[1] Làm nhà thơ nổi tiếng? – Không!
Bởi tôi muốn cái KHÁC. 25 năm làm thơ, mãi tuổi 40 tình cờ gặp nhà thơ Nông Quốc Chấn, tôi mới đăng bài thơ đầu tiên và in tập thơ đầu tay. Ngẫu nhiên làm nên một sự thể, là vậy.
Làm nhà nghiên cứu ư? – Cũng không nốt!
Từ tuổi 15, tôi bắt đầu lang thang qua các palei để sưu tầm. Chơi chơi vậy thôi, mà mươi năm sau nhìn lại, khối tư liệu đáng đồng tiền hạt gạo.
Mùa hè 1984, tôi muốn đưa hết tư tiệu ngôn ngữ cho Phú Văn Hẳn vừa Cử nhân. Vài tháng sau, với yut Lưu Văn Đảo định tôi giao toàn bộ tư liệu về văn học. Tôi muốn họ nhận lãnh trách nhiệm, để rảnh rang làm cái KHÁC. Rủi cho tôi, cả hai từ chối.
Yut Đ thì tôi hiểu, PVH – anh muốn thuần hàn lâm, có lẽ. Tôi trở thành nhà nghiên cứu qua thế buộc đó.
Hay làm nhà hoạt động xã hội? – Càng không!
Đặc san Tagalau chẳng hạn. Năm 1995, ở nhà Thành Phần quận4, trước mặt mươi trí thức, tôi đề nghị làm đặc san cho Cham, Thành Phần đứng chủ biên, tôi chạy bài vở.
– Tìm kinh phí khó đấy, – anh nói. Tôi bảo: – Không.
Sau đó tôi hai bận nhắc, không ai nhúc nhích, rồi thôi.
Hai năm sau số đặc biệt về Cham trên Văn nghệ Dân tộc & Miền núi do tôi tổ chức xôm tụ, năm 1998, Thành Phần nhân chuyến về quê, chủ động rủ tôi và Quang Cẩn ghé khách sạn đầu cầu Ông Cọp ở Phan Rang, bàn về đặc san cho Cham.
– Bắt đầu với 6-7 người thôi, – anh nói.
Cẩn hơi nghi ngờ, tôi đồng ý không suy tính. Vào Sài Gòn, anh em hẹn gặp ở nhà Thành Phần. Tôi đến đúng giờ nghĩa là trước tiên, sau đó hai bạn nữa. Ba anh vắng mặt. Rồi là bàn bạc, thêm tiết dĩa mục nhãn và li đá chanh. Tôi lại là kẻ đầu tiên nộp quỹ 100.000 đồng. Sau đó, sự vụ thêm phân tấc. Khoản tiền ấy đến nay vẫn tồn quỹ.
Tagalau, dù chủ động tất, tôi vẫn đẩy qua cho Hội VHNT Dân tộc Thiểu số Việt Nam “trách nhiệm”. Sau hai kì bị vào thế buộc, tôi mới chường mặt ra nhận “chủ biên”. Chuyện đã kể, miễn nhắc lại.
Ngay Tagalau-1, tôi đưa hai truyện ngắn Trà Vigia lên trang đầu, chịu bị vài Cham phê. Ý tôi, khi đã có ít nhiều tên tuổi, Trà là kẻ đứng chịu sào, tôi rút lui để làm cái KHÁC. Tiếc, yut không phải nhà tổ chức, tôi tiếp tục nắm cây gậy “chủ biên” đến tận số 15!
Hoạt động cộng đồng khác cũng hệt, như phản đối Dự án Nhà máy Điện hạt nhân và đấu tranh vụ lẫn chiếm Ghur Raneh. Đợi mãi không có ai làm, tôi phải xắn tay áo vào cuộc.
Và khi nhập cuộc, tôi hết mình. Và vui. Và thành.
[2] Làm kẻ sáng tạo – không, nhà nghiên cứu – không, con người hoạt động xã hội cũng không. Vậy tôi MUỐN gì? Tôi viết đâu đó rồi, mục đích của tôi là:
– Làm luận sư luận giải và cải tổ tôn giáo Cham ‘Ahiêr Awal’;
– Đào tạo một, một vài Muk Thruh Palei cho Cham;
– và viết bộ tiểu thuyết sử thi kể câu chuyện Cham đến với thế giới.
Nếu mục [1] – bởi ngẫu nhiên, rủi ro hay thế buộc, tôi thành công thì ở mục [2] tôi là kẻ thất bại. Năm 1991, Con đường Vô tận xong 2/9 tập thì ngưng; Muk Thruh Palei, nửa chừng thì đổ vỡ (xem “Kết thúc một triều đại chăng?”); hiện tôi đang trách nhiệm làm luận sư cải tổ tôn giáo, chuyện tới đâu còn tùy Bà Trời…
[3] Dẫu sao ngay cả mục [2] cũng chưa phải là ƯỚC MUỐN của tôi. Tôi coi đó chỉ là hoạt động trong phạm trù “TAM CHÚNG”: Dưỡng mình (tu thân), nuôi gia đình (tề gia) và gánh vác việc xã hội (trị quốc), trong khi tôi thực sự muốn cái KHÁC.
Khi kêu mình thất bại, chẳng phải tôi [giả vờ] khiêm tốn. Từ sâu thẳm hồn mình, tôi hướng vọng NÓ. Hơn nửa đời hư, dẫu được cho là con người đa sự nghiệp, tôi nghĩ chúng nên gắn với tên tuổi ai khác, chứ không là Inrasara.
Hoelderlin:
“Giàu sang trong công danh sự nghiệp
nhưng con người sống một cách thơ mộng thi nhiên
trên mặt đất này”.
Tôi đã sống thơ mộng thi nhiên chưa? – Tôi từng tự hỏi như thế. Hôm nay, tôi nhận ra câu hỏi ấy vẫn chưa chạm vào tâm điểm sự thể.
“Thấy rồi mới tìm” – ai nói thế.
Ở tuổi 20, tôi đã thoáng thấy NÓ, là một đặc ân lớn.
Được NÓ ghé qua một lần trong đời, kẻ mang đặc ân kia sẵn sàng từ bỏ tất cả: Hư danh, sự nghiệp, gia đình, cộng đồng… để lên đường đi theo. Đó là Thực tại như thực, Chân lí, Đạo… muốn gọi tên nào cũng được. “Sáng nghe Đạo, tối chết cũng cam” (“Triêu văn đạo, tịch khả tử”) – Đức Khổng tuyên thế, đủ thấy hấp lực bất khả cưỡng của nó.
Tôi cũng vậy – thấy, đi tìm, và gặp. Và sống với. Như thể Bản thể nghĩa của triết học cổ điển, đúng hơn là Da-sein-tôi theo dụng ngữ của Heidegger.
Bị NÓ chiếm lấy, hoặc ta bị giập nát hoặc ta tràn thứ năng lượng chưa từng. Tôi, may mắn không bị NÓ đè bẹp, mà ngược lại. NÓ nâng đỡ và ban tặng cho tôi nguồn sức mạnh tinh thần, cho tôi sự thông sáng để giải quyết các nan đề ở mục [1] và [2].
Tôi không cần thõng tay giữa chợ, phong phanh giữa trời đất, không cần qua bờ bên kia. Làm CHAM, tôi vẫn ở lại bờ này, làm cuộc hòa giải thiết yếu cho cuộc người: Hành động trong chân trời khả thể.
Đây không còn là MUỐN nữa, mà “đi, như là ở lại” (thơ Inrasara).
P.S.
Trích: “Ghi chép-2015”:
“NÓ xảy đến với tôi, từ lâu lắm. Tôi từng thể hiện NÓ đây đó vài lần trong thơ văn. Bàng bạc, chơi vơi. Hôm nay, NÓ đến, lồ lộ.
Mùa Hè 2015, nằm cô đơn ngoài sân Thang Tông Jaka nhìn vào bao la màu trời đêm, NÓ lại đến. Tôi thấy ngôi nhà trôi đi cùng cây cối trôi đi. Lễ Tẩy trần tháng Tư, Chân dung Cát… trôi đi. Anh chị em tôi, dư ảnh cha mẹ tôi, vợ con tôi và bạn bè tôi trôi đi. Trôi đi tháp Chàm, palei Chakleng với Hầm Mỹ. Muôn vì sao trôi đi cùng trái đất trôi đi. Như hằng hà sa số hạt bụi bồng bềnh.
Mỗi tôi ở lại. Đông cứng rồi tan chảy ra. Tôi không còn tìm nữa: NÓ đang có đó.”