Minh triết Cham-47. TẠI SAO ĐAU KHỔ?

[hay. Có thể nâng cấp chơi cao hơn xíu, được không?]

Sáng mở mắt, nhìn đâu cũng thấy bóng dáng đau khổ. Đau khổ hằn lên từng khuôn mặt người. Quen và lạ, trẻ và già, bạn và thù, sinh linh thất bại và cả kẻ có vẻ thành đạt.

Con người lăng xăng, tất bật đầu này đầu nọ. Phấn đấu để đạt hay đấu tranh giữ cái vừa đạt được. Lo lắng, đủ sắc thái, cấp độ. Lo lắng cho nỗi mơ hồ hay cụ thể nào đó.

Và con người đau khổ.

Từ tuổi hiểu biết, câu hỏi luôn ám ảnh tôi, rằng tại sao người ta dành cả đời cắm cúi làm việc, mà không CHƠI?

Chỗ bằng hữu, sao mỗi lần gặp nhau cứ phải bia bọt dzô dzô rồi tâng bốc, hay móc méo này nọ, mà không ngồi thư thái trước tách trà nhàn đàm?

Đời người có bao lăm!

Bước tới bước lui đủ tiêu mất mười năm, hai mươi năm của đời. Để kiếm tiền hay giật mảnh bằng, để giành ghế, tạo danh tiếng còm hay sự nghiệp cõi gì đó. Trước vô tận không gian và vô cùng thời gian, ta đổ mồ hôi sôi nước mắt lãng phí “sống chỉ một lần” cho mục tiêu vô nghĩa, hoặc thứ thành tích chắc chắn sẽ tiêu biến một ngày không xa.

Có thể làm khác xíu được không?

Tại sao cứ làm việc, mà không sáng tạo? Nói khác đi: không CHƠI?

Chơi, không phải cứ tụ tập chúc tụng rồi hát hò nâng li trăm phần trăm, để xong cuộc trở về riêng nỗi mình – đau khổ chờ sẵn đó. Có thể nâng cấp lối chơi cao xíu được không?

Chơi, không phải như cánh thơ trẻ Việt Nam quan niệm “làm thơ là chơi” bạc nhược và hời hợt, mà NHẬP CUỘC CHỊU CHƠI. Mươi năm trước, tôi hỏi một bạn trẻ:

– Bạn hiểu sống là gì?

– Sống là chơi. Khi câu hỏi tiếp tới đặt ra: Thế nào là chơi? thì câu trả lời bỏ lửng…

Chơi, không phải như loài thiêu thân lao mình vào cuộc thâu đêm suốt sáng. Muốn chơi, kẻ sáng tạo cần thể chất mạnh khỏe, trái tim cháy lửa, uyên bác của khối óc và tỉnh táo của trí tuệ. Cho cuộc đi dài, xa, và vạm vỡ. Để cùng nhập cuộc chơi, trò chơi thế giới JEU DU MONDE.

Chơi, khác nhau ở TINH THẦN và TẦM VÓC của sự chơi.

Chơi, vô phân biệt nhỏ hay lớn, trung tâm hay tỉnh lẻ, “quốc tế” hay làng quê.

Thuở học trò, đồng môn tôi học vô cùng khổ sở, trong khi tôi coi học như một du hành khai phá, nhất là khai phá thế giới tri thức ngoài chương trình. Khai phá, và vui.

Lớn lên, để nuôi gia đình, từ làm ruộng, câu cá đến buôn bán lẻ hay mở công ty kinh doanh lớn, tôi hết mình và vui.

Khai vỡ văn học Cham chìm dưới sương mù lịch sử hay nhập làng văn Việt, tôi hết mình và tới cùng. Tôi nhìn các công trình nhẹ như lá lúa.

Rồi khi dấn thân vào bao nỗi cộng đồng Cham, được – tôi vui. Cả khi bị dư hưởng nó dội ngược lại đến điếng hồn, tôi hiểu, chấp nhận, và… VUI.

Không sướng sao!

Trích Hàng mã Kí ức (2011):

“Ông anh thi sĩ Jalau trong một chầu lai rai, than rằng chưa có ai khổ như anh. Bữa ở Cần Thơ xa nhà, tay bạn ghé mượn tiền, mình đưa hết cho nó, ba buổi sáng thèm cà phê muốn chết đi được. Kay Amưh mới nói là giữa anh em mình thôi, tôi chưa thấy ai khổ như Sara! Thế là anh sắp đặt một hơi một thể vụ tôi làm rau muống, gánh phân, giã gạo, đạp xe qua mấy làng xó xỉnh chích heo chạy bữa qua ngày. Tôi nói tôi chưa bao giờ khổ cả đâu. Không ai từng nửa lần thấy tôi than thở về nỗi ấy.”

Chơi [hay làm ở đẳng cấp cao, nếu muốn dùng từ này] không TẠI SAO mà BỞI VÌ. Tôi làm BỞI VÌ tôi làm, đơn giản thế thôi.

Con người cứ hô to trách nhiệm, đủ thứ trách nhiệm. Nai lưng ra gánh, và đau khổ. Trong khi sống là sáng tạo là trò chơi là niềm vui. Vào cuộc, và tới bến.

“Tôi luôn làm công việc nào bất kì với tối đa nhiệt tình. Vui vẻ và khoái hoạt. Sau đó ném bỏ tất cả. Và đi. Nhẹ nhõm” (Hàng mã kí ức-2011)

Đó là huyền nghĩa của CHƠI. Huyền nghĩa ấy tạo nên ý nghĩa của vô nghĩa của “thành tựu” của con người trên mặt đất mong manh giữa không gian vô tận và thời gian vô cùng này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *