Katê. Ngọn lửa & câu hỏi-9 (cuối). LỬA & KHOẢNH KHẮC VÔ CÙNG

Tuần Katê sôi động qua cuộc đối thoại, song thoại và tương thoại với nhiều diễn ngôn, tút ngắn này đích thị là nhát đoản kiếm cuối cùng quyết cắt dứt tuyệt mọi “khiêm tốn” yếu nhược, mọi chần chừ trì hoãn, hối thúc tuổi trẻ tự tin và dũng mãnh bước ra khỏi lô-cốt mặc cảm các loài, cho một sẵn sàng lớn.

Tôi dành tặng “cuối” này cho con tôi Jaka cùng tất cả bạn trẻ Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du quyết rời khỏi “thế giới Theo-ism”, “dự phóng” để làm cú nhảy tối hậu vào “hiện sinh”.

Tuổi 20, anh bạn thân ghé nhà thấy tôi đang đọc ấn phẩm mỏng André Niel viết về Jean-Paul Sartre: SartreHéros et victime de la conscience malheureuse, bên cạnh là bộ đôi Nho giáo của Trần Trọng Kim dày cộm, nói giọng mỉa:

– Làm sao một người vừa yêu Sartre lại vừa mê Khổng…  

Bạn chưa đọc Sartre, tôi biết; nếu có đọc cũng không hiểu. Tôi trả lời cho qua:

– Ừ, đọc để biết vậy thôi…

Tôi học ở Heidegger và Hiện sinh bốn [4] chữ: Da-sein, dự phóng, “hành động trong chân trời khả thể” và hiện sinh. Và học ở trần gian muôn màu một [1] chữ: Không bao giờ là muộn.

Da-sein được dịch là Hiện tính thể, Hữu-tại thế, hay dễ hiểu hơn: Con người ở đó. Tôi ý thức sáng rỡ và sâu thẳm “TÔI-Ở-ĐÓ”: Trong một gia đình nông dân vô sản ở một làng quê nghèo tại một tỉnh lị nghèo của một đất nước nghèo đang bị chiến tranh tàn phá trong thế giới xinh đẹp, rách nát và đầy yêu thương này.

Tôi dự phóng PROJECT đời tôi. Chú ý, dự phóng hiện sinh thuộc phạm trù triết học, siêu vượt khỏi dự án, chương trình hay kế hoach đời thường nào đó.

Đã định, đã cư ngụ tại Quê hương như là ở Nhà (Da-sein), kẻ ấy dự phóng và HÀNH ĐỘNG TRONG CHÂN TRỜI KHẢ THỂ. Hành động trong chân trời khả thể thì cách biệt cả vực thẳm với “hoạt động trong điều kiện và hoàn cảnh cho phép”.

Nghĩa là kẻ ấy tự do khỏi mọi giới hạn. Và cũng nghĩa là, kẻ ấy SỐNG HIỆN SINH. (xem thêm: Minh triết Cham, 2012)

[Tút cũ] LỬA & KHOẢNH KHẮC VÔ CÙNG

Ta biết lầm lạc, những lầm lạc và khổ ải phi lí diễn ra quanh ta, ngày này qua ngày khác, và ta triết lí cao siêu: Đời là thế…

Ta nhìn thấy bất công sờ sờ trước mắt ta, bao bất công không thể chấp nhận được, nhưng rồi ta học phát ngôn: “Cái nước mình nó thế”…

Như vô số sinh linh yếu đuối khác, ta nghe bất lực, và ta để gió cuốn đi. Tất cả. Tại sao?

Do ta biết chưa đủ, thấy chưa đủ. Và nhất là ta thiếu lửa, hay nói khác đi: Lửa trong ta chưa đủ MẠNH để buộc ta phải lăn xả vào, không thể khác. Chưa đủ mạnh, ta nói: Người ta sao mình vậy.

Lửa ấy cũng không đủ LỚN để ta theo đuổi đến cùng. Thấy chưa chắc ăn, ta chần chừ; hoặc vào cuộc một cách lờ nhờ dở chừng, ta thối lui. Ta ngó sang ai khác hành động thay ta.   

Rốt cùng, ta sống mà như đã chết rồi.

Tất Đạt Đa sống đời nhung lụa, ngay khi vừa BIẾT, vừa THẤY, và nhất là khi LỬA trong chàng đủ MẠNH, đủ LỚN, chàng quyết dứt bỏ tất – đi! Không chỉ thế, ngồi dưới gốc bồ đề, chàng quyết không thối lui, dẫu chết – nếu chưa đạt cái mình muốn. Dostoievski: “Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy đến tận cùng cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa”.

Chính những khoảng khắc vô cùng viết nên lịch sử nhân loại…

KHOẢNH KHẮC VÔ CÙNG (1997)

Nếu Tất Đạt Đa buổi ấy không ra đi

cõi người ta lấy đâu đêm sáng

Nếu Huyền Trân ngày ấy không ra đi

huyền sử trần gian có đâu lãng đãng

Nếu giây phút ấy Đốt phải ra đi

mặt đất có đâu chàng A-liêu-sa phiêu lãng

Nếu em chiều ấy không ra đi

bể lòng tôi có đâu bão động.

Inrasara

HÀNH TRÌNH CHỮ NGHĨA INRASARA

& ĐIỂM NHẤN VĂN HÓA CHAM & VĂN HỌC VIỆT NAM

Ghi chú cho buổi thuyết trình tại

Trường PTTH Chuyên Lê Quý Đôn Ninh Thuận, chiều 16-10-2020

A. Diễn thuyết: 30-40 phút.

Mở. Ecce homo

[a person in a bad condition, battered man – tranh tượng chúa Jesus đội vòng gai.]

Những kẻ bắt Chúa Jesus giải đến trước Hội đồng Công luận, và nói Ecce homo: Đây là người chúng ta mong đợi! Nietzsche nhại lại đặc ngữ này qua cuốn tự truyện mà Phạm Cộng Thiện dịch là: Tôi là ai?

Hôm nay, tôi đến đây, không phải trong tình trạng tồi tệ, mà trang trọng. Và tôi cũng có thể nói Ecce homo, mà các bạn mong gặp.

Xin nói ngay: Tôi không mang kiến thức “bát ngát” đến truyền cho các bạn. Việc đó có sách làm, Google đảm nhiệm tốt rồi, và nhất là có thầy cô các bạn trực tiếp. Tôi đến, để đốt lên ngọn lửa trong các bạn, trong từng mỗi người các bạn.

Ecce homo Tôi là ai? Bạn là ai? Tôi đã làm được gì? Và bạn có thể làm được gì?

“Inrasara là ai?” là chủ đề một lần tôi thuyết trình với độc giả Distant Horizons.

“Tôi là kẻ đôt lửa, giữ lửa và truyền lửa”.

Trẻ!

Hội trường này đa số là đầu xanh tuổi trẻ. Chớ mặc cảm trẻ, hãy kiêu hãnh về nó.

Ông bà ta nói: “Tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu”. Bẻ gẫy thật, chứ không giả. Vô số điển hình tiên tiến có mặt khắp Đông Tây…

Phong trào Thơ Mới, 17 tuổi Chế Lan Viên là 1@7 đỉnh, các thi sĩ còn lại không ai trên 30. Cuối thế kỉ XIX, ở tuổi 17, Rimbaud đã dấy lên cuộc cách mạng thơ, mở đầu loại tự do ảnh hưởng lan rộng cả thế giới.

Văn học nghệ thuật thì vậy, về chính trị xã hội…

Hoàng Chí Phong, tuổi 17 lãnh đạo phong trào Dù Vàng nổi tiếng đến tạp chí Time cho là người có ảnh hưởng lớn nhất năm 2014, được đề cử Nhân vật của năm 2014; tạp chí Fortune xếp chàng trai vào hàng “nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới” năm 2015; Joshua Wong còn được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2017 nữa. 

Nữ sinh cuối cấp II Greta Thunberg làm chao đảo thế giới qua truyền lửa cuốn hút hàng triệu học sinh, sinh viên bãi khóa hưởng ứng phong trào Môi trường của cô.

Tại đảo Orchid Island Taiwan, cô bé Mavivo Sinan cũng ở tuổi ấy, đã cuốn cả cộng đồng nhỏ bé của mình làm nên phong trào phản đối Rác hạt nhân. Cuối cùng chính quyền phải lắng nghe, và cô được bầu vào đại biểu Hội đồng Dân tộc Bản địa Đài Loan Council of Indigenous Peoples.

Dẫu vậy, không riêng Trung Quốc hay Việt Nam [thuộc hệ tư tưởng Theo-ism], không ít sinh linh ở thế giới ngoài kia cứ hồ nghi tuổi trẻ bị lực lượng nước ngoài [hay gì đó] dựng lên, làm con cờ để thao túng, lợi dụng cho mục đích riêng. Không khác gì tại Việt Nam, vài người từng nghĩ Nhóm Mở Miệng [cũng tuổi trẻ] được thế lực nào đó “chống lưng” mới dám và có thể làm nên mấy chuyện như đã.

Tuổi trẻ vẫn làm nên điều lớn lao, nếu dám nghĩ lớn, đủ thông minh, và nhất là tràn liều lĩnh? Tôi nói: Tuổi tác không là vấn đề ở Một Tình Nhân đích thực.

Tôi yêu loài tuổi trẻ liều lĩnh, bởi tôi cũng thuộc dòng tuổi trẻ kiểu ấy, một tuổi trẻ bị đánh cắp. May, nó chỉ bị đánh cắp một phần…

1. Làm sao có lửa và có cái gì để đốt lên? – Ngạc nhiên!

Trẻ con ngạc nhiên. Tuổi càng cao nỗi này càng hao mòn, cuối cùng đứt bóng. Làm sao ngạc nhiên? Và làm sao nuôi sự ngạc nhiên mãi sống?

– Văn học Cham: từ gợi ý vô tình của thầy Phạm Đăng Phụng ở năm Đệ Tứ, tôi ngạc nhiên, từ đó làm nên bộ Văn học Cham.

– Hải sử và văn hóa Biển Cham: Chỉ qua bạn chăn trâu Việt và bà mẹ nhà quê Cham: Trời đất ơi/ Lingik tathik lơy! Tôi ngạc nhiên, từ đó tìm hiểu. Để nó thành chủ đề chính của các buổi nói chuyện của tôi hơn mười năm qua…

– Thơ cũng không khác. Giọng thơ là một…

Điểm nhấn

Giọng thơ chia li người yêu từ Huy Cận, Hoài Khanh, Tô Thùy Yên đến Phan Huyền Thư:

“Tôi nằm mơ một đám ma mà người chết là tôi, tôi là người đã chết.

Những người tình của tôi xếp hàng lần lượt, những người không hề biết nhau và những người đã từng định giết nhau. Họ đến xếp hàng rồi gật đầu chào mời nhau hút thuốc, đồng loạt thở dài rồi lần lượt đi vòng quanh tôi. Từng người vòng quanh, họ cam đoan không bao giờ quên tôi được. Rồi nghe chừng hơi sốt ruột trong khi xếp hàng họ hỏi nhau xem hoa hậu năm nay mới đăng quang là ai… Mua phim sex lậu ở đâu rẻ nhất…”

Chiến tranh Việt Nam: Ta – tôi – hắn

Tố Hữu lí tưởng thống nhất đất nước:

Khi ta đứng lên cầm khẩu súng

Ta vì ta, ba chục triệu người

Cũng vì ba ngàn triệu trên đời!

Phạm Tiến Duật: đẹp “Đường ra mặt trận mùa này đẹp lắm

Trịnh Công Sơn phản chiến với Ca khúc Da vàng:

Thịt da này dành cho thù hận,

cho bạo cường, cho tham vọng của một lũ điên”.

Nguyễn Bắc Sơn: cuộc chiến vô nghĩa, vô vị như một “trò chơi” lếu láo:

Lũ chúng ta sống một đời vô vị

Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau

Mai ta đụng trận ta còn sống

Ta về Sông Mao phá phách chơi”.

Thơ trình diễn: Vi Thùy Linh, Dương Tường, Lê Anh Hoài.

