VIỆT, CHAM & CĂN TÍNH MỚI CHO TƯƠNG LAI

Nhớ, tháng 11-2019 tôi được bạn thân mời ra Bắc một tuần ăn, ở chỉ để “Đi tìm bản sắc Việt”. Rồi hai tháng sau, thêm: “Khi mất niềm tin đang tràn lan, làm gì?”. – Hơi to!

Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 10-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho 100 triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc” (Vietnemnet, 1-11-2021).

Phát ngôn bị nhiều cư dân mạng phê phán, tôi ngược lại, xem đây là nhận định đúng, khớp với căn tính Việt. Người Việt chủ yếu cần có thế: cơm no áo ấm.

Đụng tới “cơm ăn áo mặc” của người Việt là sanh chuyện lớn. Xâm phạm “tấc đất tấc vàng” [liên quan đến cơm áo] của người Việt là phải trả giá đắt. Chớ tự do tư tưởng, tự do ngôn luận hay hết mình cho văn chương gì gì khác, tuyệt đại đa số người Việt qua loa chớ không quyết liệt và tới cùng. Cứ xem tỉ trọng người Việt phản ứng trước Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, cũng đủ hiểu!

Chắc chắn đó là căn tính chủ đạo tác động và điều khiển mọi sinh hoạt của đai bộ phận người Việt. Cham hơi khác. Tạm kê 5 thứ nổi bật nhất:

Cham đã dựng nên nền kiến trúc và điêu khắc lớn và độc đáo;

Cham có chữ viết từ sớm, thế kỉ IV, một sáng tạo độc đáo từ chữ Sanskrit;

Cham có sử thi – là viên đá tảng của một nền văn học; và khác với các dân tộc Tây nguyên, tất cả đã được văn bản hóa;

Cham có Hải sử và Văn hóa biển xa và dài bổ khuyết lớn cho lịch sử Việt;

Cham có hệ tư tưởng, Pô Rômê là người chủ động sáng lập qua hóa giải Islam và hòa giải với Bà-la-môn để tạo nên một hệ thống triết học-tôn giáo hòa bình và đầy tính nhân văn [tôi đã phân tích nhiều lần, miễn nhắc lại]…

Là 5 thứ người Việt thiếu khuyết, nếu có cũng khá mờ nhạt. Chúng làm nên căn tính Cham. Căn tính Cham + căn tính Việt + căn tính của các dân tộc còn lại tập đại thành CĂN TÍNH VIỆT NAM chung, khả thể làm nên một Việt Nam hùng mạnh.

Thời gian qua, tôi đã thử dấn vào hành trình cho mục tiêu ấy.

Trở lại vấn đề cơm no áo ấm. Hồi lớp 12 Nguyễn Trãi – Phan Rang 1976, thầy dạy Văn từ Bắc vào – đụng vài bạn quên bài, đã dạy một câu ám tôi mãi: Tôi nói là nói cho ấm thân cô cậu thôi nhé!

Từ lí tưởng thế giới đại đồng cao xa đến “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” [không ai không nghĩ đến nỗi hưởng thụ vật chất] qua “tôi nói là nói cho ấm thân cô cậu thôi nhé” là cả một cú trượt dài.

Để rồi cơ chế và xã hội ta mấy thập niên qua ngày càng đẩy con dân Việt Nam tiếp tục trượt dài và chìm nghỉm trong thế giới vật chất. Và rồi chỉ biết có nó.

Tết, ta chỉ lo ăn chơi, livestream cho làng trên xóm dưới biết ta đang ăn chơi. Không ai dành thời gian rỗi ấy ngồi suy nghiệm trong cô độc. Quần chúng Việt đã thế, văn giới cũng chả hơn. Mươi năm trước tôi có tút: “Nhà văn Việt, có ai tự tử vì văn chương chưa?” Đặt câu hỏi và trả lời: chưa.

Không ai vì văn chương tư tưởng mà từ bá tước-nhà văn nổi tiếng để tự nguyện làm vô gia cư như Tolstoi. Không ai quyết liệt với chữ nghĩa trong nợ nần và cô quạnh như Dostoievski. Không ai quyết cắt đứt sinh hoạt văn giới khi thất vọng hoàn toàn với thi ca, như Rimbaud. Không ai đã điên vì triết học, như Nietszche. Không ai sẵn sàng dí súng vào đầu làm cái bùm, như Hemingway. Không ai cả!

Tuyệt đại đa số nhà văn Việt vẫn cứ ngồi lại ở đường biên cơm no áo ấm. Rồi thôi…

Thay đổi tâm thế, tâm tính để tạo nên căn tính mới, tại sao không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *