[Tôi, Khế Iêm, Thiều & Văn nghệ bộ mới]
Tặng Tagalau-7 cho bạn thơ NHHM, anh viết giới thiệu sách có câu “Inrasara lập đặc san để đăng thơ mình”. Đọc phải, tôi không thôi tủm tỉm cười.
Làm gì có chuyện đó. Tâm lí chung của một chủ biên là thu hút càng nhiều cây bút tài năng viết cho “báo” mình càng tốt. Làm được nỗi ấy, báo bạn mới sống khỏe.
Tôi gọi đó là “tạo đất cho cỏ mọc”. Thế giới thơ Việt, Khe Iem, Nguyễn Quang Thiều và tôi thuộc típ sinh linh ấy.
Hải ngoại, Khế Iêm là một hiện tượng lạ. Anh yêu thơ đến mê mẩn, thành điên thơ. Có điên mới làm nổi thứ như tạp chí THƠ [ở Mỹ]. Đẹp, hay và, sớm hơn cả tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam nhiều năm. Cho anh chị em yêu thơ từ trong đến ngoài nước xúm vào chơi. Nhỏ người, gầy khô và nghèo mà tự nguyện tạo đất kiểu ấy, mới chết!
Thế giới Cham, tôi là hai.
Chuẩn bị cho Tagalau ra đời, tôi rủ vài Cham chưa từng viết tham gia làm số đặc biệt ở vài nơi. Ba năm liên tục, ở đó tôi kí 4-5 bút danh khác nhau. Để làm gì? – Cho văn giới Việt Nam thấy, Cham thừa khả năng viết lách.
Để rồi khi Tagalau có mặt, tôi kí duy nhất một: Inrasara. Hai cây bút đinh khác tùy ý: Trà Vigia kí thêm Yamy, Guga; Nguyễn Văn Tỷ là Trà Đa Ling, Chế Vỷ Tân. Thì làm gì có chuyện ông Inrasara ra báo để đăng thơ… mình!
Trong nước Nguyễn Quang Thiều, dù so sánh có hơi khập khiểng, ở vị thế khác – cũng có chất điên gần như thế: tạo đất cho cỏ mọc. Tôi vừa có thư cho bạn thơ sáng nay.
Chakleng, 10-10-2021. Thiều thân mến!
Tôi vừa nhận bộ Văn nghệ mới, 7 tờ cả thảy – chiều hôm qua. Tuyệt! – không có từ nào khác. “Tuyệt” đó xuất phát từ tình yêu của Thiều với nó. Không YÊU không thể làm được. Thêm, năng khiếu trời cho. Thế mới là báo. Ở đây là báo văn nghệ. Từ Nghệ Thuật Mới đến Viết & Đọc cho tới Văn Nghệ hôm nay, Thiều đụng vào là khác và mới ngay.
Dù chưa có nhiều thời gian rút kinh nghiệm, Văn nghệ đã đáng yêu lại rồi. Nó mới từ trang đầu tiên, rồi mỗi trang đều mỗi mới, khác. Không monotone. Khác ở “ban biên tập”; khác về cách trình bày: bắt mắt là yếu tố số một; khác ở phân công mỗi kì một nhà văn tuyển chọn: làm đa dạng giọng điệu; khác ở tác giả tham gia: nhiều khuôn mặt không quen thuộc ở Văn nghệ trước đó; từ đó khác qua nội dung, là điều không thể tránh.
Chưa bàn đến chất lượng, riêng mấy khác, lạ và mới kia đã là điểm sáng của Văn nghệ bộ mới rồi.
YÊU có nghĩa là ưu tư và chăm sóc. Thiều ưu tư về và cho nó, tôi biết. Ngay lối viết “thư riêng” gửi đến cộng tác viên, đã là một biểu hiện của “yêu” đó.
DĨ NHIÊN…
không thể đòi hỏi Văn nghệ hay ngay, và hay tất. Bên cạnh bài hay, như “Nhật kí của một nhà văn những ngày giãn cách” của Y Ban số 37 đậm văn-báo, vẫn xuất hiện bài phong trào, ở đó “Vũ Hạnh, Một huyền thoại trong văn hóa – văn nghệ Sài Gòn” của Mai Quốc Liên số 35-36, là một.
Vũ Hạnh có 4 điểm “độc”:
– Viết tác phẩm Người Việt cao quý kí bút danh A. Pazzi (MQL viết sai chánh tạ thành Passi), một lối làm rất Việt cộng; tác phẩm tạo nên “hiện tượng” đánh lừa được bộ phận độc giả, dù không thể qua con mắt người có tay nghề:
– Cây bút Việt cộng sống giữa thế giới tự do trong thời chiến một mất một còn, vẫn được viết tự do;
– Khi bị chính quyền bắt bỏ tù, chính các nhà văn tự do miền Nam kí tên đòi trả tự do cho ông được thả để tiếp tục viết chống lại… phe mình. Sau 1975, ông cùng “đồng chí” không [và không thể] làm thao đó với nhà văn “ngụy”;
– Vũ Hạnh vẫn kiên kì cố thủ trong lô-cốt tư duy cũ, cả khi đất nước mở cửa, đổi mới – là cái độc [đáo] cuối cùng.
Thà đừng viết, chứ một giáo sư viết về một cây bút “hiện tượng” vừa “đi xa” mà không nêu được điểm đáng viết nhất, là hỏng to.
Tạm mừng bạn thơ như thế.
Thân mến, Sara.