Hãy thử khiêm tốn một lần-07. TỪ NHÀ THƠ VIỆT ĐẾN ĐỜI THƯỜNG CHAM

[hay Chuyện yêu ghét ở cõi người ta]

Tôi được Cham yêu, thì hẳn rồi, ở đó còn có bộn fan hâm mộ nữa. Cá biệt bốn sinh linh Cham tuyên mỗi bận lên Tháp hay vào Thang Mưgik là cầu nguyện cho cei Sara sống dai.

Cạnh đó, đằng ấy bị không ít Chàm mình ghét tệ.

Cá biệt, một chức sắc Cham trẻ và nhiệt tháng trước hô “200 năm sau chưa chắc Cham đã sinh ra thêm được một Inrasara mới”, thì tháng sau đã “cei Sara lúc này có ai xem ra gì đâu”. Thế mới đời.

1. Từ chuyện thơ Việt Nam.

Đại bộ phận nhà thơ ta ưa diễn, thèm diễn, khao khát đọc thơ trước công chúng, hễ được cơ hội là lên đọc thơ… mình. Là khoe, chớ còn kêu là gì nữa!

Trong khi tôi ngược lại: đọc thơ bạn thơ, phân tích và nói cái hay của nó đến với người nghe. Bàn tròn Văn học, Sara chủ trì là đảm bảo chất lượng ISO.

Khác người, thì người không ưa. Không dừng ở đó, tôi ý thức rõ nó, “nghiên cứu” và phân tích nó, rồi viết nó ra, thì nỗi ghét kia tăng lên bội phần.

PGS-TS Phạm Quang Trung biếu tôi huy hiệu “nghiên cứu mình” là chuẩn không cần chỉnh

[chắc chắn anh sẽ đi vào văn học sử với cụm từ này]

. Học đòi Krish, mỗi suy nghĩ, hành vi, việc làm nào bất kì, tôi đều TRỰC THỨC, dõi theo hành trạng từng động tĩnh của mình. Và, gọi tên nó lên.

2. Trờ lại cõi Cham. Một hôm tôi hỏi thằng Giữa:

– Vài Chàm ghét cei tệ, con hiểu sao không? thì được trả lời:

– Do ghen tị, bởi cei thành công nhiều lĩnh vực, mà lại thành công khác đời; hơn nữa cei không phe phái, phía ta sai cei vẫn phê, dù nhẹ nhưng phê thôi là đời không ưa rồi; còn quan hệ thì cei ít bù khú chén chú chén anh. Tạm vậy.

Tôi nói:

– Hơi rành rẽ, và có vẻ không sai. Dẫu sao, để hiểu cho tận thì cần đến triết học… phân tích. Còn nếu muốn xài gấp, đây là cái từ đinh: KHÁC BIỆT. Này nhé,

Có bạn Cham [B1] bị Chàm khác [A] tố cáo chó săn, bạn ấy nghe được và đi thẳng về nhà vị đó hỏi cho ra lẽ. Cũng anh hùng chớ bộ! Bạn Cham khác [B2] bị vị Chàm [A] ấy chơi hệt, tôi méc chủ yếu giúp chàng “tài liệu” tham khảo thì bị chàng đòi một hai cei Sara phải cho cháu biết ai đã ác khẩu thế. Tôi bảo miễn đi, không cần thiết, thì chàng đòi “từ”. Tôi kêu, tùy hỉ, chớ từ Sara là thiệt cho bạn thôi.

Diễn biến sự vụ sau đó ra sao không bàn, chỉ hay rằng: Cả hai phản ứng giống nhau ở quyết liệt. Tôi ngược lại, cũng vị ấy gán cho huy hiệu “chó săn”, tôi sapa!

Hòn bấc ném đi cần hòn chì ném lại mới toại lòng nhau – ông bà dạy mà tôi quên béng đi. Theo Nietzsche, lẽ ra tôi nên đôi co qua lại chút chút, chứ thái độ “sapa” bất cần thì có vẻ xem thường nhau quá, ghét là phải.

3. Đến vụ Cham: Ghur Raneh

Nêu lại để thấy rằng: Đất mồ mả ông bà bị xâm hại, bà con mỗi mùa tảo mộ là mỗi lần đau, đau và chửi, rồi ai về nhà nấy. Cánh trí thức, tôi nhắc mà chả có ma nào chịu làm. 12 năm đằng đẵng đi qua, tôi xắn tay áo vào cuộc, và nên cơm cháo.

Tôi làm Hồ sơ Ghur Raneh in ra 70 cuốn tặng khắp, còn bồi thêm: Chớ kể công Sara, tôi chỉ là người góp tiếng nói trí thức, còn chuyện thành là do bà con. Kể công thì cho là “tự khoe khoang”, chơi ngược lại thì bị kêu là “làm tàng”! Thế mới đời.

Phân tích. Ở đó,

– Tôi Ý THỨC việc làm của mình: Trí thức thì phải biết rõ mình làm gì;

– Tôi PHÂN TÍCH nguyên do, là công việc của kẻ thích triết học (“nghiên cứu mình”);

– Sau rốt tôi NÓI NÓ LÊN, là làm nhiệm vụ nhà văn.

Hệ quả:

Chuyện đáng ra là việc của họ, họ tránh né, tôi lượm làm và làm được: ghét-01.

Đây có thể cho là do GHEN TỊ từ hoạt động trí thức. Nếu ngưng ở đó đi thì đủ rồi, đằng này do tôi sở hữu thêm mấy tố chất [hay CỐ TẬT]:

Tố chất triết gia: ưa phân tích, mổ xẻ; tố chất nhà văn: thích kể chuyện; và tố chất thi sĩ: hứng lên là nổ, khiến cái ghét kia nhân đôi thành: ghét-02

Và rồi, mỗi bận đề cập vấn đề tương cận, tôi lặp lại như là bài học kinh nghiệm (tôi thí mạng cùi chịu mang tiếng “khoe” để cho Cham khôn hơn chút chút), và điều khó tránh là ghét nhân lên tam thừa: ghét-03.

4. Ở đây không có chuyện ĐẠO ĐỨC, như tốt-xấu, cao thượng-thấp hèn, hay dân tộc tính đậm-nhạt, mà thuộc phạm trù triết học. Nói khác đi, sự thể cần nhìn từ chiều kích KHÁC của triết học.

Tôi vừa là trí thức, vừa có khuynh hướng suy tư triết học đồng thời là nhà văn thêm máu thi sĩ, có lãnh đạn cũng chả oan sai! Như bổn phận của loài chó là sủa, còn nhiệm vụ của nhà văn là gì, nếu không phải: viết. Giọng văn tôi thêm món nghịch ngợm nữa.

Henri Miller: “Hãy viết với nụ cười, dù điều ta biết là kinh khủng hay bi thảm”

Tôi muốn được Chàm mình yêu không? Thèm lắm chớ. Vậy, hãy thất bại đi, được yêu thương mùi mẫn là cái chắc! Nhưng dại gì. Ông bà Cham nói:

‘Jag patruh uraang taka, gila patruh uraang anit’:

Dại thì hãy trót dại cho người thương, khôn cho ra khôn để người trọng [/ nhờ].

TAKA tiếng Cham có hai nghĩa: nhờ cậy, nể trọng. Tôi muốn được bà con Cham nể trọng và nhờ cậy, hơn là được thương yêu đầy cảm tính, tùy hứng và tùy tiện.

Cũng là một thứ khiêm tốn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *