dục, THIẾU TRIẾT HỌC NHƯ LÀ TRIẾT HỌC.