PHÊ BÌNH, LÀ NHÌN KHÁC

1.

GS-TS Mã Giang Lân cho Bùi Giáng – ở bộ phận sáng tác thứ nhất tức “thời kì đầu”, có “những bài thơ, câu thơ tuyệt bút, ngôn ngữ phóng túng, tài hoa… tiếng Việt trong sáng, tinh tế, tài tình”. Bước sang bộ phận thứ hai, khi bình bài “Ngẫu hứng”, anh viết:

“Tất cả đều không có nghĩa. Thế nên thơ Bùi Giáng, ở dạng thứ hai này, chúng ta không thể/ không nên để công vào khảo sát. Đây là ngôn ngữ của bệnh nhân tâm thần.” (Hồn Việt, 10-2013).

Tôi nghĩ khác. Chính các sáng tạo ngẫu nhĩ ra hoa từ nghiệp nghề điên của Bùi Thy Sỹ mới cuốn hút tôi với tư cách người làm thơ; còn như một nhà phê bình, chúng đáng suy tư hơn cả.

“Ngẫu hứng” là thơ của bệnh nhân tâm thần, hay đúng hơn – theo ngôn ngữ hậu hiện đại ưa dùng, là: tâm thần phân liệt. Cùng những con tương cận, nó nói lên sự NGOẠI KHỔ của thi sĩ có đời sống kì lạ này.

“Ngẫu hứng” mà Mã Giang Lân nghĩ rằng “không thể/ không nên để công vào khảo sát”, thì Nguyễn Hưng Quốc – qua phân tích độc đáo của mình – cho đó là bài thơ phơi bày hiện thực đời sống đô thị miền Nam thời bấy giờ với nhiều dự cảm bi đát, theo cách kì lạ nhất. Cạnh đó, cùng các sáng tác khác thời kì này, ông đã khơi mào cho sáng tác hậu hiện đại Việt.

Nhiều người viết về Bùi Thy Sỹ, quá nhiều nữa là khác. Riêng nhìn thơ Bùi Giáng theo thể điệu khác lạ, Nguyễn Hưng Quốc và Bùi Văn nam Sơn – là một.

Chỉ có nhà phê bình ngoại khổ mới thấy được cái độc đáo của loài thơ ngoại khổ!

2.

Vi Thùy Linh có nhiều câu thơ vụt sáng. “Khỏa thân trong chăn thèm chồng” là một trong những. Kẹt nỗi, thi sĩ này ham nói, ham giải thích thơ mình, càng giải thích càng sai. Khi bị công phá, Linh đã giàng ấy, rằng…

“Ý của tôi muốn nói là: khỏa thân để trở về sự bình yên, sự nguyên thủy nhất của mình. Tình yêu sẽ làm lắng lại tất cả mọi bạo động của mặt đất này. Nó cứu rỗi và nó thanh tẩy mình, vỗ về mình, nó giữ lại mình” (báo Dân Trí, 12-12-2006).

Nhảm!

Câu thơ được hiểu theo nghĩa đen mới bật hết hàm nghĩa nhân văn của nó: Sự thèm yêu cháy bỏng chánh đáng của người nữ tuổi 17-18, không có gì đáng chê trách cả. Là chuyện đương nhiên, không ai không thấy. Linh là thi sĩ đầu tiên nói lên điều ấy, trắng phớ, mạnh mẽ, trúng phóc và đủ đầy. 

Mấy câu thơ kéo lê theo đuôi nó hơi thừa…

Là chuyện mà tay nghề tầm cao đẳng như Bùi Giáng, Hoàng Hưng có cho vàng cũng không vấp. Bài “Ngẫu hứng”, Nguyễn Hưng Quốc bình quá tuyệt, tôi chỉ góp bàn thêm về chữ “bồm gao” ở câu cuối:

“… Bom ha đạn hả bao gồm 

Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen”

Từ “bao gồm” sang “bồm gao”, độc là chỗ đó. Nếu ông viết “bôm gào” thì có nghĩa, dễ hiểu, và không dở. Ở đây ông chơi “bồm gao” mới làm nên cái điên của Bùi Thy Sỹ. Thơ tự động kiểu này GS-TS Mã Giang Lân cho là “thơ tâm thần” quả không oan!

“Đường phố” của Hoàng Hưng thì khác. Ra phố, bao nhiêu sự bày ra, chúng ám anh, về, ngồi trước trang giấy, các hình ảnh “vụt hiện” thiếu trật tự ùa đến, và anh ghi xuống. Trong đó câu thơ “Đỉnh vú đi lừng lững” từng bị một nhà thơ chê nát, tôi ngược lại, cho đó là câu thơ thiên tài.

Bàn cho rốt ráo câu thơ này đòi hỏi một tiểu luận.

Con người hèn yếu, vô danh, nó cần đồng hóa với cái gì đó lớn hơn nó, để khẳng định có mặt của mình. Tổ quốc, anh hùng, thần tượng, hoặc nỗi gì đó rất nhảm: Phong độ làm tình, độ lì trên bàn nhậu. Nữa, con người còn đồng hóa với bộ phận tự cho là nổi trội nhất của mình, dùng nó thể hiện bản ngã, và đàn áp tha nhân.

Ở đây, người nữ đồng hóa mình với “đỉnh vú”, như thời gian gần đây, với chân dài, hàng hiệu. Sở hữu nỗi “độc” ấy, người nữ tự tin đi xuống phố: “lừng lững”, hiên ngang, chả ngán. Nó đột ngột hiện trên “đường phố”, nhà thơ vụt thấy, bài thơ vụt hiện ra đời.

Là hiện thực của đời sống hôm nay, nó tha hóa con người, và đang ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

[Về tinh thần đồng hóa, xem thêm Krisnamurti]

3.

“Thơ con cóc” là bài thơ dở, dở đến nỗi người ta biến nó thành một tính từ chỉ định loài thơ dở tệ. Đồ thơ con cóc, – đại bộ phận người Việt nghĩ thế. Nguyễn Hưng Quốc thì khác. Anh vận dụng lí lẽ, lập luận, ngôn từ để chứng minh rằng đó là một bài thơ… hay.

Và chúng ta thấy nó hay thật, cái hay đầy lí trí!

Tôi cũng thấy “Thơ con cóc” là bài thơ hay, nhưng hay kiểu khác: Một bài thơ Thiền độc đáo. Thử đọc lại nó, thật chậm. Từng câu một. Và liên tưởng… 

Con cóc trong hang

Con cóc nhảy ra

Con cóc ngồi đó

Con cóc nhảy đi

Hãy buông xả cho tâm ta vắng bặt lí lẽ, lí luận và ngôn từ. Bao lo toan thường nhật chết đi, oán giận chết đi, thế giới chết đi, chỉ có con cóc có mặt. Ở khoảnh khắc đó. Nơi không gian đó. Đó chính là tịnh tâm, là khoảng rỗng của Thiền.

Và thử đọc lại “Bông Thược Dược” của Quách Thoại:

Đứng im bên hàng dậu

Em nở nụ nhiệm mầu

Lặng nhìn em kinh ngạc

Ta lắng nghe em hát

Lời em ca thiên thâu

Ta sụp lạy cúi đầu.

___________________

Trong sát-na bắt gặp ánh sáng Thiền, thật bất ngờ, thi sĩ đã nhìnthấy. Cái thấy toàn triệt. Một đóa hoa. Ông lặng nhìn, và thấy, và nghe hoa hát. Tiếng hát không lời. Như thể tâm hồn ông đang hát.

Ông thấy vũ trụ, cuộc sống, đóa hoa mầu nhiệm.  Mầu nhiệm cả định mệnh đau khổ ông. Ông sụp lạy tạ ơn. Tất cả!

Không mảy may gắng gượng, không tì vết can thiệp của lí trí. Chỉ có ánh sáng trí huệ tràn trào qua giản đơn của ngôn ngữ thi ca mà thi sĩ mệnh yểu này gửi lại cho đời.

Một đồng thanh đồng khí với Basho:

Ta nhìn sâu xa

Bên hàng giậu nở

cành Nazuna.

Hoặc ở tầm rộng và thẳm sâu hơn, một phát ngôn tôi không nhớ của ai, tạm sắp đặt thành thơ như sau:

Chúng ta đến

Chúng ta đi

Và chúng ta bị quên lãng.

Và đọc lại “Thơ con cóc”, thật chậm:

Con cóc trong hang

Con cóc nhảy ra

Con cóc ngồi đó

Con cóc nhảy đi

Sinh linh có sơ duyên, sẽ đạt tới cảnh giới thiền, là khó tránh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *