Cô đơn cho sáng tạo: Trước, trong khi viết và sau khi tác phẩm ra đời. Trước, cô đơn khỏi mọi cuộc người và nỗi đời. Trong, cô đơn khỏi mọi ám ảnh của dao kéo kiểm duyệt, mọi dòm ngó của độc giả, mọi phán xét của nhà phê bình. Cô đơn cả sau khi ném tác phẩm ra ngoài mưa gió thế giới chữ nghĩa.
Đó là ba tầng cô đơn của sáng tạo.
Còn phê bình?
Thời gian qua, trong sinh hoạt văn học, tác giả ưa có động thái tác động đến nhà phê bình để nhà này thay đổi nhận định. Ở đó, không ít nhà bị tình cảm chi phối, bẻ cong ngòi bút lúc nào không hay. Là một trong những nguyên do khiến nền phê bình Việt Nam không thể vượt qua tình trạng èo uột.
Có thể mãi thế không?
Trích trả lời phỏng vấn báo An ninh Thủ đô ngày 6-9-2014:
“- Rất nhiều nhà phê bình ngại động vào những cuộc tranh cãi ầm ĩ, sợ tác giả giận nên chọn cách im lặng? Liệu các nhà phê bình văn học im lặng thế đã đủ lâu chưa?
Inrasara: Ngại, không sai. Thời gian qua ta vẫn chưa có diễn đàn tranh luận đúng nghĩa. Cả ở lĩnh vực văn học. Đôi lúc vài khởi đầu có vẻ đầy học thuật, thế rồi dần dần cuộc tranh luận lệch pha và bị lôi cuốn vào mấy cãi cọ vụn vặt. Vài người đã chọn im lặng, không thể trách. Nhưng có thể không, một nền văn học phó mặc cho cảm tính với tùy tiện thao túng?”
Nhà phê bình cô đơn, hơn cả kẻ sáng tạo. Hắn cần thêm tầng cô đơn thứ tư: Cô đơn trước văn bản. Làm việc trên văn bản, và chỉ biết có nó. Hắn đọc nó, đưa ra nhận định mà không bị tác động bởi áp lực nào bất kì. Ý hệ tôn giáo hay chính trị, phe phái bầy đàn hay uy tín cá nhân. Hắn cũng không viết để chiều theo bộ phận độc giả nào đó.
Và nhất là hắn không để bị lung lạc từ chính tác giả dù vĩ đại và thiện ý tới đâu.
Mươi năm trước, viết về tập thơ bạn thân vừa in, gửi đến bạn xem trước. Bạn tế nhị gợi ý tôi thay đổi một nhận định. Tôi từ chối. Thế là đang “thân mến”, hai năm không nhìn mặt nhau. Tôi ngược lại, tuyệt không xen vào bất kì nhận định nào về thơ mình. Tôi gọi đó là cô đơn khi tác phẩm ra đời.
Thêm ví dụ vui.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết trường ca Lò Thiêu nổi tiếng. Một chuyến công tác Trung Đông, anh đột ngột biến mất. Hội Nhà văn báo tang [có cả bài điếu văn, dĩ nhiên]. Trường ca được mang giảng dạy trong nhà trường, Và do nó quá mới lạ, nên có nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí đối chọi nhau…
Thình lình anh xuất hiện sau 10 năm mất tích. Hỏi chớ anh ta có nên/ có thể can thiệp vào mấy diễn ngôn trên của các nhà kia không? Và nếu là một nhà phê bình chân tính, bạn có thay đổi quan điểm của mình không? Chắc chắn là không rồi.
Nhà phê bình nhận thông tin từ kẻ sáng tạo, coi đó là tài liệu tham khảo như mọi “nguồn tài liệu” khác. Không hơn.
Cô đơn, nhà phê bình không chùn tay trước sự công kích, dẫu của cả đám đông rộng lớn.
Khi cho “khóc văn cao” của Bùi Chát là bài thơ lớn, hay “Tôi là cột điện” và “Cut” của Lê Anh Hoài là kiệt tác, tôi trách nhiệm về phân tích và đánh giá kia của mình. Thây kệ độc giả hay nhà phê bình nào khác phản đối.
Xuống tận tầng cô đơn thứ tư, nhà phê bình mới có thể nói đến sáng tạo.