Khi viết rằng, qua văn chương tôi hiểu tâm hồn dân tộc Cham; cũng qua văn chương cùng các buổi thuyết trình, tôi hiểu tâm hồn dân tộc Việt – có bạn bảo Sara có thể tóm lược hiểu kia cho mọi người biết không?
Chơi khó nhau vậy chứ!
Không thể tóm cái hiểu một con người hay một dân tộc nào đó trong vài mệnh đề, vài khái niệm với các cụm từ. Hiểu, hay cảm nhận ấy cần đến cái nhìn tổng thể, đặt trong hoàn cảnh sống hay môi trường văn hóa cụ thể. Rồi từ cảm nhận riêng tây đó, ta ứng phó trúng nhịp với sự biến trong hoàn cảnh sống hay môi trường văn hóa cụ thể.
Cho “người Việt thông minh, hiếu học, cần cù”, hay “Cham jhaak hatai, cơơk karơơk” thì không nói lên được gì cả, bởi đã không ít nhà quyết ngược lại với những bằng chứng thuyết phục không kém.
Thử xét người Việt và người Mexico di cư sang Hoa Kì. Cũng là dân nhập cư, nhìn cách bao quát, trong khi qua Mỹ chưa tới nửa thế kỉ, người Việt đã lập bao nhiêu thành tích sáng chói thuộc trí tuệ, thì dân Mexico đa phần bật nổi ở môn Boxing hạng siêu trung trở xuống.
Nguyên do có thể do cộng đồng Việt bị ném đột ngột vào một môi trường, hoàn cảnh quá đặc biệt đánh thức tinh thần quật khởi từ truyền thống của họ.
Dân Do Thái và Cham trước thế kỉ XVIII, cũng lưu vong, cũng là thứ tôn giáo khác người, cũng bị phân biệt đối xử khắp; trong khi Do Thái sản sinh vô số phát minh, sáng tạo góp vào nền văn minh nhân loại, thì Cham “tháng ngày qua vẫn sống trong đêm mờ” (thơ Chế Lan Viên).
Cham với nhau ở Việt Nam, cũng da sậm môi dày, vậy mà Cham Pangdurangga khác hẳn Cham Tây, thành tích học tập và đóng góp vào nghiên cứu văn hóa dân tộc non thế kỉ qua hai miền chệnh lệch hẳn.
Đây có thể từ nguyên do tôn giáo [?] – xin đừng hiểu lệch qua phân biệt đối xử.
Hoặc cũng là Việt da vàng mũi tẹt, xét bộ phận quần chúng, trong khi ngoài Bắc dân đạp nhau tranh nhận cân gạo ATM thì Sài Gòn vẫn trật tự xếp hàng. Đó có thể đổ lỗi cho tâm lí chạy đói triền miên thời trước rớt lại. Thế đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn lành lặn suốt 20 năm, trong khi tại thủ đô nó bị thiên hạ tranh nhau giẫm nát, thì sao? Có liên quan gì đến đói khát đâu!
Chắc chắn do sự tiếp nhận nền giáo dục, không có nguyên nhân nào khác.
Chuyện vui.
“Cham lihik [mất] đoàn kết” là lời cửa miệng của trí thức Cham thế hệ trước, tôi đưa ra bằng chứng ngược lại. Bạn học Tiểu học chúng tôi làm việc với nhau một lòng một dạ, suốt nửa thế kỉ qua không chút sứt mẻ. Bạn đồng môn thuở Pô-Klong gần trăm mạng, có mỗi bạn TLT và HF mất đoàn kết với tôi, còn lại thương và trọng ngài Inrasara rất mực!
“Cham jhaak hatai [đố kị]”, thiên hạ đồn thế. Thế Khanh Pham bỏ tiền tỉ ra “ikak bimông” cho người quê hương có nơi thờ phụng, vợ chồng Đàng Xuân Chiến Minh Hiền Thành, hay xa hơn anh Ysa Cosiem, Amu không ít lần hỗ trợ bà con hoạn nạn thì gọi là gì? Hoặc bản thân tôi sẵn sàng giúp bạn trẻ Cham có khả năng khi được yêu cầu, hay thi sĩ Kiều Maily không ít lần tổ chức Trung thu cho các cháu vùng sâu mà không cần ai hô to tên trên sân khấu, thì sao?
Vân vân người khác nữa, cùng bao nhiêu việc làm ‘anti-jhaak hatai’ khác.
Hiểu một con người, hay một dân tộc khó là vậy. Dẫu sao, hiểu ít còn hơn không.
Tại sao bạn không thử tìm hiểu đi?