– Tại sao cei Sara sử dụng lối phiên âm La-tinh ‘Akhar thrah’ của Quang Cẩn, là lối mới và ít người dùng? – Không ít anh chị em thắc mắc thế. – Hay do chỗ quen thân…?
“Quen thân”, nếu mạnh miệng hơn thì phải nói, do phe phái?
Trả lời câu hỏi này đòi một giải minh dài, và xa. Từ tinh thần Inrasara cho đến tận truyền thống ông bà Cham.
Inrasara nhà văn [được cho là] sang trọng lại thích chơi với kẻ dân dã, người nổi tiếng kiêu hãnh mà hòa đồng ngon lành với quần chúng, làm văn chương hiện đại ngạo mạn mà cứ say mê thơ ca bình dân.
“Núi chê đất thấp núi ngồi nơi đâu” – thơ Tố Hữu đấy.
Cũng vậy, tác giả Poh Catôi – qua giọng thơ – thường bị cho là trí thức khinh mạn, lạ – chính tác giả này chứ không ai khác đẻ ra và nhấn vào dụng ngữ ‘bhaap ilimô’. Mà ‘bhaap’: quần chúng, nhân dân, dân gian; ‘ilimô’: văn hóa.
Nói đến từ văn hóa người ta nghĩ ngay đến cái gì cao cấp, tinh hoa, và thuộc về giới tinh hoa. Poh Catôi dùng từ ‘bhaap ilimô’ để chỉ văn hóa của nhân dân tồn tại trong sinh hoạt cộng đồng và cho cộng đồng. Nghĩa là phần nền tảng nhất của tinh thần và tâm thế một dân tộc.
‘Bhaap ilimô’ khiến giới trí thức Cham suy nghĩ nhiều – trước thời cuộc, nhất là khi Champa mất, dân tộc lưu vong, và nền văn hóa nguy cơ lai căn, mất gốc. Trong khi tác giả của Doh Tơy Lơy băn khoăn:
Đa ka lihik roong reh/ Palai phun pajeh bhaap ilimô
E rằng sẽ tiêu tán/ Uổng mất cội nguồn văn hóa nhân dân
thì Poh Catôi cũng có mối ưu tư tương tự:
Tha boh cơk tajuh giloong
Thiibar ka throong bhaap ilimô
Một ngọn núi bảy ngả đường/ Đâu lối khai thông văn hóa dân tộc?
Bởi nền văn hóa ấy:
Urak ni yau hala mrek
Dêh jaang khing pek ni jaang khing bbang
Giờ đây như lá ớt/ Kia cũng muốn hái, này cũng đòi ăn
Đó là thảm trạng. Thảm trạng xảy ra cách đây hơn trăm năm và hiện vẫn tiếp diễn. Cứ nhìn vào bảng thống kê bao hiện vật bị đánh cắp ở Viện Bảo tàng Chàm Đà Nẵng thì rõ.
Cham còn gì? Và làm gì? Poh Catôi:
Hajiơng ra cek pakhik/ Đa ka lihik bhaap ilimô
Nên người cho canh giữ/ E mất cả văn hóa dân gian!
Sinh linh Cham tứ tán khắp nơi. Sợi dây nào kết liên, để Cham có thể còn được gọi là một cộng đồng? Ba chân kiềng: Một Quá khứ oanh liệt dù đã bươn bấy; một Tiếng nói giàu có bị lai tạp; và một Tôn giáo độc đáo đầy bản sắc đang suy thoái.
Quá khứ thì không thể thay đổi rồi. Dẫu sao, lịch sử, tháp Chàm, và chuyện kể… vẫn còn ẩn nơi góc khuất tâm linh, để Cham biết mình là chung.
Tiếng nói [chứ không là chữ viết]: Cham nói độn Việt, độn Khmer, hay Malaysia, Thái, Mỹ… Việc đặt nền cho ngôn ngữ chung là khó nhưng không phải bất khả.
Tôn giáo? Ngoài vài tôn giáo mang tính quốc tế như: Islam, Tin Lành, Công giáo… Cham có tôn giáo dân tộc: Đạo Ahiêr Awal đang suy thoái.
Làm gì? Một cách thiết thực và hữu hiệu nhất, để Cham còn hi vọng vào một ngày mai?
Viết “tikuh’, kubao’, ‘ramaong’, ‘tipay’, ‘cambah’, ‘ndeh’… là sang, là tinh hoa. Hay lắm! Nhưng hỏi mấy trăm Cham hôm nay ở Việt Nam biết, và viết đúng nó?
Trong khi cả vạn sinh linh thuộc “dân gian”, “quần chúng” Cham viết/ nói ‘takuh’, ‘kabao’, rimoong’, ‘tapai’, ‘cabbah’, ‘đơh’… họ sẽ hiểu. ‘Hajiơng ra cek pakhik’: “Nên người cho canh giữ”, là giữ hồn cốt văn hóa “dân gian”, văn hóa “quần chúng” ấy.
Tôi có lo là lo cho TIẾNG NÓI, ưu tư về sinh phận QUẦN CHÚNG trong công cuộc bảo tồn tiếng nói đó. Chớ phe phái hay thâm tình làm chi, cho khộ, hỉ?!