Một bạn Cham: “Xin hỏi tác giả nền triết học Cham thể hiện qua những tác phẩm nào ạ, karun!”. Trước khi bàn vào vấn đề, cần lưu ý:
– Cham có chữ viết sớm, có văn học viết và dĩ nhiên ở mức độ nào đó, có “nền triết học”.
– “Triết học Cham” không “là bộ môn nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người, thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới quan, những vấn đề có kết nối với chân lí, sự tồn tại, kiến thức, giá trị, quy luật, ý thức và ngôn ngữ” – như ngày nay ta hiểu theo phương Tây như thế, dẫu sao nó cũng không chệch nhiều khỏi những điểm chung nhất.
– Cham mất nước non ba thế kỉ, sách vở thất tán các nơi, thế nên “nền triết học” ấy không còn hệ thống, mà chỉ bàng bạc trong ngôn ngữ và tư duy Cham, trong ứng xử hay lễ nghi tôn giáo, nhất là trong các mảnh vụn văn bản còn lại.
“Chúng ta vỡ lòng mốc bụi dĩ vãng”, sứ mệnh của luận sư là gom tất cả về một mối, gọi là Triết học Cham, trước tiên tạm đặt cho cái tên Minh triết Cham.
Cuốn Minh triết Cham được Nhà xuất bản Tri thức in năm 2016, sau đó in lần hai và in nối bản, là nỗ lực hệ thống những mảnh vụn ấy. Này thử liệt kê mang tính gợi ý:
[1] Tôn giáo dân tộc
– Bà-ni: hóa giải Islam và hòa giải với Bà-la-môn để dựng nên tôn giáo Ahiêr Awal – dân tộc, hòa bình và nhân văn.
– Tập cấp Bà-la-môn là nền tảng cho triết lí Cham, triều đại có thể thay đổi nhưng tinh thần Bà-la-môn [bên cạnh Bà-ni] luôn có mặt trên đỉnh cao, để giữ căn bản cho vương quốc tồn tại và phát triển.
– Ba hệ thần Yang: Cham không độc thần như Islam, không đa thần như Bà-la-môn – chỉ riêng dành cho chức sắc tôn giáo, tín đồ Ahiêr Awal thờ phụng ba hệ thần Yang là Pô Yang [vua chúa được thần hóa], ‘Muk kei’ Ông bà tổ tiên, và các Yang tiền tôn giáo.
– Haumkar là biểu tượng tâm linh cao vời nhất của triết lí Cham.
– ‘Tano-Binai’ “Đực-Cái”: Ahiêr Awal, triết lí ấy cân bằng giữa Đực và Cái tuy hai mà một vô phân biệt đẫm tính nhân văn. Như tu sĩ Cham “phải” có vợ, vợ như là nền, là “nhà”, ‘danook’ nơi trụ, không thì sẽ mất đi một vế – tinh thần và mọi thứ trở nên chông chênh.
[2] Dân tộc
– Thuần chủng: ‘Kut & Ghur’, chỉ đứa con của người mẹ mới là Cham.
– ‘Bhap ilimô’: đặc ngữ trong trường ca Pauh Catwai, văn hóa không chỉ dành cho giới trí thức, mà cần thấm đẫm vào quần chúng giữa đời thường.
– Triết lí về đất: nơi nào là đất Cham nơi đó có tháp, đất không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn mà còn gắn chặt với tâm linh ‘Dar thook padook kiak’.
– Tư duy biển lớn làm nên Hải sử & văn hóa biển Cham, một thứ tư duy mở.
– Mẫu hệ & biểu hiện 3 không của cộng đồng: Đàn ông không mù chữ, phụ nữ không làm đĩ, và cả hai không ăn mày.
[3] Cá nhân
– Sáng tạo & phá hủy: Phá hủy để sáng tạo, phá hủy và sáng tạo, phá hủy là sáng tạo.
– Tinh thần học vô vị lợi: truyện cổ “Đi tìm học bán vợ”, chữ được đồng hóa với tri thức, thế nên Cham xóa mù chữ cả cho người mất, để bạn được thành người.
– Tôn trọng chữ ‘akhar thrah’ tuyệt đối thể hiện trong Gia huấn ca Ariya Pato Adat Likei.
– Tinh thần hòa ái ‘palai tung tian’ của thi hào dân tộc Glơng Anak – giải sân hận.
– Chủ trương làm giàu của Muk Thruh Palei làm nền tảng cho danh dự gia đình và phát triển cộng đồng.