Ngày 9-1-2022, Tuổi trẻ đưa tin ở Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc “mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước”.
Bỏ qua các bình luận bao la của cư dân mạng, hãy đi thẳng vào một khía cạnh của vấn đề.
14 năm cũ, phát triển bài trả lời phỏng vấn trước đó, tôi có tiểu luận: “Giải Nobel cho văn chương Việt, tại sao chưa?” đăng Vietnamnet.net, 10-10-2008, sau đó in trong Song thoại với cái mới-2008.
Rồi “Thư cho Thùy Linh về Giải Nobel cho văn chương Việt” đăng ở Inrasara.com, 4-4-2009. Lần nữa, “Nobel văn chương năm nay đã trở lại với truyền thống”, Bình Thuận cuối tuần, 28-10-2017. Cuối cùng là: “Tại sao Nguyễn Huy Thiệp chưa thể với tới tầm Nobel?” viết ngay sau nhà văn này mất, khi dư luận Việt Nam lần nữa rộ lên nỗi thèm thuồng Nobel.
Thế mới rõ, mặc dù “em chả em chả’, Nobel Văn chương vẫn cứ ám ảnh dân Việt, từ đáy đến đỉnh. Không có gì dở cả, còn làm thế nào để có nó, mới là điều đáng bàn. Trước khi bàn về CÓ, ta hãy xét lại vụ CHƯA.
Quốc gia nhược tiểu hay ngôn ngữ yếu thế chăng, không hẳn. Môi trường chăng? Bộ môn Vật lí thì khó chớ, văn chương dễ ợt, nhà văn chỉ cần cây bút với tập giấy, là đủ. Thử điểm qua:
Pháp: Sartre, Camus sống và viết giữa thủ đô Paris hoa lệ. Mỹ: Hemingway lang bạt kì hồ còn Faulkner làm kẻ ở miền xa yên tĩnh. Nga: Brodsky lưu vong, Pasternak ẩn dật, trong khi Solzhenitsyn thì chịu kiếp tù đày.
Nghĩa là ở bất kì đâu, ta vẫn có thể giật Nobel, nếu ta muốn có… Nobel.
Nhà văn Việt Nam không muốn vì ta sợ chính trị, là chuyện dễ thấy nhất. Ta sợ cô đơn, khỏi hội đoàn, khỏi môi trường sống xung quanh. Nữa, ta sợ thoát khỏi vú mẹ: Nếp nghĩ, quan niệm văn chương của truyền thống.
Tắt một lời: Ta sợ “mất an ninh”, không dám đi một mình. Ta luôn là con người của số đông, số đông trong giới văn nghệ, số đông giữa người đọc và, số đông cả khi ngồi một mình, cô độc!
Hỏi, nhà văn Việt Nam,…
Có ai đã nói lên được tinh thần cốt tủy của dân tộc, “nhập cuộc về hướng mở” như Pamuk; hay lớn hơn – thời đại, mở rộng tối đa, đẩy đến cùng và thể hiện qua nhiều thể loại bằng nhiều cách thức khác nhau, như Camus không?
Có ai đã sáng tạo hay khai triển kĩ thuật mới ảnh hưởng đến lối viết của người cùng thời, như Faulkner không?
Cuối cùng, có ai là một trí thức mà tiếng nói được công chúng chờ đợi, như Sartre?
Chưa một nhà văn Việt Nam nào có tác phẩm gọi là tác động đến thời hiện đại mang tính toàn cầu. Kẻ tư tưởng, nghệ sĩ sáng tạo và con người dấn thân hội tụ trong một cây bút xuất chúng, ta càng chưa.
Thế nên chuyện Nobel văn chương vẫn cứ là giấc mộng xa vời…