Câu chuyện Cham-89. NỔI TRÔI TÊN GỌI ‘CHAM’

[nhìn từ 2 phía: Việt và Cham & Tại sao tôi viết CHAM?]

NGƯỜI VIỆT GỌI CHAM

Trước 1979, từ Chăm viết bông chưa hề có mặt trên giấy tờ người trần gian. Lạ, nó lại hạ sanh từ một sai lầm rất buồn cười do suy diễn bởi một quan lớn làm văn hóa hiểu 1 nói 1.

Trước đây dân tộc này [Cham] được người Việt gọi:

[1] Chàm là từ thông dụng nhất.

Tháp Chàm, giếng Chàm (hay giếng Hời), vàng Chàm… Các địa danh: Phan Lí Chàm, Ma Lâm Chàm, Cù lao Chàm… Nữa:

Trung tâm văn hóa Chàm, Nội san Panrang, tiếng nói của cộng đồng sắc tộc Chàm – Ninh Thuận (Thiên Sanh Cảnh chủ bút), Từ điển Chàm – Việt – Pháp, Dân tộc Chàm lược sử (Dohamide – Dorohiêm). Nguyễn Khắc Ngữ: Mẫu hệ Chàm. Nại Thành Viết: “Đám ma Chàm”, “Hôn nhơn của người Chàm” đăng Panrang.

Inrasara có bài thơ “Apsara, vũ nữ Chàm” (Tháp nắng, 1996).

Còn mọi mọi Cham ở Việt Nam Cộng hòa đều được ghi trên thẻ căn cước là “Người Việt gốc Chàm”. Không ai hô phân biệt đối xử gì gì cả!

Các tên gọi khác.

[2] Hời, cũng không có chút phân biệt. Chế Lan Viên:

“Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ/ Quay về xem non nước giống dân Hời” đầy thương cảm! Mãi sau chữ này mới bị xài có ý phân biệt đối xử.

[3] Chiêm, băng-rôn treo ở cổng Ấp Chiến lược trước 1975: “Kinh Chiêm Thượng đoàn kết”, còn địa danh có: Cửa Đại Chiêm [sau này bị thiến mất còn… Cửa Đại].

Nhạc sĩ Đàng Năng Quạ trong ca khúc “Đồ Bàn” có câu: “Hỡi em Chiêm nữ em ơi, nhìn chi chân trời…”

[4] Người đàng thổ được dùng để phân biệt với “Người đàng quê” là người Việt;

[5] Chà Và hay Chà được người Việt trong Nam gọi người Cham, theo tôi biết chả có ý miệt thị gì ở đây.

[6] Chàm Cổ: là tên gọi bộ phận Cham Hroi ở Bình Định, Phú Yên.

[7] Canh Cụ (hay Kinh Cổ): là từ gọi sinh linh mang hai dòng máu Cham Việt ở hai làng Xuân Quang và Xuân Hội ở Bắc Bình, Bình Thuận.

[8] Chàm Đông: thuật ngữ chỉ cộng đồng Cham ở Ninh Thuận và Bình Thuận.

[9] Chàm Tây: chỉ cộng đồng Cham ở An Giang, Tây Ninh và Sài Gòn.

II. CHAM GỌI CHAM

Tùy bộ phận, vị thế và tâm thế mà gọi nhau:

[1] Cham [để phân biệt với Bini], hay Cham ‘Ahiêr’ (Cham Bà-la-môn), Cham cuh (Cham thiêu), riêng tên gọi miệt thị có chữ Cham gôp;  

[2] Bini [để phân biệt với Cham], hay Cham ‘Awal’ (Cham Bà-ni), Bini war tok: chỉ bà con Cham Bà-ni ở làng Bami, Bình Thuận, riêng tên gọi miệt thị có chữ Bini raloh

[3] Cham Jat, Cham dar (hay Cham chôn) chỉ bộ phận Cham tiền tôn giáo ở các palei Ia Li-u, Ia Binguk…;

[4] Asulam: tên gọi người Cham theo Islam trong Akayet Um Mưrup, hiện còn dùng chung để chỉ Muslim, Jawa: tên gọi bộ phận Cham theo Islam dân An Nhơn và Phước Nhơn đang dùng (mang tính trung tính để phân biệt với Bini, ví dụ: ‘Gah Bini gah Jawa’: Bên Bà-ni, bên Islam), Jawa lai: tên gọi người Cham Bà-ni theo hùa Islam (mang tính khinh thị); Gai lah: tên gọi vài gia đình người Cham một giai đoạn ngắn theo Islam ở Bắc Bình – Bình Thuận trước 1975;    

[5] Cham Birau (Cham mới): chữ người Cham Pangdurangga dùng để chỉ người “Chàm Tây”: An Giang, Tây Ninh và TPHCM;

[6] Cham Kur (Cham Khmer): là tên gọi người Cham ở Cambodia nói chung.

[7] Cham Churu: chỉ bộ phận Cham chạy loạn lên Cao Nguyên lấy vợ trên đó.

Tham khảo thêm.

– Gợi ý tham khảo: Ở Bắc có Làng Chèm, Yên Sở, Đắc Sở, Ngã Tư Sở, Ô Chợ Dừa, Cánh đồng Chiêm, lúa Chiêm, làng Thạch Thất [mẫu hệ]…

– Không biết từ đâu, có dư luận cho rằng gọi “YÔN” là miệt thị người Kinh/ Việt. Lạ! Cham xưa nay không trừ ai gọi người Việt là Yôn [Yuen, Ywơn, Yuan], là chữ duy nhất – bình thường ơi là bình thường. Nếu muốn miệt thị, thì có: Jơk [nghĩa đen là cái VÒ đựng nước], còn khinh thường có Jagug: “quân xâm lược”, Cham có thành ngữ: ‘Jagug nhug ia bai: “Quân xâm lược vục đầu nồi canh”.

Mong các bạn facebook, bà con, anh chị em góp lời chỉnh sửa và bổ khuyết thêm. Karun!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *