[1] Không thể khác, đại dịch Covid-19 đợt thứ tư tràn vào Việt Nam, phải đứng ở hàng đầu. Nó ảnh hưởng và tác động toàn diện đến mọi ăn, ở, nghĩ, nói, viết, làm của tất cả chúng ta.
Ở đó không phải hàng triệu ca nhiễm được ghi nhận, không phải hàng vạn sinh linh mất đi, càng không phải hàng ngàn chốt chặn được dựng lên khắp hang cùng ngõ hẻm… mà là trăm dòng người bằng mọi phương tiện và không phương tiện khác nhau tháo chạy khỏi Sài Gòn, nơi trước đó họ tìm đến như là miền đất hứa cho cuộc sống mình, và cả tương lai con cháu.
[2] Ở cộng đồng Cham, là trận hỗ trợ chị em đang kẹt nơi vùng dịch. Hơn ngàn trường hợp rải khắp 4 vùng Panrang Krong Parik Pajai và miền Tây Nam bộ với cả đống rối rắm cần xác minh, để chọn ra 310 xuất đảm bảo sao cho công bằng. Tưởng bất khả, vậy mà tôi đã giải quyết gọn nhẹ.
Bà bầu, tôi kêu chị em cho coi cái bụng; con mọn hay gia cảnh cũng hệt. Ai không được duyệt, mặt ỉu xìu, tôi đùa thôi cháu à xinh thế mà không chịu cười cái nguy cơ xấu tới nơi đó. Nhoẻn lên nào! Vui đáo để.
[3] Bà xã hai lần đột quỵ, lại trúng ngay thời điểm tâm dịch nơi vùng dịch nặng nhất: Sài Gòn. Tôi lại đang ẩn náu ở quê. May, bà đã thoát, từ sụt 20kg nay tăng 10kg trở lại.
Thời gian ấy nguyên tháng, tôi cao hứng viết một hơi trường ca Covid-19: Đánh thức lãng quên, thêm mươi bài thơ thế sự. Tôi không ngờ mình còn làm thơ được, lại có loài thơ thời sự… hay đến thế.
[4] Tôi được đề cử ghế Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, bà con Cham hãnh diện, vui. Hỏi chứ tôi có ưỡn ngực về vụ này không, thực lòng: không. Vậy mà khối bạn văn tưởng ghế kia cao lắm, nhào vô muốn đạp đổ nó, đạp từ báo chính thống cho đến mạng xã hội.
May, chỉ bằng cái “gạt tay trúng má” nhẹ, tôi đã dẹp yên nỗi ồn ào nhảm nhí kia: Đỗ Hoàng, Trần Mạnh Hảo, Trúc Phương, Đông La…
[5] Dẫu sao ở thế giới chữ nghĩa Việt vẫn bật lên vài tín hiệu mừng.
Tập thơ Văn học vết thâm của Nguyễn Thị Thúy Hạnh với kĩ thuật khác lạ, lộ bày đủ đầy tâm trạng, tâm tư, tâm thế của thế hệ mới: thế hệ hậu @.
Ở trường ca Gửi…, Thy Nguyên ráo riết đặt những câu hỏi về “sứ mệnh” của nhà văn hôm nay, bằng thứ nghệ thuật chín đầy.
Nơi chân trời khác, rất ngẫu nhiên – Chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang là câu trả lời cho vấn nạn ấy. Dân Việt lâu nay cứ nghĩ “chính trị” là cái gì hoặc cao siêu hoặc nhếch nhác với đủ trò mưu hèn kế bẩn, nay Chính trị bình dân dạy ta hiểu nó đàng hoàng và cần thiết thế nào. Khi em chết, hãy chôn em với cây đàn guitare!
Nếu có Giải thưởng Inrasara, tôi trao giải duy nhất năm nay cho chữ nghĩa của ba người nữ này.
[6] Bà Nguyễn Phương Hằng với màn tấu hài bất tận cùng đám văn nghệ sĩ Việt Nam, chuyện không muốn kể tí nào cũng cần kê ra để mai hậu ghi vào lịch sử.
Vào lịch sử vào lịch sử
Tụi chúng nó trước sau đều vào như thế cả
Chúng đi vào và chân lí đi ra (Chế Lan Viên).
[7] Cuối cùng, là vụ Kittest Việt Á, đích thị Mafia không chạy vào đâu được. Càng nghe càng thấy ớn. “Maria, linh hồn tôi ớn lạnh” (Hàn Mặc Tử)!
Nhưng GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, hà cớ? Anh còn thiếu gì nữa, không hiểu. Tôi tự hỏi, nếu ngày xưa tôi nhận lời mời làm to, ra ngoài ấy, tôi sẽ thế nào? Hòa chung dòng chảy hay để bị cô lập rồi chịu hất văng ra?
Câu trả lời: không, và không. Hai tác phẩm gối đầu giường của tôi từ tuổi tìm học: Hoa Nghiêm kinh và Ariya Glang Anak. Nếu Kinh Phật khiến tinh thần tôi vô nhiễm, thì thi phẩm Cham ban tặng cho tôi vô sở trụ tính.
Nhiên!