“Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ!” – Tú Xương.
Tút “con bệnh nói càn” đăng lên, Hậu Hc Nguyễn comment: “Mắt có vấn đề thì mở cửa cũng như không thôi”. Cận, viễn thị hay mù màu là có vấn đề về mắt, chứ tôi biết có nhiều nhà không chịu mở mắt. Cũng không thèm đến bác sĩ nữa!
Chuyện ngụ ngôn về bốn đứa cún Ba Lan vừa nhắm mắt chào đời đã là cộng sản, người thiên hạ nghe rồi, miễn kể lại. Nhắc, để biết nhiều nhà văn Việt Nam rất lạ, dù đất nước có mở cửa tới đâu, đôi mắt kia vẫn hạ quyết tâm không mở! Nghĩa là không muốn khỏi bệnh, cố thủ trong lô-cốt, quyết ngồi lại ao nhà, mặc ngoài kia nhân loại đi tới đâu thì tới.
Năm 2006, tình cờ gặp nhà [nghiên cứu] triết học Nguyễn Hữu Liêm ở Cà-phê Chiêu, quận Tân Bình, tôi hỏi:
– Nếu được tự do dạy triết tại Đại học Việt Nam, anh dạy cái gì trước nhất? Không cần suy nghĩ, anh nói ngay: Critical thinking!
Tôi đồng ý. Thiếu tư duy phản biện, ta không thể tự thức Self-consciousness để biết mình là ai, đang đứng ở đâu. Không biết mình đứng ở đâu, mặc sức hô ta một trong ba quái kiệt văn chương thiên hạ, hay ta triết gia số 1 Đông Nam Á, đố đứa nào cãi.
Tự thức, ta bước ra khỏi cõi vô minh, đi vào vùng khai sáng, trở thành người lớn. Người lớn thì không ưa dòm khe cửa nhà người mà thóc mách, hay ai nói gì cũng tin, không biết mà nói, không hiểu mà chống. Người lớn thì không còn chủ quan nói càn, hay yếu nhược đến phải kéo bè phái hay nhân danh này nọ, vân vân… các thứ chỉ có mặt nơi trẻ con.
Người lớn là thường trực tự thức, là hiểu sâu thẳm thế giới này tồn tại vô vàn nỗi khác biệt. Từ sắc dân đến nền văn hóa của một đất nước, từ ý hệ chính trị đến tôn giáo, từ nhân sinh quan đến lối làm thơ, từ quan niệm về cái đẹp đến định nghĩa thế nào là bổn phận…
Hắn học biết chấp nhận và tôn trọng cái KHÁC.
[Dĩ nhiên những cái Khác cần được đặt trên nền tảng phổ quát tính của văn hóa – văn minh nhân loại, không thể khác – chứ không mãi cứ ta là ta được].
Người lớn – dù thức nhận trách nhiệm cộng đồng, vẫn thoát khỏi tư duy lối mòn, tâm thế bầy đàn, núp bóng truyền thống hay ý hệ, tinh thần non yếu dễ bị xỏ mũi, không chấp nhận thay đổi, sợ phiêu lưu…
Chưa thành người lớn thì chớ nói đến sáng tạo.
Bốc thuốc chữa bệnh kiểu này, coi như không chữa cái gì cả.
Bát Nhã tâm kinh: Phật thuyết chữa bệnh tức phi chữa bênh thị danh chữa bệnh.
Trận dài điểm danh vài con bệnh Văn nghệ Việt Nam, có bạn comment hỏi: Sara chữa bệnh thế nào?
– Sau tút này, tôi có chuyến ra Bắc, sẽ lên kế hoạch bắt mạch từng sinh linh và bốc thuốc cụ thể luôn. Ai và đâu nghe mình có bệnh, hãy đặt hàng kèm theo ít tiền tổ gọi là.
Karun & Thuk siam!
+
Chuyện vui. Cái chó nhà thiếu phụ kia mới đẻ lứa đầu được bốn đứa, xinh ơi là xinh. Nhưng lạ quá, chúng toàn cộng sản, chả ra làm sao nữa! Lẽ nào hốt chúng đổ đi, bà bèn qua nhà ông hàng xóm xin vấn kế. Ổng cười cười: Chuyện nhỏ lo gì, hãy đợi đấy…
Dù vốn tin nghe ông hàng xóm, chị ra về mà vẫn lo lo. Rồi như thần, đúng nửa tháng sau, bà hối hả chạy qua ông:
– May quá anh ơi, ơn Chúa – chúng mở mắt hết rồi…