Đó là hậu hiện đại. Có nhà phê bình nào nêu bật ra khác biệt ấy, không phải một, mà vô số kể? Tôi nhập cuộc và trở thành nhà phê bình hậu hiện đại từ đó.

2. Làm sao giữ/ nuôi lửa? – Học: “học sĩ”.

– Với ‘Akhar thrah’: Tôi chép từ điển Aymonier, lang thang palei Cham tìm chép văn bản cổ, học, dạy và viết sách tự học tiếng/ chữ mẹ đẻ…

– Với thơ: Hơn chục bạn học Pô-Klong làm thơ, sau 1975, hầu hết bỏ cuộc. Nhà thơ Việt Nam: không học, thành định mệnh nhà thơ một bài, viết thì tự lặp lại, bế tắc… 

– Triết học: Yêu cái biết, tôi bỏ học, cày thuê lấy tiền mua sách; làm thiện tri thức, tôi đi bộ ra Huế thỉnh Kinh Hoa Nghiêm 8 tập dày cộm.

+ Nguyên tắc: Đừng nóng vội, phải biết giú mình trong bóng tối vô danh. Làm thơ từ 14 tuổi, mãi tứ thập tôi mới in đầu tay Tháp nắng; nghiên cứu từ năm Đệ Tứ, 38 tuổi mới in Văn học Cham

Và giải thưởng danh giá các loài đến sau đó.

Điểm nhấn

Dòng máu Cham trong huyết quản Việt: Tù binh và kẻ ở lại…

Dấu vết Cham ở khu vực miền Bắc

Cham đóng góp vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam: Kiến trúc – điêu khắc, ca-múa-nhạc, văn học…

Hải sử và văn hóa biển Cham

Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ và Minh triết Cham: Tinh thần hóa giải và hòa giải, giải sân hận Cham.  

3. Truyền lửa thế nào? – Yêu có nghĩa là quan tâm và chăm sóc

Phê bình hậu hiện đại: Yêu, thì cần quảng bá lan tỏa, giải minh và đấu tranh bảo vệ cái mới, cái ngoại vi. Hai ví dụ:

Giải minh: Tại sao các thế hệ thơ Việt không chấp nhận nhau? 

Đấu tranh bảo vệ: Văn chương hậu hiện đại ở đâu?

Tagalau: Tại sao các bạn văn Tày không làm được như Tagalau? Và cả bạn Cham thế hệ mới không thể nuôi nổi nó?

Bàn tròn Văn chương, Cà-phê thứ Bảy: chủ trì và thuyết trình…

Điểm nhấn

Văn học ngoại vi, gồm: Các sáng tác ở tỉnh lẻ, văn học dân tộc thiểu số, văn học Việt hải ngoại, cây bút không là hội viên Hội Nhà văn, văn học miền Nam trước 1975, vân vân.

Cần gom vào, chứ không nên đẩy ra. Bởi thiếu chúng, không chỉ nền văn học Việt Nam thiệt thòi lớn, mà ngay cả độc giả cũng chịu thiệt.

Các đề tài nóng, cần thiết:

1. Cham đóng góp gì vào văn hóa đa dân tộc Việt Nam?

2. Văn học Cham làm đầy tràn nền văn học Việt Nam thế nào?

3. Hải sử và văn hóa biển Cham bổ khuyết cho lịch sử Việt Nam

4. Minh triết – trí khôn sáng Cham

5. Thơ Việt: thời đại khác, thơ khác [về các chuyển biến lớn]

6. Văn học ngoại biên Việt Nam ở đâu?

7. Phê bình văn học làm được gì?

8. Thơ dân tộc thiểu số Việt Nam hôm nay

9. Về đâu phong trào Tân hình thức Cham?

10. Tại sao Việt Nam chưa có nhà tiểu thuyết lớn?

11 Văn học hậu hiện đại Việt Nam

12. Inrasara là ai?

4. Inrasara là ai? – Sinh linh cá biệt

Bỏ Đại học, về quê cày thuê mua sách đọc; bỏ biên chế về quê làm nông dân; bỏ Quán tạp hóa đang ăn nên làm ra vào Sài Gòn làm việc; bỏ việc làm ở Đại học để làm nhà văn; chối từ vài chức lớn để được tự do; bỏ Cty với tuyên bố “Tôi không được quyền làm ra tiền nữa” để được là con người hành động tự do toàn phần.

Kết. Yêu thương, làm việc, sáng tạo và vui.

Yêu thôi đã là vui rồi. Yêu thì phải lí, lì, và liều mới thành. Không thành cũng vui, vui trong quá trình tán.

Còn, lại Nietzsche: “Khi không thể yêu thương được nữa, hãy tha thứ mà bước qua”. Xóa hồ sơ lưu trữ, không bàn, không nói xấu… Xong phim!

B. Thảo luận: 90 phút.

TẶNG PHẨM CỦA DÒNG SÔNG

Cho và đi. Cho và đi mất về biển xa

Từ đỉnh đồi cao dòng sông chắt về miền đất quê phù sa để qua từng luống cày khơi dậy mùa hi vọng trên vầng trán anh nông dân mộc mạc

Rồi băng suốt bước bạo động lịch sử dòng sông vẫn dõi theo từng thế hệ gái trai sinh ra lớn lên chết đi cùng tiếng đập tim của dòng sông

Là tiếng đập tim của quê hương chuyển dịch dòng máu đứa con đi hoang trở về soi bóng dòng sông và tìm nơi dòng sông chốn trú ẩn chơi vơi của cuộc tình người phiêu lãng

Và như đứa con phung phá dòng sông lãng phí mình cho cây lá quê hương

Dù là rặng tre hẹn dâng thân già cho người quê nhà tranh vách đất

Hay dù là bãi cỏ hoang nuôi béo đàn trâu sau vất vả buổi cày. Hay dù là lùm gai li ti làm sướt tay lũ trẻ con trốn nhà nghịch ngợm, dòng sông vẫn ban phát nguồn nước giàu sang mình mang chứa làm nhịp bao nhựa sống cho đời cây dàn trải

Cho và đi. Cho và đi mất về biển xa

Dòng sông vẫn ở lại

Như bà mẹ vắt cạn bầu sữa dòng sông trầm mình nuôi lớn hai bờ cây. Cho mùa khô gió reo vào đường lá còn nghe vọng tiếng nói dòng sông

Hay khi ánh trăng soi cành xanh còn thấy động hình ảnh dòng sông gợn chảy. Hay khi trưa cháy nắng ngã mình dưới tàn cây anh nông dân còn được nhìn bóng dáng dòng sông

Dòng sông đi

Dòng sông vẫn gửi lời cám ơn ở lại

Lời cám ơn tiềm ẩn được gửi về sinh thể nhận nơi dòng sông dưỡng chất trần gian. Từ chú dế mèn đêm khuya ru giấc mộng trẻ thơ đến lũ nhái suốt mùa ca lời ca vô nghĩa. Hay từ cánh cò xa làm của điểm trang bầu trời miền hoang dã đến đứa con quê hương mang vết tích dòng sông đi về vô định phương trời

Dòng sông mãi vọng lời cảm tạ

Lời cảm tạ gửi về tôi gửi về em như gửi về ngàn thế hệ đã qua và vạn thế hệ sắp tới mở vòng tay đón nhận từ dòng sông lời cảm tạ. Để giữa hố hang lịch sử mãi làm vang lên lời cảm tạ của dòng sông và phung phí như dòng sông với con người và với cuộc đời rồi lên đường đi mất

Như dòng sông cho và đi. Cho và đi mất về biển xa.

ĐỨA CON CỦA ĐẤT

Tôi

đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp

đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao

đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét

và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao

Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn

cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glang Anak

ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết

palei’ nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu

Lớn lên

tôi đụng đầu với chiến tranh

tôi cụng đầu với cơm áo, hiện sinh, hiện tượng

tôi chới với giữa dòng ngữ ngôn hoang đãng

rồi cuộn chìm trong thung lũng tình yêu em

Tôi đánh rơi thế giới và tôi lạc mất tôi

tôi lạc mất điệu ‘đwa buk’, câu ‘ariya’, bụi ớt

trái tim đui

tôi như người bị vứt

rớt giữa cánh rừng hoang trụi lá mùa xanh

Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên

rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ

như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố

tôi tìm lại tôi

tìm thấy nắng quê hương

Lại xanh trong tôi – dù rừng đã cháy

lại chảy trong tôi – dù sông đã chết

chợt hanh lại cát – chợt buồn lại ru

chợt duyên lại em – chợt hoang lại tháp

Giọng mẹ xa vời dỗ giấc thiên thu.

INRASARA PHÚ TRẠM

1- Tiểu sử tóm lược

Phú Trạm, bút danh Inrasara, sinh năm 1957 tại làng Cham Chakleng – Ninh Thuận.

Học Trường Trung học Pô-Klong, Trường cấp III Nguyễn Trãi – Ninh Thuận.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, bỏ học sau 1 năm.

10 năm công tác tại Ban Biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận, Trung tâm VN-ĐNÁ – ĐH Tổng hợp TPHCM.

Hội viên Hội Nhà văn VN, Hội Văn học – Nghệ thuật các DTTS VN, Hội Văn nghệ Dân gian VN.

Chức danh: Phó Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn VN (2005-2010), Trưởng Ban Lí luận Phê bình Hội VHNT các DTTS VN (2010-2015). 

Hiện sống tại Sài Gòn. Công việc: Nghiên cứu văn hóa Cham, sáng tác, dịch, viết tiểu luận – phê bình văn học, thuyết trình, tổ chức sự kiện.

2. Công trình

– Đã in 30 tác phẩm: Về văn hóa Cham, thơ, tiểu thuyết, phê bình…

Giải thưởng:

Thơ: Hội Nhà văn Việt Nam 2 lần, Giải thưởng Văn học ĐNÁ…

Phê bình: Giải thưởng Hội đồng LLPB-VHNT Trung ương, Giải thưởng Văn Việt…

Nghiên cứu: Giải CHCPI Sorbonne (Pháp), Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh…

– Đã đăng hàng trăm bài nghiên cứu trên tạp chí lớn trong và ngoài nước.

– Sáng lập và chủ biên Tagalau suốt 15 năm [54 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, duy nhất dân tộc Cham mới có tạp chí].

3. Hoạt động

– Trước tuổi 20, dạy miễn phí cho hơn 100 người Cham biết chữ mẹ đẻ.

– Hơn 200 bài phản biện xã hội đăng báo lớn thế giới như BBC (Anh), RFA (Mỹ), Kyodo Shinbun (Nhật), Tienve (Úc)…

– Đấu tranh 30 vụ lớn nhỏ cho cộng đồng Cham.

– Sứ quán Thụy Sĩ, Viện Goethe, Liên hiệp châu Âu, các Đại học lớn của Nhật, Đài Loan, Distant Horizons (Hoa Kỳ), Sàn Art (Úc)… nhiều lần mời thuyết trình.

– Chủ trì Bàn tròn Văn chương Hội Nhà văn VN, chủ trì Cà-phê thứ Bảy Văn học, tố chức nhiều buổi ra mắt sách, nhiều năm liền là giám khảo giải thưởng nghiên cứu tầm Quốc gia…

– 12 luận án thạc sĩ, tiến sĩ về tác phẩm Inrasara.

– 20 phim tư liệu về Inrasara.

VTV3 bình chọn là “Nhân vật Văn hóa năm 2005”.

Đặng Quang Sơn

NHỊP CẦU VĂN HỌC – GẶP GỠ NHÀ THƠ INRASARA

Facebook, 18010-2020

Văn học Việt Nam đương đại sau 2000 là một khoảng trống mênh mông trong nhà trường phổ thông. Dù thế nào thì dòng sông văn chương vẫn không ngừng trôi chảy. Càng hiện đại tốc độ trôi chảy càng nhanh, đến mức có lúc cảm thấy lạc trôi khi khá khó khăn để tiếp nhận một tác phẩm của văn học hậu hiện đại. Đó là những trăn trở của giáo viên dạy văn, học sinh yêu thích văn chương.

