06. YÊU LÀ BIẾT YÊU… MÌNH
Yêu mình, trước hết phải là yêu thể thân mình.
Để có thể trèo-lội-qua “đi tìm – mượn chép – nghiên cứu – dịch – in – biếu tặng”, sau đó là “lan tỏa” thành quả của yêu đó vào cộng đồng Cham lẫn thế giới ngoài Cham, bạn không thể yếu sức khỏe!
“Tại sao tôi khỏe thế?”, tút năm ngoái. Chả cần khiêm tốn chi cho mệt, bởi đó là sự thật. Ngay tuổi 20, tôi khắc câu thần chú Kinh Mật Tông lên tường trước bàn viết: “Hãy biến thân thể bạn thành cỗ xe tốt nhất để chở linh hồn bạn vượt qua biển đời”.
Thế nên thuở làm việc tại Đại học, trong khi các anh cứ một đỗi là nghỉ giải lao hay tìm chỗ dựa lưng. Tôi: không, 12 giờ/ ngày đều đặn suốt 6 năm. Sáng đèo Hani trên chiếc xe đạp vượt 15km đến trường, ngồi vào bàn, trưa chạy qua Thương xá TAX phụ bán thổ cẩm, quay lại cơ quan, chiều đèo Hani về Tân Phú.
Hiện tại, ở tuổi 65 tôi vẫn khỏe như… trâu ấy! Đâu là nguyên do?
Tham khảo Chân dung Cát:
MỘT NGÀY TRONG ĐỜI CỦA… INRASARA
[bắt chước tên một tiểu thuyết Solzhenitsyn]
– Trước 21g: Ngủ
Tôi thường ngủ nhanh, đặt mình xuống là làm một hơi.
– Trước 4g: thức
– 4g-6g: Viết
– 6g-7g: Thể dục, cà-phê+trà Bắc+khoai lang, lướt vài website quen thuộc.
– 8g-9g: Điểm tâm & nghỉ.
– 9g-12g: Viết
– 12g-13g: Cơm & nghỉ trưa.
Lắm lúc đang lai rai, tôi xin phép anh em “mình nhắm mắt tí”, lên giường, ngủ, ngồi dậy, tiếp tục chương trình.
– 13g-17g: Đọc, sửa bài cũ, ghi chú mới. Viết, như chương trình phụ.
– 18g-19g: Cơm chiều & nghỉ.
– 19g-21g: Facebook, nhạc, đi bộ, yoga… nghĩa là muốn làm gì tùy.
Thời gian thay đổi khi có các trận tennis hay bóng đá gây cấn, dĩ nhiên. Và, ngoài những lúc có chuyện đặc biệt, tôi bám sát chương trình, làm việc không nghỉ Chủ nhật hay ngày lễ.
Về khoản uống, tôi chả ngán. Ba bận say điên đảo chớ có đùa. Tôi không cấm con cái bia rượu như Trump. Dẫu sao tại đây tôi biết tiết chế, có hai nguyên do rất chánh đáng:
Tối xỉn sáng dậy thì khó tập trung trong khi chữ nghĩa đang tràn đến, không xổ ra, nó trôi tuột xuống cống thì tiêu. Thứ hai nữa là, về khoản uống, tôi có tật… khiêm tốn. “Ai nhất thì tôi thứ nhì/ Có ai hơn nữa tôi thì thứ ba”, chứ không tranh hơn thua ở bàn nhậu.
07. YÊU CÓ NGHĨA LÀ LÀM VIỆC [hay. Tại sao tôi viết được nhiều đến thế?]
Tôi học mọi lúc, mọi nơi với mọi người thuộc mọi lửa tuổi.
Như ở Lý Đợi, tôi học thái độ thơ, ở Nguyễn Hiến Lê, tôi học thói quen viết như một công chức.
Tại sao tôi viết được nhiều như thế? Câu trả lời là: Tôi có cái để viết, có thời gian viết, và nhất là yêu CÁI VIẾT để viết đều đặn, không chán.
Còn do đâu tôi CÓ CÁI GÌ để viết? – Từ đi, gặp, nghe, hỏi và ghi chép. Làm được điều giản đơn này, đòi hỏi bạn thật… khiêm tốn.
Tạm kể mấy món:
[1] Tư liệu văn học dân gian và văn chương cổ Cham, tôi có cả đống, một đời người “khai thác” chưa chắc đã hết. Bộ Văn học Cham đã xong 7 tập là minh chứng. Mảnh đất này tạm cho qua.
[2] Câu chuyện Cham, cũng qua đi-nghe-ghi chép, sổ tay tôi chứa cả chục tập vở trăm trang đủ làm nên mươi bút kí dân tộc học dày dặn.
Tạm dọn ra hai xuất cho bà con.
[3] Thơ. Có một ý tưởng, ngồi bất kì đâu tôi cũng có thể ghi chú tứ, thi ảnh, ngôn từ khi chúng xảy tới, vân vân. Được rỗi khoảng mươi ngày nửa tháng, tôi đóng cửa làm một hơi. Lễ Tẩy trần tháng Tư, dự Trại sáng tác Vũng Tàu 2002, tôi làm một hơi 22 ngày. Về Sài Gòn chỉ có mỗi việc xem lại, là xong.
Đã in 7 tập thơ cả tiếng Việt, Cham và Anh, 4 tập còn ở dạng bản thảo. Đó là chưa kể trăm bài thơ lẻ khác.
[4] Tiểu thuyết. Tôi viết nhanh, chớ sửa cho ưng ý thì chậm.
Chân dung Cát viết trong 34 ngày, vừa qua Thương xá TAX giúp bán thổ cẩm vừa trông thợ xây nhà, vừa… viết. Còn Tcherfunith hoàn thành ở Trại Sáng tác Tuy Hòa trong 13 ngày cấm trại.
Hiện tôi đã in 4 cuốn, còn lại 3 bản thảo tiểu thuyết, 3 bút kí, thêm tập truyện vừa và tập truyện ngắn.
[5] Thể loại khác.
Tiểu luận, phê bình văn học, và tranh luận học thuật: đã in 7 cuốn, 3 còn lại ở dạng bản thảo.
Dịch thuật: Kinh Thánh, Kinh Cham Agal Ahiêr, thơ Cham hiện đại, các ấn phẩm Nhà nước như Luật đi đường, vân vân.
Giúp giải quyết chuyện Cham và lên tiếng về vấn đề đất nước, về văn học hay xã hội tôi đều lập hồ sơ chi tiết. Tôi vừa gom và chỉnh trang lại thành hai tập gọi là: Tiếng nói Nhà văn.
“Truyện mini”, “Ngụ ngôn hiện đại”, “Giải trí cao cấp”, “Tạp bút”, vân vân nếu tập hợp dễ đến hai tập ngon lành.
Cuối cùng là: Hàng trăm bài trả lời phỏng vấn, Dư luận báo chí, Luận án, luận văn về tác phẩm Inrasara…
Món nữa không thể không kể đến, đó là tôi viết facebook mỗi ngày, loạt chủ đề làm thành serie, sau đó gạn đục khơi trong vẫn có thể làm nên tác phẩm.
Tại sao không bế tắc?
Tôi viết nhiều thể loại khác nhau, chán hay kẹt món này, tôi qua chỗ khác, thưởng thức mâm khác. Hiếm khi tôi bị bế tắc… sáng tạo. Sanh sự thì sự sanh. Sự sanh, tôi suy nghĩ về nó, để cho sự kia ám mình, từ đó bật ra ý tưởng, ý tưởng này kéo theo ý tưởng khác sòn sòn ra đời.
Như “Lễ Tẩy trần”, tôi tẩy trần từ làng xóm cho đến cảnh vật, từ tập thể qua cá thể, từ tư tưởng cho chí con chữ, vân vân. Hay “Đi tìm sinh lộ cho Cham ‘Ahiêr-Awal’”, tôi bày ra nó, và để mặc cho nó BÀY RA mình trở lại.
Dù viết nhiều, tôi tự nhận mình không cẩu thả. Văn chương, tôi vứt đi ít nhất 200 bài thơ, ba tiểu thuyết và cả đống truyện ngắn hay tùy bút. Tiểu luận, viết xong tôi luôn gửi cho ba bạn đọc góp ý, ở đó tôi khiêm cung hỏi và nghe lời.
Tôi cũng vừa xong Inrasara Tự truyện khoảng 7-800 trang in.