[về Hiện tượng tự tuyển thơ và tự đúc tượng]
Con người ta lạ lắm, nhất là cánh văn nghệ sĩ. Làm sao có thể tự tuyển thơ hay cho người đúc tượng mình, ngay khi mình còn sống nhăn? Không hiểu!
Năm 2005, đi Bangkok nhận giải thưởng Văn học ĐNÁ về, một bạn trẻ Cham ghé nhà, hỏi:
– Bao giờ cei Sara làm tuyển? Cei có thể tuyển vài ngàn trang mà.
Mèng! Khi ấy tôi còn chưa tới 50. Mà tuyển làm gì cơ chứ. – Cháu muón cei cắt khẩu sớm à? – Tôi hỏi, cười mếu.
Bạn thơ tôi, chưa tới tuổi lục thập đã làm xong hai cái tuyển, dày cộm. Sáng tác của mình, cả dư luận báo chí hay ý kiến bạn văn về mình.
Nếu muốn, ngay hôm nay, tôi cũng có thể. Bởi nó đủ đầy, ở đó. Tôi có thói quen làm hồ sơ, về bạn văn, và các thứ. Cả về mình. Để làm việc, chứ không gì khác.
Tôi ngưỡng mộ ai khác, chứ không phải tôi. Vậy tôi có thần tượng không? Có, và không.
18 tuổi, tôi treo ảnh Dostoievski trước bàn viết. Nhỏ thôi, nhưng có. Không phải để tôn sùng, mà như cái đỉnh, để vượt qua. Khi ấy, tôi xem Dostoievski như đỉnh cao nhất của văn học thế giới. Sau đó là ảnh Krisnamurti, lúc này không còn là đích để vượt qua nữa, mà treo vậy thôi.
Đến tuổi 20, mọi chuyện chấm dứt.
Tôi thích ảnh, thích đăng ảnh mình lên facebook. Không phải để chiêm ngưỡng, mà như tư liệu cho hồ sơ. Cả, như một kỉ niệm. Chớ tôn thờ mình thì – không!
Tôi nghe lạ vô cùng, làm sao một người có thể tự tôn sùng được, nhỉ!
Tự khoái bằng đặt hay treo chân dung mình to tưởng giữa phòng khách. Bạn thơ kia, chưa lục thập đã cho đúc tượng mình, đặt trên bàn làm việc. Rồi ông anh Cham nổi tiếng nọ một hôm dắt tay tôi qua phòng điêu khắc đang tạc tượng to bằng người mình nữa.
Để làm gì cơ chứ?!
Hiện, trước bàn viết của tôi là tranh nghệ thuật một góc tháp Chàm, và ảnh cha đứng với Út. 20 năm, tôi nhìn không chán. Thế thôi.