Nhiều nhà thơ in thơ ưa có “lời giới thiệu” hay “bạt”, tôi thì không.
Tôi làm một tập thơ, chứ không gom nhiều bài thơ lại thành tập. Và mỗi tập đều có “đề từ” như là tuyên ngôn bằng thơ cho chính tập đó.
Tháp nắng, đứa con Cham tương thoại với quê hương, ở đó bên cạnh trường ca “Quê hương” là hai bài đinh: “Đứa con của Đất” và “Ngụ ngôn của Đất”.
Hành hương Em, là trận đi tìm cái Đẹp, tất cả đặt trên nền của bài thơ cùng tên “Hành hương Em”.
Lễ Tẩy trần tháng Tư, được gợi ý qua lễ Cham tẩy trần làng xóm, tôi tẩy trần từ thể thân, tư tưởng, chữ nghĩa cho đến con chữ cái tôi đã xài đến mòn nhẵn. “Tam tấu trước ngưỡng thế kỉ XXI” làm nền, sau đó là trường ca “Lễ Tẩy trần tháng Tư” đẩy tới và mở rộng tối đa chủ đề tìm thây.
Chuyện 40 Năm mới kể & 18 bài tân hình thức, kể chuyện đời thường Cham trong bối cảnh xã hội Việt Nam, trong đó sinh linh các loài chưa qua lò lửa giải sân hận, còn sục sôi căm hận.”Để từ” mở màn cho công cuộc đó.
[1] Năm 1990 (Tháp nắng-1996)
Tôi
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao
[2] Năm 1998 (Hành hương Em-1999)
Cám dỗ bởi cái nhìn rất cổ điển, tôi bước theo
người thiếu phụ có dáng đi của loài chim sa mạc
hết nửa đời người tôi chưa dừng nổi bước lãng du.
[3] Năm 2002 (Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002)
Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này nhúm chữ cái Latinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng.
[4] Năm 2005 (Chuyện 40 Năm mới kể & 18 bài tân hình thức, 2006)
Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên
Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên
Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới.