Chuyện [1]
Tối 30 Tết, ở quán Bánh Xèo thành phố Phan Rang, tôi với một gia đình nhỏ đang ngồi ăn thì một bạn Cham trung niên mang khẩu trang đến trước bàn, chào:
– Inrasara!
Tôi không nhận được đó là ai, gật chào lại. Bạn ấy quay đi. Dăm phút sau, xong – tôi ngồi dậy đi qua bàn có nhóm Cham ngồi, đình ninh anh sang bên ấy, hỏi thăm. Đó là nhóm gia đình palei Ram.
Chạy xe về được non cây số, bạn ngồi xe bảo: Anh ấy sang bàn kia mà anh lại qua bên bàn này. Trời biển! Tôi cứ tưởng ai quen đi ngang chào, ai ngờ, người từ bàn bên kia. Vậy mà mình không có lời đáp lại. Trên đường về tôi mãi áy náy.
Tôi vốn tiếng lịch thiệp, phải phép, đến nhà ai cũng báo trước dù là bạn thân, cơm hay không cũng cho hay, hôm nay… tệ thế chứ.
Tôi muốn nói lời xin lỗi, nếu bạn Cham ấy hay có bạn nào đọc tút này, nhớ nhắn giúp tôi luôn. Karun nhiều!
Còn đỡ…
Chuyện [2]. Đó là lời xin lỗi muộn.
Lỗi mà mãi 5 năm sau tôi mới biết đó là lỗi. Lại là lỗi lớn. Lời xin lỗi ít có cơ may đến địa chỉ cần đến.
Chuyện kể rồi, đại ý: Chỉ vì học trò Cham Phan Rang không phân biệt được giữa “nhái” và “nhại”, nên tôi đã không biết mình sai với cô giáo Huế dạy Văn lớp Đệ Lục là Nguyễn Vân Như Ý. Mãi sau này khi vào Đại học ở chung trọ với bạn Triêm người Huế tôi hiểu ra thì đã muộn. Tôi biết cô đã buồn tôi ghê lắm.
Chuyện [3]. Riêng chuyện này thì bất khả gỡ gạc.
Khi ấy tôi đã “nổi tiếng”. Ông thầy đưa tôi tới gặp ông nhạc là người danh giá trong vùng Cham. Ông thầy đang có chuyện, tôi ngồi ghế xa-lông đợi chủ nhà mặc áo tiếp khách. Ông từ lầu đi xuống, đưa tay ra bắt tay tôi. Gấp quá và chả hiểu sao nữa, tôi ngồi ì đó và đưa tay lên bắt.
Mãi ra về tôi mới phát hiện ra mình lại bất lịch sự tệ! Ngồi, bắt tay với chủ gia cỡ tuổi cha mình. Ba tháng sau tôi về quê và chạy qua ông thì ông đã mất! Lời xin lỗi lần này không còn là muộn màng nữa, mà KHÔNG ai nhận!
Đưa tiễn năm cũ, tôi muốn nói TO lên tiếng xin lỗi đến ba sinh linh trên, và mọi mọi sinh linh trên mặt đất này mà tôi từng phạm lỗi, dù lớn hay bé – sau gần hết đời người làm kiếp con người.