Đối thoại Cham-9. BA CHÂN KIỀNG DỰNG NÊN CHAM

[đối thoại tôn giáo]

– Phải chăng theo Sara niềm tin của Cham chỉ dựa vào huyền thoại? – Inra Cahya Nghiêm đã nghiêm túc hỏi thế. Khi huyền thoại mất thì Cham không còn?

– Sinh linh Cham tứ tán khắp thế giới. Cham còn gì? Sợi dây nào có thể kết liên họ, để có thể còn được gọi là một cộng đồng? Ba chân kiềng:

[1] Lịch sử: Một Quá khứ oanh liệt dù đã bươn bấy; [2] Tiếng nói giàu có đang bị lai tạp; và [3] Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ độc đáo đầy bản sắc đang suy thoái.

Quá khứ thì không thể thay đổi rồi. Dẫu sao, Lịch sử, tháp Chàm, và những chuyện kể… vẫn ẩn nơi góc khuất tâm linh, để Cham còn nhận ra mình là chung.

Tiếng nói [chứ không là chữ viết]: Cham nói độn Việt, độn Khmer, hay Malaysia, Thái, Mỹ… Việc đặt nền cho ngôn ngữ chung là khó nhưng không phải bất khả.

Tôn giáo? Ngoài vài tôn giáo mang tính quốc tế như: Islam, Tin Lành, Công giáo… Cham có tôn giáo dân tộc: Đạo Ahiêr Awal, đang làm suy thoái.

Làm gì cứu vãn nó, với hi vọng phục dựng lại huyền thoại nền tảng?

– Để nhận diện Cham, nhà thơ đã từng viết như vậy.

Ở một tút khác: “Tinh thần Đất.02”, nhà thơ dẫn một đoạn viết dân tộc Do Thái rất ý nghĩa:

“Trong suốt lịch sử, dấu hiệu đầu tiên cho biết người Do Thái có  bản sắc dân tộc đặc biệt mạnh mẽ chính là việc họ từ chối các vị thần và phong tục tôn giáo của dân tộc từng thống trị họ như người La Mã, và sau đó Kitô giáo và Hồi giáo. Ở nhiều trường hợp khác, các dân tộc chấp nhận tôn giáo, ngôn ngữ, và bản sắc của kẻ cai trị hoặc của người hàng xóm, rốt cục biến mất khỏi lịch sử.

Điều đó chứng tỏ một bản năng yếu kém không có chỗ đứng trong thế giới của quyền lực. Bản sắc tôn giáo-dân tộc kéo dài của người Do Thái mạnh hơn hẳn so với hầu hết dân tộc trên trái đất” (Câu Chuyện Do Thái (2015, Đặng Hoàng Xa, NXB Hồng Đức, tr. 25-26).

Xin cei Sara nói rõ thêm.

– “Một BẢN NĂNG YẾU KÉM không có chỗ đứng trong thế giới của quyền lực”.

Một câu hỏi rất nền tảng: Suốt dòng lịch sử, Cham bao lần thiên di: Philippines, Hải Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Cambodia. Tại sao mỗi đợt bỏ ĐẤT đi, là Cham BIẾN?

– Tại sao, thưa nhà thơ?

Chuyện đã rõ, ngay trong trích đoạn, rằng chúng tatừ chối các vị thần và phong tục tôn giáo của dân tộc” rồi “chấp nhận tôn giáo, ngôn ngữ, và bản sắc của kẻ cai trị hoặc của người hàng xóm, rốt cục biến mất khỏi lịch sử”.

– Có lần cei Sara nói Cham với Do Thái giống và khác nhau…

– Giống ở tôn giáo đầy bảo thủ và con người đẫm tinh thần sáng tạo. Còn khác, Cham quá dễ dàng để cho tự biến mất…

Trong khi tôn giáo Ahiêr Awal cực kì bảo thủ [không chấp nhận thần linh khác], và với quan niệm về đất khác lạ [Dar thook padook kiak: Chôn nhau, đặt viên gạch], thế nên dù sống xen cư và cộng cư với người Việt hơn hai thế kỉ, vẫn không bị đồng hóa.

Chính sức mạnh tinh thần nội tại ấy tạo nên MẠCH NGẦM sống dai dẳng qua/ bằng các câu chuyện. Rõ nhất qua nhân vật huyền thoại-lịch sử như Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Sah Inư.

Tôi đã có nói đâu đó, chỉ cần hiểu tường tận 4 cụm tháp mang tên 4 nhân vật này là có thể nắm bắt được gần như toàn bộ lịch sử, tinh thần văn hóa văn minh Champa, và cả tâm hồn con người Cham.   

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *