[trích Minh triết Cham, 2016]
Cưới chồng về, lập gia đình mới, người Cham “Koh paga raup lanoong Chặt rào dựng sàn” để làm Thang Yơ là ngôi nhà đầu tiên. Một ngôi nhà chắc chắn, làm tiền đề cho cả cụm nhà trong khuôn viên Waang paga.
Thời còn trẻ tôi rất ngạc nhiên về người Việt, rằng làm sao họ có thể cư trú tạm trong căn lều [hay ngôi nhà trông khá] tạm bợ được, dù thu nhập của họ khấm khá đáo để? Trong khi gia đình Cham, ăn uống kham khổ [ba, bốn lần thua kém] vẫn có thể làm nên cái nhà chắc chắn. Và nhất là trong khi quan niệm đời là cõi tạm ăn sâu vào máu thịt Cham?
Ngôi Nhà chắc chắn trên mảnh Đất chắc chắn: không phải mảnh đất của mình, mà là thuộc về mình, gắn chặt với thân xác và tâm linh mình.
Người Việt có thành ngữ: “Nơi chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Cham thì khác, ông bà nói: “[nơi] chôn nhau đặt viên gạch” (Dar thook padook kiak). Chôn nhau thì chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh.
Đó là huyền nghĩa của Đất. Nhà được dựng nên trên Đất đó.
Toàn cầu hóa, thế giới trở thành một làng – làng toàn cầu The Global Village. Đã là làng toàn cầu thì ở đâu cũng là nhà để công dân thuộc mọi đất nước cư trú. Thế nhưng, khi con người coi tất cả mọi nơi đều là nhà, thì ý nghĩa nguyên ủy của cái nhà đã biến mất. Nhà trở thành nơi trọ với đủ dạng thái của nó; từ quán trọ, gác trọ cho đến khu trọ. Ngay công ty, cơ quan, phòng ở tập thể cũng trở thành nơi trọ. Và con người nghiễm nhiên thành lữ khách, khách trọ, kẻ ở trọ. Trọ ngắn hạn hay dài hạn; mười năm, một năm hay dăm ba ngày. Khách trọ luôn tư thế sẵn sàng bỏ đi với nhiều lí do khác nhau, khách quan hay chủ quan cũng vậy. Bỏ đi, và ít khi nhớ lại. Nó không làm nên kí ức thẳm sâu trong tâm khảm con người. Ở trọ nói lên đầy đủ sự tạm bợ của con người gắn liền với nơi cư trú. Là sự tạm bợ [của nơi trọ] trong nỗi tạm bợ của con người trên mặt đất. Con người bất an, ngày càng bất an hơn bao giờ.
Đời người bấp bênh đầy tạm bợ cùng sự biến dịch khôn lường của cuộc thế, trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi chúng ta luôn cảm nghe nỗi xao xuyến nền tảng, một khoảng trống nơi mà tất cả những hình thái âu lo và bất an tuôn trào. Thường thì chúng ta cố tránh né hay khỏa lấp cảm trạng này bằng nhiều cách thức khác nhau. Phật giáo cho rằng không bao giờ chúng ta có thể sung sướng, trước khi chiến thắng được nỗi xao xuyến nền tảng này.
Chiến thắng sự sợ hãi căn nguyên đòi hỏi căn cơ lớn qua một nỗ lực tâm linh cao tuyệt. Sự thể đó nếu có, chỉ dành cho những cá nhân siêu việt, các bậc đạo sư hay nhà tư tưởng thượng thặng, còn với tuyệt đại đa số con người bình thường, thì cần đến điều khác hơn. Điều khác hơn, đó là cộng đồng. Cụ thể hơn, chính là cái nhà trong cái làng.