Đất Ninh Thuận nắng gió không chỉ có xương rồng và cát mà còn có những con người biết làm nên sự khác biệt. Những con người ấy đã khẳng định được giá trị, vị trí của mình trên văn đàn đương đại. Đó là nhà thơ Lê Hưng Tiến, nhà thơ Kiều Maily với dòng thơ hậu hiện đại. Và đặc biệt là Inrasara:

“Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp

Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao

Đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét

Và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao…”

(Trích “Đứa con của đất” – Inrasara)

Ông là nhà thơ, những tác phẩm của ông hiện nay là đối tượng nghiên cứu khoa học của nhiều luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và khóa luận đại học ở nhiều trường đại học trong cả nước. Ông là nhà phê bình văn học có uy tín, luôn tìm kiếm, phát hiện những giá trị mới, nhất là với mảng văn học hậu hiện đại. Ở địa hạt này, ông chính là sứ giả văn học của thế kỉ XXI, là nhịp cầu nối nhà thơ, thơ ca với độc giả và ngược lại. Ông cho rằng làm phê bình là để giải minh và đấu tranh bảo vệ cái mới, cái ngoại vi. Theo ông, văn học ngoại vi, gồm: Các sáng tác ở tỉnh lẻ, văn học dân tộc thiểu số, văn học Việt hải ngoại, cây bút không là hội viên Hội Nhà văn, văn học miền Nam trước 1975… Ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa Chăm – văn hóa của chính dân tộc ông. Ở lĩnh vực này, ông xứng đáng là người giữ hồn dân tộc.

Giải tỏa phần nào cơn khát chữ nghĩa, tổ Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Ninh Thuận đã tổ chức buổi giao lưu với tên gọi: “Nhịp cầu văn học – gặp gỡ nhà thơ Inrasara”. Buổi giao lưu còn có sự hiện diện của nhà thơ Lê Hưng Tiến, nhà thơ Kiều Maily. Hội trường khoảng 200 chỗ ngồi đã không còn chỗ trống bởi những học sinh yêu thích thơ văn và những thầy cô dạy văn đến từ các trường THPT: chuyên Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Tháp Chàm, An Phước, Phạm Văn Đồng.

Phần giới thuyết, với vai trò là người đốt lửa, truyền lửa, Inrasara khơi gợi lòng tự tôn của tuổi trẻ – tuổi trẻ có thể làm được những điều lớn lao. Để làm được điều đó, theo ông cần có sự ngạc nhiên và cần có củi. Và ông đã chứng minh qua chính cuộc đời của mình.

Phần đối thoại, đây là phần được chờ đợi nhất của chương trình. Rất nhiều cánh tay đã đưa lên, rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Sự tương tác ngày càng sôi nổi. Nhiều câu hỏi chất vấn có chiều sâu như: Nhà thơ hay lặp lại từ YÊU, vậy ngoài tình yêu ra còn có yếu tố nào khác nữa để thúc đẩy nhà thơ làm nên nhiều công trình giá trị? Nhà thơ nói phá hủy và sáng tạo, vậy nhà thơ đã làm gì để giải quyết mâu thuẫn đó? Hay những vấn đề về văn học đương đại sau 2000…, chứng tỏ người hỏi đã có sự tìm hiểu, nghiên cứu khá kĩ lưỡng về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Inrasara. Câu trả lời của nhân vật chính bao giờ cũng hóm hỉnh và sâu sắc. Dù trả lời rất nhanh nhưng trong thời gian của một buổi chiều thu ngắn ngủi cũng chưa thể giải tỏa hết được những tâm tư. Với tính chất là giao lưu, gặp gỡ, tạo tiền đề cho sự tương tác lâu dài hơn nên những gì chưa thỏa mãn được, thầy cô và học sinh tiếp tục trao đổi ở những kênh liên lạc khác.

Buổi gặp gỡ nhà thơ Inrasara, bắc nhịp cầu văn học đến với độc giả, đã đem lại những hiệu ứng tích cực cho việc khám phá bản thân làm nên điều khác biệt, cũng như mong muốn tìm hiểu về tác giả, tác phẩm văn học đương đại, nhất là đối với những người con quê nhà có đóng góp to lớn vào diện mạo văn học hiện nay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *