Đối thoại Cham-35. CẢNH TỈNH & PHẢN TỈNH

Đám tang Cham Ahiêr, nghi thức ‘Jap Inư Akhar’(đọc chữ cái) trong ‘Harei Brei Bbang’ (ngày cho ăn) là cực kì trọng đại.

Buổi sáng: ‘Paxêh’ đọc trên lọ nước cát lồi 3 lần, chiều: Cho gạo vào cỗ bồng, đọc trên gạo 3 lần, đọc trên gạo ‘brah tam’ (5 ‘athal, arak’ hạt) 3 lần nữa.

Có thể hiểu đây là nghi thức Xóa mù cho người mất. ‘Akhar’ được Cham đồng hóa với tri thức, biết chữ là có tri thức. Về thế giới bên kia, ông không mang gì theo, mà là tri thức, để tiếp tục lao vào cuộc chiến mới.

– Trước khi VỀ vĩnh viễn, ở đó ông ta đã trăn trối điều gì hệ trọng?

Harei hatak kayau’ (ngày đốn gỗ) là ngày con cháu, bằng hữu, bà con và khách các nơi tụ về đưa tiễn. Người mất trước khi đi, đã trăn trối câu duy nhất, được thể hiện tại Ban Hát tiễn. Câu được tụng là: ‘Bhummi ô papleh hu di Jơk’ 5 lần.

Sau đó ngày cuối cùng là ‘Jala cuh’ (buổi thiêu), câu trên 3 lần lặp lại: ‘Bhummi ô papleh hu di Jơk’ lặp lại.

Cộng tất cả: 8 lần.

Hà cớ nó được LẶP LẠI nhiều lần nhất ở ngày TRỌNG ĐẠI nhất của giây phút cuối cùng một đời người, trong khi các câu dường vô thưởng khác chỉ được tụng 2-3 lần.

Tôi thử hỏi nhiều “ban hát” ở nhiều làng khác nhau: “Có ai thấy điều lạ ở các “bài hát” không?”, tất cả đều lắc. Khi tôi đọc ‘Bhummi ô papleh hu di Jơk’, các vị kêu biết, nhưng tuyệt không ai chú ý cả.

Hầu hết các nhà Cham cũng hệt! Nghiên cứu, cần quan sát nhạy bén, là vậy.

Nghĩa là gì? – “Đất nước không tránh khỏi [rơi vào tay] người Việt”

Làm thế nào? – Ta báo trước để BIẾT, mà LO LIỆU.

Trước khi vĩnh viễn về nhà ‘nao thaang kau’, ta cần nói lời cuối: Với con cháu, với bà con, và với tất cả người ở lại. Tri thức ta mang đi chuẩn bị cho “đời sống” mới, câu trăn trối ta gửi lại. Hãy NHỚ LẤY, mà sống.

Viết “Thế giới tinh thần Cham”, tôi nêu bật tâm hồn con người và cái đẹp của văn hóa Cham, có người cho tôi chuyện tụng ca dân tộc mình. Phía khác, có vị Cham hô lên rằng không dưng ông Inrasara tố cáo với thế giới “dân tộc Cham có 10 khuyết tật”! Có lẽ do chưa quen với chất giọng hay tinh thần tôi, đã [cố tình] nhầm lẫn thế. Có vậy đâu!

Như hành xử với văn học Việt Nam đương đại bằng cách “lập biên bản”, ở đây là tinh thần Cham. Có tốt xấu, có hay dở, điều cốt yếu là: Các khác biệt rất đặc trưng. Lập biên bản cần sự nghiêm cẩn và trung thực, còn giải quyết biên bản kia ra sao là việc của mỗi người.

Cũng có bạn suy nghĩ chín hơn: Đó là “các tinh thần” đáng quý của Cham, nhưng tiếc thay, nó thuộc quá khứ, và đã lạc hậu rồi. Không cần nhắc lại. Ví như…

Cách học của Cham: Học nhóm hay mỗi thầy và trò với nhau; Tổ tiên Cham dồn tiền của và trí tuệ để xây mênh mông tháp: “Chàm tôi làm chơi, nhưng chơi thì chơi thiệt” (thơ Trà Vigia); Đạo sư A-la-hán vô vi, ít dấn thân, cá nhân xuất sắc nhất luôn xu hướng đi vào rừng ẩn tu, mà đi thì đi luôn; Tinh thần phiêu lưu, không biết căm thù, ham nghệ thuật, ý muốn vô danh; Và, “văn hóa Champa là văn hóa đùa vui/ chịu chơi cả trong đau khổ” (thơ Inrasara);

Vân vân.

Chắc chắn chúng đẹp, nhưng là cái đẹp đã lạc thời. Tiếc không?! Xưa, chúng dễ làm đất nước khánh kiệt rồi tiêu vong; hôm nay và ngày mai, chúng nguy cơ kéo cộng đồng tan rã. Hiện tại luôn bị quá khứ quy định. Quên hay vứt bỏ, không thể. Thế nên cần nhắc lại, để phản tỉnh.

Tóm, xưa ông bà ta trước khi đi đã cảnh tỉnh con cháu – nói theo kiểu cách xưa.

Nay ta cần nhìn cận cảnh bằng cách “lập biên bản” đầy phản tỉnh. Nhìn ấy chắc chắn thiết thực hơn là ca tụng hay phê phán một chiều.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *