Tôi-114. TÔI CÒN NỢ CHAM NHỮNG GÌ?

[1] Lời hứa và nợ, là hai thứ tôi ngán phạm nhất trên trần đời.

“Nhất tội nhì nợ”, ông bà Việt nói. Kẻ khôn học kinh nghiệm người khác, thế nên tôi không nợ ai, và không để ai chịu nợ mình. Bà xã tôi ngược lại.

Mở quán Tạp hóa Haly’s, chuẩn bị vào làm ở Đại học, tôi đốt sổ nợ non 10 cây vàng. Vẫy tay chào Chakleng, tôi dặn bà xã tuyệt không cho ai nợ nữa, lo đưa gia đình vào làm dân Sài Gòn. Bà xã không nghe, tiếp tục cho nợ. Năm sau tôi đốt tiếp.

– Để về quê còn nhận ra bà con, chứ ai cũng là con nợ mình thì ngó sao được – tôi nói.

Trước đó bốn năm, 1987 thời đất nước trường kì ăn độn, bà xã được chị người Việt ở Chợ Đầm – Nha Trang cho nhận quần áo bán. Thâm hụt, hai bận khất, thế là tôi hốt nguyên dàn heo mẹ cùng đàn con 9 đứa, bán trả. Quyết, đến nỗi chủ nợ trách đâu cần làm thế. Bởi nhà quê, đó là cả tài sản! Tôi nói:

– Nhớ đến nợ cũng đủ nặng đầu, bụng đâu làm ăn với sáng tạo!

[2] Tôi còn nợ Cham những gì?

Lẽ ra tôi trắng, thế rồi bởi duyên số mà đổ nợ.

Làm chữ nghĩa từ 13-14 tuổi, mãi tứ thập tôi mới in tác phẩm đầu tay. Rồi cuốn này đến khác ra đời, là chuyện chẳng đặng đừng.

Văn học Cham khái luận-1995, nhà xuất bản VHDT nghe tiếng, mời qua hợp đồng. Văn học Dân gian Cham-1995, Đại học Tổng hợp xuất bản. Trường ca Cham-1995, Toyota Foundation tài trợ, Tháp nắng-1996, anh bạn bác sĩ mê thơ: Hồ Đắc Duy cho tiền in.

Khởi đầu là vậy, đến tuổi 60 cũng chẳng khác. Hiện tôi có trong tay 40 bản thảo, vẫn không muốn chúng xuất hiện dưới tên tôi, mà là ai khác.

Damnưy Cham khoảng 600 trang, tôi muốn tặng yut Đảo, vậy mà đưa bản thảo chẳng những yut không nhận mà còn “bổ sung” phần thiếu cho tôi! Cuốn Chakleng, đưa nháp cho Jaka mà con trai cứ khất, rồi khất suốt 5 năm. Vân vân.

Đâu là món nợ? Tạm nêu 4…

Cuốn 4.650 Từ Việt – Cham Thông dụng lẽ ra cần bổ sung vốn từ Cham Tây khi tái bản như ý nguyện của ông anh Ysa Cosiem, rốt cùng không có ai góp cổ phần chữ nghĩa. Bốn năm đi qua, thất hứa = nợ.

Urang Cham. Dự tính 40 nhân vật Cham thế kỉ XX vào góp vui, ai dè đang ngon trớn với 28 khuôn mặt trên trang nhà, thì khựng lại. Một nhân vật hổng chịu ngồi trên mạng, tôi cho “ẩn”; hai vị không ưng trả lời phỏng vấn; thêm một nhân vật rất gồ đòi hỏi này nọ. Ba ba nhập một, nên tạm ngưng = nợ.

[Vụ này nhiều bạn kêu nên để cho các cụ đi xa mới làm, nghe có lí. Dẫu sao tôi muốn viết ngay khi nhân vật còn sống, để còn kiểm chứng, và…]

Cham Toàn Cảnh.

Như thứ bách khoa toàn thư về văn hóa, lịch sử, con người Cham. Được 80%, và đã thư mời ba nhà [không còn trẻ] vào cuộc, ai cũng ừ, chớ nhúc nhích thì chưa. Hơn hai năm rồi còn gì! Mất hứng như chơi. Bao giờ? = nợ.

Lịch sử palei Cham Ninh Thuận

Đã gom nhặt lưng túi và đang rất hứng. Cũng đã rủ rê bảy bạn trẻ nhập cuộc vào chính palei mình, thế rồi ngó qua ngó lại chả thấy ai hào hứng như ta cả. Sự vụ đình trệ, mình thì sắp lên lão tới nơi. Làm gì? = nợ.

[3] Tôi nợ tôi những gì?

Mọi thành tựu của tôi đến hôm nay là rủi ro. Bởi thực sự tôi chỉ muốn làm hai thứ: Tiểu thuyết sử thi Con đường Vô tận [đã xong 2/9 tập năm 1991, rồi dang dở], và Kinh-luận-luật 200 trang, để mỗi sinh linh Cham dù luân lạc tận đẩu đâu, có nó cầm tay, là ổn.

Chớ thành nhà gì gì với tôi, hoàn toàn không cần thiết.

Sau ba năm, tôi đã xong 90% Agal và Danak (kinh, luật), non ngàn trang. Dẫu sao tôi cho đó là công trình nghiên cứu, để quý ‘Halau janưng’ và dân trong nghề tham khảo chứ không phải cho mọi mọi Cham dùng. Trong khi đích nhắm của tôi là [THỰC] DỤNG. Chính điều này giúp Cham tồn tại, chứ không là gì khác.

Tôi còn nợ Cham, và nợ… tôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *