Lãng du thế giới tháp Chàm, không thể không ghé qua xem Parmentier với Kazik, hay sau này: Trần Kỳ Phương cùng Ngô Văn Doanh. Ta không thể không nói lên lời cảm ơn về những đóng góp to lớn của họ.
Dẫu sao các diễn ngôn cùng dụng ngữ đặc trưng trong các công trình đồ sộ ấy nghe như là xa lạ, với Cham. Sao cứ là Trimurti Tam vị nhất thể, mà không là ‘Pô Xapajiơng, Pô Xapalai”? Rồi thế nào là “lá nhĩ”, “tháp cổng”, vân vân? Cham đọc mà tù mù!
Các nhà nghiên cứu Cham hôm nay, cũng không ai đặt câu hỏi TẠI SAO, nữa!
“Thiếu tư tưởng, nên phê bình ăn theo sáng tác”, tôi đã trả lời phỏng vấn báo Lao động ra ngày 11-8-2007, như thế. Nghiên cứu văn hóa Cham cũng hệt. Hết ăn theo Tây đến ăn theo Việt. Sao không thử, hay không thể nhìn văn hóa Cham từ Cham?
Năm 1998, bạn thơ cũng là nhà báo phụ trách tờ Tiền Phong trên Tây Nguyên hỏi tôi khai thác được gì ở văn hóa Cham? Hỏi, làm như văn hóa Cham là xác trâu cho diều hâu tôi sà đến rỉa rúc, trục lợi. Tôi nói tôi không khai thác mà lớn dậy, ngụp lặn trong lòng nền văn hóa ấy và bước ra, để sáng tạo cái mới [xem thêm: Inrasara, Văn hóa – xã hội Cham, nghiên cứu & đối thoại-2002] .
Nghiên cứu thiếu nền tảng tư tưởng sẽ trở thành thứ khảo tả khô cằn với lí giải vụn vặt, tùy tiện. Văn hóa Cham nhìn từ Cham, là triết lí của tôi – ngay từ khởi điểm. Qua đó các vấn đề Cham được sọi rọi, để chúng tự lộ bày trong ánh sáng khác ở chiều kích khác, mới. Chứ không là những thứ nhai lại.
Năm 2018, tôi có viết đâu đó rằng, ai hiểu thấu đáo về và xung quanh bốn Pô Champa: Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Rômê và Pô Riyak là có thể nắm được trọn vẹn lịch sử văn hóa Cham Pangdurangga. Ở đó Pô Klong Girai là tâm điểm.
Đây là cụm tháp chuẩn nhất, theo cách hiểu của Cham Pangdurangga. Chuẩn đầu tiên và cuối cùng. Tháp ngự trên Đồi Trầu ‘Bbôn Hala’ nằm cách xa khu dân cư dăm cây số.
“Tháp” tiếng Cham là ‘bimông’ “chùm” bao gồm cả cụm bốn tháp.
‘Thang Cabbak Yang’ ”Nhà cổng Yang” lâu nay được dịch là “tháp cổng” nằm hướng mặt trời mọc, nơi ngự của thần linh;
Tiếp đến là ‘Thang cuh Yang Apui’ “Nhà thắp lửa cho Thần Lửa” thường được gọi là “tháp lửa” ở hướng nam;
‘Thang Pô Bia’ “Nhà Hoàng hậu” bị gọi chệch thành “tháp bia” ở phía mặt trời lặn;
Cuối cùng [hay đầu tiên] là ‘Kalan’ tháp chính, ngự nơi trung tâm.
Tháp Pô Rômê cũng tuân theo sơ đồ ấy, phiền nỗi do ngọn đồi nhỏ thiếu không gian, nên “tháp cổng” không thể lập, cả khoảng đất dành cho bà con đặt mâm lễ vật cúng tế cũng bị cắt bớt đi, không được ưu ái như đàn anh là Pô Klong Girai.
Văn hóa Cham nhìn từ Cham, mọi câu hỏi cùng bao bí ẩn sẽ sáng rõ, còn suy diễn thì trúng trúng trật trật rất ư là may rủi. Cham gọi ‘Thang’ “nhà”, chứ không phải “tháp”; chữ này do Tây và Việt dịch, mà dịch sai, từ đó không ít Cham gọi sai theo.
Tượng thần trước cửa ‘Kalan’ là ‘Pô Ginôr Mưtri’ [từ Cham dùng gọi thần Shiva], tượng này bị cạy và bứng đi triển lãm tại Đà Nẵng, và tính chôm luôn, ông Huyện Dương Tấn Phát và bà con làm căng quá, Ngài mới được mang trả về với tháp. Hú vía!
Phía trên tượng có ‘hala bot’ lá bồ đề, tượng thần xung quanh tháp là “Yang dar Adih” thần bốn phương tám hướng, còn các “nhánh” bao quanh tượng ‘Pô Ginôr Mưtri’ và nhô ra quanh tháp ta quen gọi “lá nhĩ” là ‘hling’ “ngọn lửa” đích thị. Không hiểu chữ “lá nhĩ” được các nhà nghiên cứu lấy từ đâu ra! Vậy mà chẳng có Cham nào thử hỏi vặn lấy một lần.
‘Thang Pô Bia’, trước thập niên 1960 còn có tượng Bà, sau đó tượng bị đánh cắp, Cham thay bằng ‘Patau Kut’ Đá bia mang tính tượng trưng. “Tháp bia” là từ gọi sau này, sai cả hai: “tháp” lẫn “bia”!
Tháp Pô Klong Girai có ‘mandapa’ không?
“Mandapa” giữ vị trí quan trọng trong cấu trúc tháp, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương đã phân tích rõ rồi, không cần lặp lại. Trên đồi tháp Pô Inư Nưgar còn nguyên đó, sao ở đây thì không? – Đơn giản, bởi nó mất dấu!
Giữa ‘Kalan’ và ‘Thang Cabbaak Yang’ là ‘Thang Uơk’: Nhà Trang điểm. “Nhà” này trước thập niên 1960 còn tồn tại 4 ‘gang’ “cột” gỗ lớn cùng nguyên giàn chính. Mỗi mùa Katê, bà con Raglai xuống lợp ‘ralaang’ “tranh săng” che nắng mưa cho chức sắc ‘uơk’ “trang điểm” chuẩn bị hành lễ. Sau, người ta bứng nó đi, làm mất cả “mandapa” gỗ độc đáo, và… độc nhất vô nhị.
Liên hệ qua Lễ Tôn chức ‘pôk Tapah’, có một “nhà” cũng gọi là ‘Thang Uơk’: Nhà Trang điểm dựng ở phía tây nhà chính ‘Thang Amal’ để làm nghi thức tôn thầy ‘Paxêh’ trở thành một đạo sĩ Bà-la-môn thực thụ.
Ta không nhìn thấy nó, không có nghĩa là nó… không có!