Chuyện thơ-21. HỌC, TỪ MỐC BỤI DĨ VÃNG & ĐƯƠNG ĐẠI

[Việt & Cham không học nhau. Câu chuyện nhà văn không học]

Chúng ta vỡ lòng mốc bụi dĩ vãng, ai viết thế?

Mốc bụi từ ông bà, và cả tổ tiên các dân tộc xung quanh trong khu vực, và xa hơn – trên quả đất này. Không có gì sinh ra từ hư không, ta chỉ có thể – nói theo ngôn ngữ hiện đại – là tiếp thu và sáng tạo. Không ai không biết thế, nhưng từ biết đến làm cách nhau mấy vực thẳm. Do không hiểu đủ đầy truyền thống, thêm món mặc cảm, tự ti lẫn tự tôn dân tộc, ta không chịu học nhau.

[1] Xưa, Cham đã không chịu học ở Việt [từ Trung Hoa, đúng hơn], khi ông bà ta từ chối cách học theo trường quy mà Trung Quốc hai lần qua hướng dẫn: tổ chức thi [từ đó] cử người tài ra giúp nước (Maspéro, Le Royaume du Champa, 1928). Kế đến là kĩ thuật in ấn, điều kiện cần thiết cho phát triển, vậy mà Cham không chịu học, để mãi gần cuối thế kỉ XX vẫn còn cắm cúi chép tay.

Còn người Việt – quá trình dài thu gọn vương quốc cổ Champa vào mình – cũng đã không chịu học ở Cham, để cho ba kĩ thuật siêu đẳng thất truyền.

Kĩ thuật xây tháp: người Cham đã chế tác gạch thế nào, đâu là chất kết dính, rồi tỉ lệ cân đối giữa các bộ phân, vân vân; để sau đó tất cả chìm vào quên lãng, kết cùng hôm nay mấy thế hệ con cháu mù mờ, còn các nhà khoa học cứ đặt hết giả thuyết này đến giả thuyết khác, vẫn chưa xong.

Kĩ thuật đóng tàu viễn dương. Thời Tây Sơn, vua Quang Trung có học, qua Nhà Nguyễn thì Việt Nam có tàu Tây rồi, thế là truyền thống Cham biến tiêu (Nguyễn Duy Chính, “Vai trò của cướp biển trong cuộc chiến chống quân Thanh của vua Quang Trung”, Reds.vn, 13-1-2015). Tại sao không học sớm hơn?

Và oan uổng nhất chính là kĩ thuật dệt.

“Bộ phận người Cham, sau khi đất nước rơi vào tay nhà Nguyễn, đã lưu lạc qua các biên giới nước. Chẳng hạn ngành công nghiệp tơ lụa Thái nổi tiếng, đã mang nợ các thợ dệt Cham di cư từ Đông Dương và Campuchia ở giữa triều đại Rama I và Rama III (1782-1851). Được hưởng quyền sản xuất phục vụ triều đình, “lụa Thái” đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới (Li Tana, 2004, Water Frontier, Rowman & Littlefield Publisers, Inc., Singapore).

Dệt, Việt từng học Cham. Làng Yên Sở giàu hàng đầu đồng bằng Bắc Bộ khi ấy, là một. Nhưng rồi do lòng tham, ta biến làng lụa Hà Đông thành nơi tiêu thụ hàng Tàu. Người Thái ngược lại, làm cho nó thành nổi tiếng thế giới!

2. Quá khứ là vậy, tạm cho qua, hôm nay ta cũng không chịu học. Chuyện dị ứng với các trào lưu văn học Tây phương, là một. Không chịu học, nhưng ta cứ len lén sau lưng.

Học của Tàu thì được, chứ cái gì đến từ Tây phương bị chụp cho cái mũ: sính ngoại. Làm như thể Trung Quốc không phải là ngoại! Tôi chưa thấy ai than phiền về việc Việt Nam chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc cả. Ngày xưa lẫn hôm nay.

Còn tiếp nhận trào lưu văn nghệ tiên tiến và đang thịnh hành ở Tây phương luôn bị gán cho cái nhãn: thời thượng, chạy theo mốt. Nếu học cái xa hơn xíu thì kêu: Âu Mỹ đã vứt bỏ từ xưa rồi, mà ta cứ tưởng mới lắm. Mươi năm qua, trào lưu Hậu hiện đại đã phải chịu thân phận đối xử phân biệt ở Việt Nam như thế.

Lạ, ta cứ muốn bám lấy cái cổ xưa: Lãng mạn, Tượng trưng, Hiện thực xã hội chủ nghĩa, hay gần gần xíu là chủ nghĩa Hiện đại. Nhà nào làm thế, ta vỗ vai khen: được lắm. Thế là ta tụng ca rằng viết rất… hiện đại!

Tại sao không thể học những gì đang diễn ra, mãi cho nó qua đi thật dài, thật xa ta mới lọt tọt, lúi húi học sau lưng? Nếu không học [đòi], ta thử làm ra cái mới đi. Không thể sản sinh, ta ưa nói: Văn chương không cần trào lưu, trường phái.

Khối nhà văn ta nghĩ thế, lôi kéo độc giả nghe theo như thế. Dù sáng tạo văn chương là việc làm cô độc, nhưng chính các trào lưu mới làm sôi động văn đàn.

Hôm nay nếu ta tiếp tục chương trình không chịu học [trào lưu] văn chương đang diễn ra trên thế giới, lần nữa ta lại sẽ lỡ tàu, như ta đã từng lỡ chuyến tàu “3 kĩ thuật siêu đẳng Cham” ngày xưa, chắc chắn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *