Về Sự cố văn hóa tín ngưỡng tại tháp Pô Klong Girai 7-7-2020, tôi thử hỏi vài bạn thế hệ mới: – Các bạn cho biết, tại sao tiệc tùng hôm đó là không chấp nhận được. Hãy đưa ra đủ lí lẽ có thể thuyết phục được người ngoài, chính quyền và cả tôi nữa, xem…
Kết quả: luôn là mơ hồ.
Thế nào là ‘ông khin’?
Chỉ tay thẳng vào tượng ‘Pô Ginôr Mưtri’, là ‘ông khin’;
‘Pô Adhya’ chưa đi vào tháp mà ta vào, là ‘ông khin’;
Lễ vật Pô Yang chưa dùng mà ta xơi trước: ‘ông khin’;
Mang thức ăn từ ngoài vào ăn uống trong khu vực tháp: ‘ông khin’;
Đi ngang đường qua khu vực tháp, nói bậy: ‘ông khin’. Thầy Tỷ kể hồi đầu thập niên 1960, học Đại học Đà Lạt về, xe đò ngang quốc lộ cách tháp 2km, ông không xuống xe khiến bà mẹ lo sợ mấy ngày liền.
‘Ông khin’ là gì? – Là “kiêng kị”
Không kiêng kị có sao không? – ‘Lek di pabah dalah’: Rơi vào miệng thế gian.
Bởi, ‘Yang tabiak di pabah lôg’: Thần từ miệng thế gian mà sinh.
Mà “Tha boh ô thau tha ribau Pô ô cap’: Một tiếng không biết, ngàn lời Ngài không chấp.
Tất cả được ‘Halau janưng’ hay luận sư ‘Ra-xakarai’ đã nói cho biết mà bất tuân, là ‘ông khin’.
‘Ông khin’ thế nào? không ai biết cụ thể cả! Xin dẫn vài hiện tượng.
[1] Vương mão Pô Rômê bị hai chú cháu ruột người Cham đánh cắp tối 22-12-1981.
Hôm xử án [có phát loa đến các palei], tòa cho biết vương mão 23 lượng vàng đồ [giữa vàng tây và vàng 9999], bà con Cham hô là 2,7kg vàng ròng (hay đồng đen), còn báo Ninh Thuận, 21-2-2014 viết: 1,5kg mà không xác định vàng loại gì.
Đây là chuyện cực ‘ông khin’. ‘Ông khin’ dẫn đến cả hai bị chết không lành không lâu sau đó, rồi ảnh hưởng nặng đến cả dòng họ. Từ đó dòng họ anh [người Bà-ni] tin tuyệt đối vào Pô Rômê, mỗi năm đều đặn lên tháp cúng tế.
[2] Tượng Pô Klong Kachat bị quăng xuống ao!
Pô Klong Kachat được bà con Phước Nhơn thờ phụng như vị Thần Hoàng. Đầu năm 1965, một ông ‘Jawa lai’ – thuật ngữ người Pabblap đặt cho người Bà-ni mới theo Islam, kêu:
– Đá một cục kia thiêng gì mà thiêng! Để tao, coi nó làm gì tao nào…
Nửa đêm ông bứng tượng Pô mang xuống cái ao ngoài đồng. Ngay sau đó, bản thân ông bị hành thành kẻ tàng tàng bỏ làng đi biệt tăm, đến người thân ông cũng bị đọa cho tan hoang nhà cửa (xem: Kiều Maily, Palei Phước Nhơn của tôi, 2017).
[3] Đầu thế kỉ XXI, ông giáo XHCN Cham tổ chức đám cưới cho con gái, tự tiện mổ dê đãi khách [là điều tối kị trong palei Cham ‘Ahiêr’]. Cháu ruột ông trưa đi học về xin ba bánh mì với miếng thịt, nói lời từ biệt: “Con đi đây”.
Rồi bé đi một mạch xuống sông theo ông bà. Cham kêu do ‘patal taba’ xui khiến tới. Đám cưới sau đó thế nào, bà con tự đoán. Ừ, thì có thể cho đó là trùng hợp …
Giữa thập niên 1980, họ hàng có lễ cúng, một anh vừa đút túi bằng bác sĩ hăng máu duy vật về dự. Lễ vật vừa chuẩn bị xong, anh kêu người nhà mang đến ít thịt nhấm nháp trước. Một “thầy” biết điều ngồi đó vội ngăn:
– Không được đâu, đợi cúng xong đã.
– Ôi, thời này rồi mà còn mê tín với kiêng cữ…
Ông thầy hãi quá, vội rời khỏi bàn. Chỉ sau li đầu, bác sĩ này bị ngoẹo cổ tại chỗ, á khẩu.
Trong dòng họ có ông vừa mất rất linh, muốn xơi cũng nên ‘mưmon’ báo vài lời cho ổng biết. Ông chơi thì phải rồi!
Ông bố bác sĩ kia là người rành Cham, hú các mẹ đến ‘langkar’ khấn vái. Và ‘yau kanhiik thong cur’ như nghệ với vôi, anh tỉnh lại. Từ đó, dạ em xin chừa!
Câu hỏi: Tại sao Pô Yang Cham chỉ đọa Cham, mà không đọa người ngoài?
Lại là một “đố vui có thưởng” khác…