Đối thoại Cham-30. TẠI SAO TÔI CỨ PHẢI… ĐI?

[hay: Tôi đi để được bà con Cham “xem thường” mình]

“Xem thường”, đúng phong cách hậu hiện đại…

Câu chuyện.

Dự Trại Sáng tác Đà Lạt 1998, tôi rủ vài nhà văn DTTS xuống Chakleng Katê. Thấy tôi chung anh em khiêng bàn ghế làm sân khấu, một bạn kêu lên:

– Inrasara “sang trọng” là thế mà đi làm chuyện vặt này! Ở chỗ chúng tôi, tầm nhà văn cỡ anh chỉ ngồi bàn chủ tọa với phát biểu chỉ đạo thôi…

– Tôi cũng hệt vậy khi đi xa, còn quê nhà, tôi vẫn là thằng Klu của Chakleng như thuở nào, ở đó mà sang với trọng…

Vậy đó, ai tiến sĩ giáo sư về làng oai khí thế nào, kệ; tôi – “đi” vào quần chúng Cham, để được như mọi người… Còn bụt chùa nhà có “thiêng” hay không, là ở hiệu quả việc bạn làm.

Đối thoại…

– Hà cớ anh cứ phải đi, trong khi anh đã nổi tiếng? Ở lại nhà mình để ai cần thì tìm đến không hay hơn sao? – Là thắc mắc thường trực của bà xã, khi tôi từ Bangkok trở về, và… đi.

Không dừng ở đó, bả tiếp:

– Có khi nhiều kẻ tìm tới quá, người ta không thèm tiếp nữa là.

– Mẹ nó nói đố có sai. Này nhé…

Đầu thế kỉ XXI, nhóm thơ tự do Sài Gòn ghé nhà mình ăn nhậu vài ba bận, sau đó anh đã “không thèm tiếp” nữa. Rồi không ít lần quan lớn đến tận nhà xin yết kiến, anh đã mời ra quán cà-phê. Và em còn nhớ hay em đã quên vụ mấy lúc anh đuổi khéo cánh nhà báo. Vân vân.

Đó là chung, với Cham thì khác. Không thể khác!

Tôi rủi ro bị Bà Trời ban cho thói tật khác trần đời: Đúng giờ, nề nếp, nghĩa là phi chủ nghĩa Tùy tiện Cham. Qua đó, dù mình có dễ dãi cách mấy [“Đây là chốn tha hồ muôn khách đến” – Xuân Diệu], anh chị em và bà con vẫn cứ lánh xa. Tuần tự đây…

Hồi làm ở Đại học, bà con tìm đến, tôi tiếp một đỗi rồi mời ra cà-phê trước cổng trường, sau đó kêu họ đi xe ôm về nhà ở miệt Tân Phú đợi chiều tôi về. Một, hai bận thì được chứ nhiều phen “đợi” quá, bà con đi chỗ khác. Trong khi thầy Th. làm với tôi, có khách là đi tuốt tuồn tuột chả ngán ai.

Nhà tôi Cham thường xuyên ghé, ăn và ở lại thoải mái, tôi cũng rất thoải mái với bà con, riêng mục thời gian thì cho em xin. Ví mà tôi chơi tới bến kiểu ấy thì làm sao ông Inrasara [cạnh đó là Cham] có được bộ Văn học Cham, Lễ Tẩy trần tháng Tư, hay Chân dung Cát mà đọc!

Còn nề nếp, đang lai rai với đám bạn, đúng giấc trưa tôi lên giường 15 phút nhắm mắt rồi mới vào nhậu tiếp, ai kêu lập dị thế nào cũng chịu. Rồi 9 giờ tối gà lên chuồng, thì làm gì có thể cùng anh em chơi thâu đêm suốt sáng cho đặng.

Nữa, 4g sáng thức, rồi cà-phê, rồi thể dục. Thế Sara mới khỏe như trâu ấy chứ.

Bà con, bằng hữu không cảm thông không lui tới thì chả có gì sai. Ông Sara không đồ đệ trước thầy sau tớ lao xao, cũng chẳng có chi oan.

Phần mình là vậy, còn phần người?

Từ chuyện chung: Ghur Raneh chẳng hạn, không ai đến tìm mình thì mình phải đi đến với mọi người để giúp giải quyết sự vụ; tới việc riêng: Đất nhà nó bị chiếm đoạt, nó không chịu tới mình, thấy bất công quá – thế là mình phải tìm tới, nghĩa là phải đi; qua tận nỗi cá nhân: Anh bạn thân thiết gần hết đời người chưa nửa lần ghé nhà mình [ở palei hay Sài Gòn], trong khi mỗi bận về là mình chạy qua, tâm tình và thân mật.

Ba điển hình tiên tiến thôi mà đã vậy, mẹ nó còn muốn anh “hết đi” nữa hôn?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *