Câu chuyện Cham-48. NHÀ THƠ DIỄN NÔM THƠ… MÌNH

[Nhân vụ Cham Bà-ni, diễn bài thơ “Hơn cả nỗi chia xé”, Hành hương Em-1999]

Inrasara làm nhiều thể thơ, kiểu thơ, thử nghiệm vài mĩ học thơ. Dễ hiểu có, khó hiểu cũng không chừa. “Hơn cả nỗi chia xé” thuộc dòng Hiện thực xã hội + Siêu thực với nhiều ẩn dụ.

HƠN CẢ NỖI CHIA XÉ

Không còn ở lại mẫu số chung sử mệnh nữa rồi

mọi sức rướn đang ngoi tìm tử số

ngậm tiếng hát riêng lẻ

nhận làm đứa con thiếu tháng của ngọn đồi hoàng hôn

Ánh sáng cơ hồ xé lẻ chúng ta

thứ ánh sáng choáng ngợp

màu nắng chung nhưng tôi em linh hồn ngoảnh mặt

như chưa từng là khổ đau

Như chưa từng đã thẳm sâu

thế giới cơ hồ nứt đôi nơi khuôn mặt em ngời rỡ

xăm xăm chiều Tây phương

Từ đỉnh mây hư danh, cô đơn ném tôi rớt về mẫu số

với những ngọn cỏ mất sức trồi lên

Hãy tha thứ cho chúng tôi mô đất tòng phạm của đồi

đang rời bỏ hạt mầm chưa nguội

đang quay lưng đường cày chực thức

đang thả nổi ngữ ngôn tắc nghẽn lối bảo tàng

Hãy tha thứ

ơi thi sĩ vô danh

đã hoài công tạc tụng ca không lời vào nắng.

Diễn…

‘MẪU SỐ’ Cham là định mệnh của mọi sinh linh Cham; hôm nay mỗi Cham từ mẫu số ấy ‘rướn’ phẩn đấu ngoi lên thành ‘TỬ SỐ’, là bác sĩ, đại biểu quốc hội, nhà văn…

Các tử số này nỗ lực riêng [‘ngậm tiếng hát riêng lẻ”] để thành đạt, chấp nhận làm phụ tùng cho Việt. Ta hay đùa: Cham muôn đời đóng vai ‘phó’.

Nếu Việt Nam là ‘ĐỒI”, khác với thế giới là ĐỈNH NÚI; ở đó các tử số Cham là ‘đứa con thiếu tháng’, so với ‘đồi’ kia chỉ là ‘MÔ ĐẤT’.                                  

Vậy mà mới ngoi tới ánh sáng của loài ‘mô đất’ thôi đã ‘làm ta choảng ngợp’, ta vỗ ngực khoái trá. Ta quê tổ tiên xưa “từng thẳm sâu”, quên mình hôm qua ‘từng khổ đau’ chung ở ‘mẫu số’  

Tôi [Inrasara] cũng ảo tưởng hệt các sinh linh Cham kia, chả khác. Đạt ‘đỉnh mây HƯ DANH’, rồi ‘cô đơn’ ném tôi về với sinh phận Cham khốn khổ:

“Từ đỉnh mây hư danh, cô đơn ném tôi rớt về mẫu số

với đời ngọn cỏ mất sức trồi lên”

Khi thức nhận mình ‘có tội’, từng là ‘TÒNG PHẠM của đồi’, tôi mong được tha thứ – cho tôi và cả bao kẻ vô trách nhiệm [với hạt mầm, với đường cày vỡ đất tương lai, với ngôn ngữ…] như tôi xưa:

“Hãy tha thứ cho chúng tôi mô đất tòng phạm của đồi

đang rời bỏ hạt mầm chưa nguội

đang quay lưng đường cày chực thức

đang thả nổi ngữ ngôn tắc nghẽn lối bảo tàng”

Cầu mong thứ lỗi từ bao thi sĩ vô danh Cham xưa từng tỉnh thức và cảnh báo, mà thế hệ hôm nay không biết đón nhận:

“Hãy tha thứ

ơi những thi sĩ vô danh

đã hoài công tạc tụng ca không lời vào nắng.”

Các thi sĩ đã thức tỉnh, hãy tiếp tục cất lên bài tụng ca, dù biết VÔ ÍCH, tiếng hát kia vẫn làm nên ý nghĩa của đời người: Ý nghĩa của vô nghĩa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *