Tháp Chàm là biểu tượng lớn nhất của Cham. Cham hãnh diện, đau buồn, khốn khổ hay lo lắng cũng từ tháp và bởi tháp. Và họ làm thơ, đậm nhất là thuở Pô-Klong. Đến đỗi giáo sư Trần Công Lộc phụ trách tờ báo của Trường đã phải nhăn nhó: Sao ai cũng nhè tháp mà ráp vần thế!
Cũng chả sao, phiền nỗi là mọi mọi Cham đều rên rỉ về tháp, hệt… Chế Lan Viên Đích thị nước mắt phim bộ rồi còn gì. Với tư cách người thơ, tôi chơi khác. Từ
“Tam tấu tháp Chàm:: Tháp nắng, Tháp hoang, Tháp lạnh sang “Tam ca xanh” đến “Tháp Chàm muôn mặt”….
“Nhà thơ, làm gì? – Phá đổ lề thói cũ, đưa ra cái nhìn mới qua thể hiện kĩ thuật mới, hầu mở rộng kinh nghiệm trường làm phong phú đời sống tinh thần, của mình và của người đọc.
Chế Lan Viên thấy “tháp gầy mòn vì mong đợi”, nghe tháp “lở lói rỉ rên than” – là hay. Hôm nay, bạn cần nhìn khác Chế, thấy khác và viết khác. Tôi đã từng phục Chế, điên mê Chế, thuộc lòng Chế. Với lối cũ, Chế Lan Viên nói lên một tâm trạng tháp ở một thời, từng làm rung động tcon tim người đọc ở thẳm sâu.
Bài thơ nổi tiếng của Văn Cao làm rung động độc giả theo cách khác:
Tự trời xanh
Rơi
Vài giọt
Tháp Chàm.
diễn tả cái gì thánh thiện, siêu việt. Tháp được nhìn bằng con mắt duy mĩ, sự có mặt của tháp thoát khỏi mọi sự hiểu của trí tuệ con người.
Tôi thì khác, phải khác. Nhìn tháp qua nhiều góc độ, tình huống và tâm trạng. “Tháp Chàm muôn mặt” hiện ra trước đôi mắt, con tim tôi qua không và thời gian khác nhau.
Cô độc và kiêu hãnh: “tháp nắng”; bị bỏ rơi và run rẩy: “tháp lạnh”; âm u đầy bí hiểm: “tháp hoang”.
Tháp đột ngột xuất hiện trong tôi khi tôi làm tha hương đất khách quê người: “Đôi lúc / nửa đêm / tôi nghe tháp mọc ngang trời”.
Khi “là chim”, “tháp bay”;
Là bóng ma, tháp “trườn qua đêm tối những triều đại”;
Buồn, “tháp ngậm im lặng màu tro”;
Giữa thất thường khí hậu miền Trung: “tháp thét gào cùng giông bão”;
Qua chiến tranh tàn phá, đổ nát: “tháp lãng du thế giới cỏ cây”;
Trời nóng nực: “tháp ở trần nằm”; trời lạnh: “tháp ngủ”; nhớ vương quốc: “tháp đứng”; hứng khởi: “tháp bay”…
Rồi khi tất cả tiêu tan: “tháp chuyện trò cát bụi”.
Vẫn còn là chưa đủ, lắm khi:
Tháp đang trôi trong hoàng hôn
chợt mắc cạn
ở lưng đồi…
Tháp đã thành biểu tượng cho một suy tàn của vương quốc (hoàng hôn), một dang dở của nghệ thuật hay văn minh (mắc cạn), một ở lại với trần gian đầy đau xót, tức tưởi (lưng đồi). Đây là một hiện thực đầy khổ ải mà chỉ có thi sĩ Cham chính hiệu mới nhận thấy và nói ra được.
Tóm, tháp không còn là tác phẩm nghệ thuật, mà là một sinh thể: nó rất người.