NHÀ VĂN BÁN SÁCH-2

[Phạm Công Thiện, Nguyễn Hiến Lê & tôi]

Phạm Công Thiện.

Là nghệ sĩ sáng tạo: thơ, văn, triết và dạy Đại học. Tác phẩm in ra, anh mặc nó lênh đênh ngoài chợ đời. Thậm chí anh còn kêu, kẻ sáng tạo mà sách bán chạy là một thứ sỉ nhục. Bổn phận Thiện là sống và sáng tạo, và anh cứ thế.

Nguyễn Hiến Lê thì khác.

Tác giả của 120 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau, đa phần đều ăn khách. Ông còn lập nhà xuất bản để in tác phẩm của mình nữa. Đời ông không gì khác ngoài đọc, viết và bán sản phẩm trí tuệ của mình. Bán càng nhiều càng tốt. Để tái sản xuất mở rộng. Tôi e rằng hiếm khi học giả này kí tặng sách!

Sách bán, chứ không để biếu.

Sara-tôi không may mắn như hai nhà trên. Tôi mắc kẹt giữa nông thôn và thành thị, giữa văn hóa và đời sống Cham và Việt, giữa nghệ sĩ sáng tạo và “học giả”, giữa nhà văn và người hoạt động xã hội, và nhất là tôi không được tự do tung hoành với chữ nghĩa như hai nhà kia.

[1] Sáng tác.

Thơ [7 tập] in ra biếu là chính. Dù thơ tôi có độc giả, vài lần được tái bản, nhưng hầu hết đều là mặt hàng… biếu chạy. Văn xuôi [2 tiểu thuyết, 1 tùy bút] nhà sách bỏ tiền ra in, trả tôi nhuận bút: tạm được.

[2] Nghiên cứu.

Các công trình nghiên cứu do nhà xuất bản in. Hầu hết chúng bán được chớ chẳng phải không. Ở đó tôi từ huề đến lỗ. Lỗ, do tôi biếu tặng cho Cham và các độc giả yêu Cham. Đó là chưa kể Tagalau, trước kì 7 tôi bù lỗ 1 cây vàng mỗi kì. Các cuốn khác, như tác phẩm đầu tay Văn học Cham khái luận tôi mua 200 cuốn dành biếu tặng; Trường ca Cham tôi tặng sinh viên đến ngàn bản để bán giá thấp cho bà con.

Sau này khi tất cả chúng được tái bản, số lượng in khá, túi tôi mới rủng rỉnh.

[3] Lạ, món tưởng khó nhằn nhất tôi lại là nhà bán được sách: lí luận phê bình!

Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, và Song thoại với cái Mới do nhà sách in, nhiệm vụ tôi chỉ đút túi nhuận bút.

Được trớn, tôi bỏ vốn ra in 3 cuốn cùng lúc: Nhập cuộc về hướng mở, Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, và Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’. Rao bán qua bưu điện mới hơn tuần đã hết vèo 300 bộ, còn thừa tôi bán lai rai và tặng!

Hai cuốn mới nhất: Văn chương tan rã, và Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại được Lotus Media (Hoa Kỳ) in và bán trên Amazon.

Kết: tôi là nhà văn Việt Nam sống được bằng ngòi bút. Sống được còn qua hai hoạt động nữa…

[4] Từ 2002, tôi bắt đầu viết báo. Do các bản báo đặt hàng, chứ tôi hiếm khi gửi. Vậy mà môn này tôi chơi rất được. Gần ngàn bài đăng chớ chẳng đùa. Ngoài báo mạng thường là tình cho không biếu không, tôi đi từ đặc san Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, tạp chí Văn TPHCM [khi chưa chết], tạp chí Tia Sáng, cho đến Đà Nẵng chủ nhật, Bình Thuận cuối tuần, và hàng chục tờ khác.

[5] Đến năm 2007 tôi tập tành đi nói chuyện, và … nổi tiếng. Đề tài phong phú [đã kể], thế nên đối tượng mời cũng đa dạng. Các Trường chuyên Văn, Đại học trong và ngoài nước, Hội VHNT tỉnh thành, Sứ quán, các tổ chức dân sự, Hội đồng Anh, Sàn Art, Cà-phê thứ Bảy, vân vân. Distant Horizons còn đặt hàng mỗi năm ba kì nghe tôi thuyết nữa.

Nhưng rồi… từ 2015 phía chính thống bớt mặn mà, để đến khi Covid-19 bùng phát thì [yếu tố] nước ngoài cũng tắt luôn.

Từ nay, tôi còn làm gì ra tiền từ chữ nghĩa, không biết! Có lẽ như Thiện: “Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất” đến cuối đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *