A.Robbe-Grillet: “Các tác giả trẻ hiện nay muốn người ta đọc họ, đó là ý muốn rất nguy hiểm”. Đấy là phát biểu của nhà tiền phong trong giai đoạn văn học phân ranh dứt khoát giữa bình dân và tinh hoa, bị hiểu cách lệch lạc.
Ý hướng tiền phong và thái độ bất cần công chúng khiến thi sĩ tự nhốt mình trong tháp ngà cô độc, qua đó thơ ca cũng tự đưa mình lên tháp ngà – và nằm chết ở đó. Tuy nhiên hôm nay đã khác rồi, trào lưu Hậu hiện đại (Postmodernism) kéo nhà thơ trở lại với đời thực, sống và viết như bao sinh linh khác trong thời đại toàn cầu.
Ở Việt Nam, Bích Khê, Hàn Mặc Tử [giai đoạn sau], nhóm Xuân Thu Nhã tập, nhóm Nhân văn-Giai phẩm, nhóm Sáng tạo có thể xếp vào dòng văn chương tinh hoa; còn lại: bình dân, quá ư bình dân. Sự thể khiến có kẻ phân ranh thơ tự do Việt Nam đầy sơ giản thành: thơ tự do khó hiểu và thơ tự do dễ hiểu. Phong trào Tân hình thức Việt (New Formanism) được khởi động 20 năm qua không gì khác ngoài ý hướng đưa thơ trở lại với ngôn ngữ đời thường, gần quần chúng hơn.
Nhưng làm sao thơ có thể đi đến quần chúng, khi ở các Đại học, các lý thuyết hay trào lưu thơ đương đại không được giảng dạy, cả khi khách mời thuyết trình về thơ tại các câu lạc bộ vẫn là các khuôn mặt cũ. Thì làm sao các loài thơ cách tân có đất sống, nói chi thơ phiêu lưu sáng tạo. Hệ quả là công chúng thơ mãi dị ứng với cái mới, khác, lạ. Từ đó trang thơ của các tờ báo – cả chuyên lẫn không chuyên – từ chối các thử nghiệm.
Còn thông tin đại chúng?Thói quen thơ quy định lối thưởng thức thơ, bài/ tập thơ nào vừa vặn với tầm mong đợi, vùng thưởng ngoạn của mình thì được cho là hay. Rồi ta nhân danh người đọc, quyết loại bỏ các loại thơ nằm ngoài vùng phủ sóng. Trước câu hỏi: Độc giả [văn chương] hôm nay đang ở đâu? Họ đã chuẩn bị được gì, để đón nhận sáng tác mới lạ?
Câu trả lời vẫn là: Chưa gì cả!
[xem thêm: Inrasara, “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay”, tạp chí Sông Hương, 6-2010, in lại trong Nhập cuộc về hướng mở-2014]