Ramưwan buồn-16. TÔN GIÁO LÀ TỰ CHỌN

Bị ném vào đời, trong môi trường tự nhiên và không gian văn hóa đó, nền giáo dục đó, ý hệ chính trị và tôn giáo đó, vân vân, cá nhân bị qui định và thao túng. Có ba trường hợp xảy đến: Ta biến mất giữa đám đông như vô số sinh linh khác; nếu hiểu mà chấp nhận và chịu đựng, ta tự làm suy nhược và đánh mất bản thể ta; ngược lại, ta phản kháng…

Tôn giáo là thứ xiềng xích trói buộc lì lợm nhất, khó tháo gỡ nhất. Nhất là khi nó trở thành quốc giáo, sự giải thoát càng khó bội phần. Phải là một cá thể chín đầy, dũng cảm và liều lĩnh, mới hi vọng làm nên điều gì đó đáng kể.

Làm gì?

Thứ nhất, bạn phải nhìn ra thế giới rộng lớn. Ở đó tồn tại bao nhiêu tôn giáo [hay không tôn giáo] nhiều điểm tốt hơn hắn thứ tôn giáo bạn đang bị quy định, qua đó – bạn tự do chọn lựa.

Tôn giáo do con người bày ra, con người bất toàn, tôn giáo nào bất kì cũng bất toàn. Không thể nói tôn giáo nào cũng dạy con người tình yêu thương, để cho rằng tôn giáo nào cũng tốt, cũng đẹp, nếu có xảy đến phân biệt đối xử, thánh chiến hay khủng bố là chỉ do con người mà ra. Nói thể như thể rắn cắn đuôi rắn!

Đâu là tiêu chí chọn?

Cần xét đến 3 bộ phận: Giáo lí tôn giáo đó, tổ chức của nó [giáo hội…], và cá nhân tín đồ. Qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển của nó, xin lặp lại:

Với THẾ GIỚI, nó mang đến tình yêu thương và hòa bình thực sự không, hay nó chỉ biết phân biệt, xung đột, khủng bố và chia xé?

Với DÂN TỘC, nó có bảo tồn thành quả tốt, đẹp tổ tiên để lại không?

Với CÁ NHÂN, nó có giúp phát triển nhận thức về mình, về thế giới xung quanh? Nó có là tôn giáo mở, qua đó phát huy tối đa tài năng của bạn không, hay ngày càng biến bạn thành kẻ cuồng tín chỉ biết khinh miệt tín đồ tôn giáo khác là “ô uế” ‘haram’?

Cuối cùng, từ khi xuất hiện, bộ phận nhân loại theo tôn giáo [hay ý thức hệ] đó có đóng góp gì lớn lao cho văn minh loài người không, hay mang nguy cơ kéo thế giới tụt hậu?

Đức Phật cả đời thúc giục đồ đệ rũ bỏ mọi tín điều các loài, nhưng rồi hàng đồ đệ và chúng sanh biến lời dạy của Đức Phật thành mớ tín điều, qua đó bày ra bao lễ nghi cúng kính cầu xin đầy tính ích kỉ, như thể Phật là đấng linh thiêng toàn quyền ban phát.

Không lạ, khi Voltaire yêu Chúa, nhưng cả đời chống Giáo hội. Nietszche chống Jesus Christ, là Jesus theo diễn ngôn của Giáo hội.

Tôi với tư cách một Luận sư, không “quá khích” như hai thiên tài ấy, mà… trung dung.

Đại bộ phận chúng sanh không thể thiếu tôn giáo, tôn giáo không thể vắng bóng “giáo hội”. Thế giới và Cham không khác.

Với sinh linh Cham, khi đã chọn Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ sau khi hiểu biết: Đó là tôn giáo dân tộc đầy bản sắc, tôn giáo hòa bình và nhân văn, làm sao hóa giải và hòa giải ba bộ phận:

[1] Luận sư ‘Ra-xakarai’ – đại diện cho phần tinh túy của đức tin tôn giáo,

[2] Giáo hội ở đây là “Hội đồng Sư cả” – đại diện cho tổ chức, và

[3] Chúng sanh ‘Bhaap bini’ – tín đồ

Để mọi mọi sinh linh Cham có thể sống “tốt đời, đẹp đạo” đúng nghĩa, cho cụm từ này thôi còn là thứ khẩu hiệu mị dân?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *