[hay: Tự do cho viết]
Henri Miller: Tôi nghĩ con người thực sự cần rất ít: ăn ít, ngủ ít, sở hữu ít hoặc không có gì cả. Miller thì vậy, chớ Voltaire với Dostoievski rất khác.
Ngay thời trẻ Voltaire quyết phải giàu, để TỰ DO; đến khi giàu rồi ông cũng không chịu lấy vợ, để rảnh rang dựng… thời đại Voltaire. Còn Dos, vẫn vợ con đủ đầy, riêng khoản tiền bạc ông không quyết nữa, mà là bị ám ảnh đến phải đi nghiên cứu cách đánh roulette chắc ăn nhất, rồi lao vào hết đợt này đến đến đợt khác. Ám ảnh, tại sao? Đủ tiền ông mới TỰ DO sáng tạo. Nhưng rồi cuộc chơi đẩy ông vào ma-ra-tông viết trả nợ. Dẫu sao ông cũng làm nên sự nghiệp đồ sộ.
Biết thân biết phận, tôi làm khác hai ông lớn kia.
Tôi vẫn lấy vợ, sinh con đẻ cái.
Tôi vẫn làm thơ, nghiên cứu song hành với “làm giàu” [1991-2001]. Và khi đã giàu [từ 2002], tôi quyết KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA, để hết mình với chữ nghĩa.
Khi đã “đại gia” [so với giới viết lách], nghĩa là đã TỰ DO, tôi xoa tay, và lao vào… viết. Nhưng người tính trời định. Sẽ kể sau…
Giới văn nghệ ưa sĩ nên đại đa số khuynh hướng xem nhẹ tiền, khinh tiền, thậm chí chống tiền – là thứ định kiến rất… bậy. Như ông bạn tôi khinh tiền để cả đời nô lệ… tiền. Cứ xem Voltaire, Dos [với… Inrasara] cũng đủ biết. Họ vẫn thích có tiền, càng nhiều càng tốt, để đảm bảo cho TỰ DO sáng tạo.
Về chuyện tiền nong, tôi thực tế đến đáng phiền. Chẳng phải đợi khi nổi tiếng, ngay thuở còn vô danh tiểu tốt, nhà đài nào làm phim về tôi, tôi đều yêu cầu 3 điều: Đưa đón, cho xem kịch bản, và cho biết bao nhiêu… tiền. Hầu hết nhà đài ngạc nhiên, đây là lần đầu tiên có nhà văn đòi hỏi kiểu này. Tôi nói:
– Thế nào cũng phải có kẻ “đầu tiên” chứ…
Từ đó các nhà quen dần với thể điệu Sara!
Có tiền, tôi thoái mái cho, cho nhiều nữa là khác. Còn ứng xử với nó, tôi sòng phẳng, không lừa người, và tuyệt không cho phép ai lừa mình. Đăng lại bốn câu chuyện ngoài lề vui.
[1] Trước kì Covid-19 một ít, cô nàng tuổi dưới 40 từ Hà Nội bay vào Cam Ranh lên Taxi về tận Chakleng tìm tôi, vội vội vàng vàng. Lúc đó trời đã nhá nhem, nàng đứng giữa sân nhà, nói:
– Em đang viết cuốn sách về Linga thế giới [ghê!], không có anh không được…
– Ngồi đã chứ… [tôi định bụng nói: Chưa đặt đít đã đặt mồm, vì phép lịch sự, tôi đã dịu lại].
Vừa ngồi vào bàn, cô nàng tiếp:
– Anh cho em số tài khoản, về đến Hà Nội em chuyển ngay vào…
– Từ từ đã… dẫu sao cũng cần vài thao tác cần thiết…
Sau mươi phút “tâm sự”, cô nàng thái độ hồ hởi phải biết, lên Taxi ra Cam Ranh để bay cho kịp chuyến. Ngay hôm sau tôi chuyển bản tóm tắt phần mình, kêu: 50 trang, và 30 triệu sau hai tháng.
– Tên tác phẩm là của em, bản quyền của em luôn, anh chỉ chịu trách nhiệm về nội dung chương mục anh viết…
Im lặng. Đến tận hôm nay…
[2] Chuyện nợ [Thư cho Jaka]
Chuyện bạn con lừa tiền con là thật, thật nhưng không to. To ở chỗ đó là tiền công của thợ nghèo cùng quê, nó nhận từ con, rồi nó quỵt. Sự cố bị con đưa lên facebook không sai, anh chị em góp lời bàn làm dư luận Cham xôn xao, phiền là ở đó. Từ kinh nghiệm riêng, vụ này cei bàn như sau:
Phòng ngừa ra sao?
Cha cho tiền, chớ tuyệt không cho mượn tiền. Mất tiền và mất bạn, – dân gian dạy thế. Tiền, đưa trực tiếp, chớ qua tay. Qua tay, thì hay bị mượn tiêu đỡ, dễ tạo nghi ngờ. Làm hợp đồng “ghi nhớ”: vừa giúp nhau nhớ, vừa có giấy trắng mực đen làm bằng. Tin người là tốt, còn tin để làm hại nhau: hại bạn và hại mình, là sai.
Chữa trị thế nào?
Cha sẽ trả con số tiền đó, con đưa cho thợ, là ổn. Bạn con mắc nợ bà con về uy tín (chưa muộn), mắc nợ con về lời xin lỗi (nhanh càng tốt); còn tiền: khi nào có thì ấy trả cho cei Sara sau.
[3] Câu chuyện năm 2000. Ông anh họ tôi có tật mượn tiền quên trả, thành nổi tiếng trong họ. Sáng nọ, bất ngờ anh ghé tôi ở Tân Phú. Tưởng gì!
– “Anh có chuyện gấp, cei Trạm cho anh tạm 500k”.
– “Anh Ba viết cái giấy nhé”.
– “Ôi, giấy gì cei nó, mai anh qua trả ngay thôi mà”.
– “Công việc kế toán anh à, xuất quỹ thì cần có chữ kí”.
Để được việc, anh nén lòng mà viết, tôi kí, chuyển cho thủ quỹ. Rồi 20 x 365 ngày không thấy bóng anh qua. Được cái, từ đó anh không ghé tôi nữa.
[4] Chuyện em họ. Về Katê, chàng ghé tôi.
– “Chị Trụ buôn bán còn thiếu em nói hoài không trả”.
– “Có lẽ chị quên. Thiếu nhiêu?”
– “200k”.
– “Chú nó nhớ lại kĩ đi, nhiêu, anh trả một lần cho trót?”
– “Dường 250k, anh Trạm à”.
– “Mới đó mà lên nhanh hỉ. Em viết vào tờ giấy nhỏ này giùm anh đi”.
– “Giấy gì anh!”.
– “Để anh mang vào Sài Gòn trình chị”.
Để có tiền tiêu Katê, ở thế buộc – chàng viết, từ đó không có vụ đòi “nợ” nữa.
Thi sĩ trị bệnh thiên hạ nhẹ nhàng và dịu dàng, là vậy.