Hành trình Cham-63. Phụ lục-1. VIỆT HIỂU CHAM NHƯ THẾ
Tút của Nguyễn Gia Việt mới đăng ngày 21-6-2020, có tên: “Duyên nợ lẩn thẩn giữa Việt cùng Chân Lạp/Khmer và Chiêm Thành/Champa xưa”. Ít nhất có 3 bạn link và đề nghị tôi có ý kiến. Bài viết dường chỉ “gom” lại nhiều ý của 2 nhà nghiên cứu trước đó, và không ghi nguồn tham khảo. Tôi tạm tóm làm 3 ý chính có vẻ quan trọng.
Đố vụi: Bạn Fb biết đâu là điểm sai? Và sai thế nào?
1. Ngày nay dân tộc Chàm trên toàn thế giới còn chừng 400.000 người, trong đó ở Việt Nam là 145.000 người, ở Cam Bốt có chừng 250.000 người, ở Thái Lan 15.000 người, ở Mã Lai có 10.000 người.
Con số 400.000 người này của Chàm cũng tương đương dân số của Luxembourg 439.539 người.
Trong số Chàm Việt Nam thì nhóm Chàm Ninh Thuận-Bình Thuận gọi là Chàm Campaduraga có khoảng 98.000 người. Con số này ngày càng ‘teo” chứ không thêm ra, là vì lớp trẻ Chàm có xu hướng đi học, đi làm xa và lấy người Việt.
2. Đọc lịch sử thấy Chàm hay Chân Lạp có cái “ý” khá giống nhau trong chiến tranh, họ thích cướp phá, giết hơn là chiếm đất cai trị.
Nói về cai trị thì Chàm không thể nào địch nổi học thuyết Nho giáo. Những dân tộc theo Ấn giáo không bằng Nho giáo về mặt “mưu chước”.
Dân tộc Việt đã mưu chước và có cách cai trị xa hơn dân tộc Chàm nên Chàm vong quốc là điều dễ hiểu.
3. Sau khi ông Duyệt chết ngày 28-8-1832 thì chỉ 3 năm sau, năm 1835 vua Minh Mạng xóa sổ vương quốc Chàm này. Chúng ta phải công nhận là vua Minh Mạng làm cú chót quá mạnh tay để đồng hóa dân tộc Chàm, dùng bạo lực, đàn áp trong máu và nước mắt.
Trong một tiểu luận tên “Minh Mệnh trừng phạt dân tộc Champa (1832-1833)” có chép lại rằng:
– Bắt giam, tịch thu tất cả tài sản, gông cùm tra tấn vô cùng dã man tất cả những quan lại Chàm trung thành với Lê Văn Duyệt.
– Ép buộc người Chàm phải bỏ trang phục truyền thống của họ để mặc đồng phục người Việt, tịch thâu tất cả những tài liệu viết bằng tiếng Chàm.
– Trừng phạt chức sắc Chàm bằng cách bắt buộc các vị tu sĩ Chàm Bani (Hồi giáo) phải ăn thịt heo, thịt giông và tu sĩ Chàm Bà La Môn phải ăn thịt bò.
– Cấm cúng bái theo tục Chàm.
– Ra chỉ dụ xóa bỏ hoàn toàn giai cấp trong xã hội Chàm, không còn đẳng cấp người dân, chức sắc tôn giáo, quan lại và vua chúa nữa.
– Xóa bỏ tất cả những chức vụ quan lại do chính quyền Chàm thời trước phong cho dân Chàm.
Vào năm Minh Mạng thứ 14 bắt người Chàm phải theo phong tục Việt Nam. Họ phải chọn lấy một trong những tên họ đọc theo ngôn ngữ Việt gồm: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Lựu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy, Từ, Tạ, Thiên, Ức, Vạn, Ưng, Lâm, Hải, Báo, Cây, Dương, Quảng, Qua, Trượng, Tưởng, Lư.
Đây là các họ vua Minh Mạng đặt cho người Chàm. Hệ quả là ngày nay người Chàm ở Bình Thuận, Ninh Thuận phần đông mang họ Việt.
Hành trình Cham-64. Phụ lục-2. CHAM Ở ĐÂU, CÒN BAO NHIÊU?
[Trả lời “đố vui ở “phụ lục-1”]
Dấn thân đa chiều trong nỗ lực giúp Việt & Cham thoát khỏi vô minh, hiểu nhau để sống lành & đẹp với nhau, tôi thử trích dẫn các ý kiến có vẻ thịnh hành nhất để ta cùng nhận diện & suy ngẫm.
Tút của Nguyễn Gia Việt ở “phụ lục-1” là một.
Nhớ, đó không phải bài của tôi [như vài bạn FB đã nhầm lẫn], càng không là ý kiến của riêng bạn ấy (tiếc là bạn không dẫn chứng cụ thể), mà là các ý của nhiều nhà khác bạn diễn lại. Tóm:
[1] Trong chiến tranh, Cham thích cướp phá, giết hơn là chiếm đất cai trị. Khác Việt ở chỗ đó. Khác này xuất phát từ văn hóa: Dân tộc theo Nho giáo nhiều mưu lắm chước hơn các dân tộc theo Ấn giáo. Cham thua Việt là đương nhiên.
[2] Ở giai đoạn cuối cùng, Minh Mạng quyết đồng hóa Cham bằng nhiều cách khác nhau, rất triệt để.
[3] “Ngày nay dân tộc Chàm trên toàn thế giới còn chừng 400.000 người, trong đó ở Việt Nam là 145.000 người. Trong số Chàm Việt Nam thì nhóm Chàm Ninh Thuận-Bình Thuận khoảng 98.000 người. Con số này ngày càng ‘teo” chứ không thêm ra, là vì lớp trẻ Chàm có xu hướng đi học, đi làm xa và lấy người Việt.”
Ý [1]&[2] đa phần đúng dẫu có các chênh vênh, và tôi đã bàn suốt mươi năm qua với minh chứng cụ thể. Riêng ý [3] không biết bạn lấy từ đâu, có mấy điểm mù cần làm rõ:
– “Ngày nay” là thời điểm nào? – chẳng rõ ràng.
– Cham trên thế giới là đâu? – con số đưa ra không ổn.
– Cham Việt Nam có bao gồm Cham Hroi, và…? (xem phụ lục bên dưới).
– Cham Ninh Thuận, số liệu từ đâu ra? (Báo cáo tổng kết của Ban Dân tộc Tỉnh, 28-8-2015 là 75.115 người)
– Cuối cùng, bạn kết “Con số này ngày càng ‘teo’ chứ không thêm ra, vì lớp trẻ Chàm có xu hướng đi học, đi làm xa và lấy người Việt.”
Một số ít “đi làm xa lấy người Việt” thì có, nhưng TEO – tuyệt không.
Ý này tôi đã diễn rất rõ trong bài nghiên cứu dài: “Cham Pangdurangga, ngang bướng, kiêu hãnh & đau khổ”, 2012 đăng nhiều nơi. Trích:
Cham quan niệm về đất rất khác: “Dar thōk padōk kiak: Chôn nhau, đặt viên gạch”. Thân phàm gắn với đất chưa đủ, cần hơn chính là yếu tố tâm linh, đất mới thành đất CỦA mình;
Cham có tôn giáo Ahiêr Awal cực kì bảo thủ;
Và “sức mạnh nội tại của văn hóa Cham” khiến Cham, dù sống xen cư và cộng cư với người Việt hơn hai thế kỉ, vẫn không bị đồng hóa.
Thế nên, có tan nát và ĐAU KHỔ (lịch sử và cuộc sống) tới đâu, chính lòng KIÊU HÃNH [về văn hóa văn minh], cùng tính NGANG BƯỚNG (bảo thủ) mà người Pangdurangga đã…
Thời Champa, khi bị áp chế, nhiều lần dũng mãnh kháng cự lại triều đình Trung ương;
Vương quốc đổ vỡ, Pangdurangga thâu nhận tàn dân Cham từ các nơi về, họp quần, sinh con đẻ cháu. Từ đó bảo tồn bản sắc, và tiếp tục học, làm và chơi;
Cuối cùng, có đi tận đâu họ luôn nhớ về nguồn cội.
Bảo thủ, chớ gì là chuyện đùa!
______
P.S. [trích từ CHAM TOÀN CẢNH, đã xong 2015, chưa in]
VIỆT NAM
Số liệu thống kê đầu tiên về cư dân Cham giai đoạn vương quốc Champa tan rã được biết đến là vào năm 1810. Đại Nam nhất thống chí cho biết dân số Cham ở Phú Yên 7.651 người, Khánh Hòa 5.000 người, còn Ninh Thuận và Bình Thuận là 9.200 người.
Đến 1891, E. Aymonier đoán Cham có 30.000 người.
Thống kê của Annuaire Général de L’Indochine 1907-1908, Cham Phan Rang 6.000, Bình Thuận 9.000 = 15.000 người.
Năm 1910 và 1913, Tòa Khâm sứ Pháp ở Huế và Pnong Pênh đưa ra số liệu Cham miền Trung 15.389 người. Có lẽ con số này chỉ giới hạn ở hai tỉnh trên.
Phan Quốc Anh trong Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr (2006) cho hay vào năm 1969, Ninh Thuận và Bình Thuận có 33.600 người Cham; đến năm 1975 là: 40.000 người. 1989.
Nguyễn Việt Cường qua bài “Đặc điểm dân số người Cham tỉnh Thuận Hải”, trong công trình tập hợp nhiều bài viết: Người Chăm ở Thuận Hải (1989): Bình Định 2.500, Phú Yên 7.500, Ninh Thuận và Bình Thuận 50.000, An Giang 10.000, TP Hồ Chí Minh 6.000; tất cả là 90.000 người.
Ấn phẩm Những ngày Văn hóa Dân tộc do Bộ Văn hóa Thông tin xuất bản in 2004 đưa ra con số: Bình Định 4.800 người, Phú Yên 17.835, Ninh Thuận 60.340, Bình Thuận 31.599, Đồng Nai 2.628, Bình Phước 357, Tây Ninh 2.900, An Giang 13.000, TP Hồ Chí Minh 5.173; tổng cộng: 138.632 người.
Thống kê ngày 1-4-1999: Ninh Thuận 61.000 người, Bình Thuận 29.312, An Giang 30.000, Bình Định & Phú Yên 20.000, Đồng Nai 3.000, Tây Ninh 3.000, Bình Phước và Bình Dương 1.000 và TP Hồ Chí Minh 5.000; tổng số là 152.312 người.
Năm 2002, Báo cáo của Ủy ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Ninh Thuận, riêng ở tỉnh Ninh Thuận Cham có 61.359 người. Năm 2008, Đổng Văn Dinh, cán bộ Dân vận Tỉnh ủy cho biết Cham ở Ninh Thuận có 67.649 người (chiếm gần 12% dân số của Tỉnh).
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Cham ở Việt Nam có dân số 161.729 người, cư trú tại 56 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Ninh Thuận: 67.274 người, chiếm 41,6% tổng số người Cham tại Việt Nam, Bình Thuận: 34.690 người, Bình Định: 5.336 người, Phú Yên: 19.945 người, An Giang: 14.209 người, thành phố Hồ Chí Minh: 7.819 người, Đồng Nai: 3.887 người, Tây Ninh: 3.250 người.
Thống kê tháng 3-2012, người Cham ở Ninh Thuận có 72.500 người. Còn số liệu mới nhất, theo “Báo cáo tổng kết 10 năm của Ban Dân tộc Tỉnh Ninh Thuận, năm 28-8-2015: 75.115 người.
“Dân số toàn tỉnh là 580.000 người, các dân tộc thiểu số gần 150.000 người; trong đó, dân tộc Cham ở Ninh Thuận có số dân 74.614 người, cư trú ở 35 thôn, khu phố/13 xã, thị trấn (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 01 xã; huyện Ninh Phước 07 xã, thị trấn; huyện Ninh Sơn 01 xã; huyện Thuận Nam 02 xã; huyện Thuận Bắc 01 xã; huyện Ninh Hải 01 xã); có 35/35 thôn-khu phố phát động xây dựng văn hóa; có 25/35 thôn-khu phố được công nhận thôn-khu phố văn hóa”.
THẾ GIỚI
Số dân Cham ở Cambodia luôn gấp đôi Việt Nam.
Cham tại khu Ban Khrua, Bangkok, khoảng 5.000 người.
Ngay này, Cham tại Hải Nam khoảng 6.000 người (Keng-Fong Pang, 1988: 55, 1996: 183-207; J. Thoraval, 1999: 49).
Cham Malaysia, Philippines, Đài Loan…
Cham ở Âu Mỹ sau 1975 nữa.