Nếu bi kí ‘Patau Tablah’ Đá Nẻ tại Bal Cong làng Chung Mỹ hiện tại, Chakleng [Cakling] là tên làng duy nhất được khắc thì ở bi kí tháp Pô Klong Girai, đó là palei Padra và palei Padra Xit [làng Như Bình hiện nay].
“Bạn có yêu palei bạn không?” – loạt bài đăng từ 7 năm trước, một câu hỏi chưa có vọng âm đáng kể. Tại sao?
Lần lên tháp, hỏi cô hướng dẫn viên về nội dung bi kí trước cửa ‘kalan’ tháp Pô Klong Girai – không biết. Sao không biết? – Không ai nói cho biết. Ban Quản lí tháp không, người của Sở Văn hóa cũng không luôn. Vậy làm sao ăn nói, nếu du khách hỏi tới, trong khi việc chính của các bạn là nói cho người không biết biết?
Ta muôn năm hời hợt, được chăng hay chớ.
Nỗi này tôi đã nói từ lâu, và nhiều lần, để rồi tánh nào tật nấy không bỏ được.
Năm 2018, tôi có bài viết khá chi tiết trên Inrasara.com, nay tóm – các cháu học đi.
Trong bài nghiên cứu “Le temple de Po Klong Garai au Vietnam”, do HAL Archives-ouvertes ấn hành năm 2015, Anne-Valérie Schweyer cho biết.
– Trụ Nam, mặt trước của tháp, nội dung (trích phần đầu):
“Om! Nhân danh thần Shiva.
Phúc thay! Đây là toàn bộ cánh đồng cùng công thần thuộc lãnh địa mà Đại Hoàng Triều Jaya Siṅhavarmmadeva Hoàng tử Harijit đứa con thần thánh của đức vua Indravarmma vĩ đại và Hoàng hậu Gaurendralakṣmī tuyệt vời – vùng đất từ Bắc chí Nam hiến dâng lên Đại Hoàng Triều Jaya Siṅhavarmmadeva.
Có một vùng đất nơi làng Apuh là cánh đồng Kuvai – khởi điểm từ hướng Đông Bắc nơi đầu Kênh Lớn – chạy về hướng Nam phân ranh bởi một con đê nơi đồng lúa quê hương – chạy về hướng Tây đến giới hạn con đê với cánh đồng lúa…
– Văn bia trụ Nam phía ngoài cửa, các tên làng, cánh đồng vùng Krauṅ được nêu lên, gồm: Đồng Salatan, đồng Yok, đồng Ramakān, đồng Tandāk.
– Văn bia trụ Nam phía trong cửa, ghi tên toàn bộ công bộc ‘hulun’ có công với tháp, gồm vợ chồng, con cháu, nam nữ, vân vân.
– Trụ Bắc, văn bia phía trước cửa, là tên cánh đồng và ruộng lúa ở vùng Panraṅ, gồm: Đồng Atāṃ, đồng Tandāk, làng Badrā, đồng Bhvai Vatuv. Làng Badrā nhỏ, làng Gamvauṅ và đồng Gamvauṅ, đồng Poṅ Rathak, đồng Yajñabhūmi.
– Phía ngoài cửa: Tên cánh đồng và ruộng lúa ở vùng Krauṅ, gồm đồng Ramakān, đồng Siñjol, làng Lavaṅ, đồng Tandāk, núi Air Kluṅ, đồng Valma, đất thánh Rapan, đồng Kapik Lanuṅ, sông Pūrā, làng Badrā, đồng Bhauk Dandā, đồng Andap Val, làng Badrā nhỏ, sông Catvăl.
– Còn phía ngoài cửa, là tên cánh đồng và ruộng lúa vùng Parik có đồng Janaḥ, đồng Ranok, sông Vauṅ, đồng Carauk, sông Thū, đồng Salatan.
– Tường Nam nội thất Kalan, văn bia ghi tên các công bộc có công với tháp; còn văn bia phía Bắc nội thất ‘kalan’, kể tên cánh đồng và ruộng lúa làng Krauṅ.
Như vậy khối văn bia được khắc kì công với nét chữ hoa mĩ này đã phác họa sinh động toàn cảnh sinh hoạt nông nghiệp của Champa trong khu vực ở cuối thế kỉ XIII. Với miền đất, tên làng, tên cánh đồng và đồng lúa, vườn cây ăn trái, tên núi, tên con sông cùng vô số con đập [không nêu tên] bao quát cả một vùng rộng lớn chạy dài từ Phan Rang, Tuy Phong đến Phan Rí hiện tại – là điều không sử sách nào của Champa ghi chép lại. Hay có ghi chép mà đã thất lạc?
Không đáng quý và trân trọng sao!
Sao lại không chịu học, để biết?