Tối qua, 13-7-2020 vừa về đến nhà, tôi đã nhận “Biên bản họp” ở Tỉnh vào sáng ngày 12-7 để giải tỏa “sự cố”. Phiên họp gồm nhiều thành phần, ở đó Pô Adhya Đổng Bạ trụ trì tháp Pô Klong Girai có tiếng nói quyết định. Có 3 điểm cần giải thích thêm (trích nguyên văn):
[1] Nguyên do dẫn đến hiểu lầm đáng tiếc:
“…sự kiện vừa qua, HĐCS Chăm Bà-la-môn KHÔNG ĐƯỢC THÔNG BÁO (tôi nhấn mạnh), do vậy có nhiều thành viên HĐCS trả lời chưa chính xác”. Sự “chưa chính xác” này được thể hiện qua báo chí:
Báo Tuổi trẻ 11-7: Thành Nhảy, Phó BQL: “từ chỗ tiệc tùng đến “chân đồi Trầu” xa “gần 1km”, “không ảnh hưởng đến tâm linh Chăm”.
Báo Văn hóa 13-7 còn đẩy sự việc đi xa hơn: “Cách xa khu vực tháp cổ hơn 1km”! và “ông Hồ Sĩ Sơn, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận khẳng định “những thông tin [của dư luận Cham] đã ảnh hưởng đến ngành Du lịch và khiến người đọc hiểu không đúng về “Đêm hội tháp cổ”. “Chúng tôi đang tiến hành xác minh các thông tin trên và sẽ có văn bản gửi đến Sở TT&TT tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan để làm rõ”
[2] Và phiên họp đã “làm rõ” như sau:
“Trong sự kiện vừa qua, báo chí phản ánh cho thấy việc tổ chức ăn uống trong khuôn viên tháp đã tạo ra DƯ LUẬN KHÔNG TỐT (tôi nhấn), là sự việc ĐÁNG TIẾC (tôi nhấn), dù tổ chức ở xa tháp chính nhưng vẫn nằm trong khuôn viên di tích, nơi tín ngưỡng, tâm linh”
Chuyện “làm rõ” này đúng với phản ánh của cộng đồng mạng Cham:
– “ăn uống trong khuôn viên tháp”,
– “tổ chức ở xa tháp chính” [khoảng 400m],
– và ảnh hưởng đến “tín ngưỡng, tâm linh” của dân tộc Cham.
Như vậy dù sự cố gây ra bức xúc dây chuyền, các phản ứng của Cham là đúng, với ngôn từ chấp nhận được. Riêng việc Nguyễn Ngọc Quỳnh gạch chéo ảnh chân dung Trưởng BQL Nguyễn Văn Linh đưa lên FB là rất không nên.
[3] Biên bản kết luận.
“- Khu vực từ cống soát vé vào trong khuôn viên di tích là khu vực tâm linh, không nên tổ chức cuộc ăn uống linh đình;
– Ban QLDT NGHIÊM TÚC RÚT KINH NGHIỆM (tôi nhấn), và sẽ phối hợp chặt chẽ với HĐCS Chăm Bà-la-môn trong các hoạt động trong thời gian tới…”
Kết thúc như vậy là đẹp!
Ý kiến của Inrasara. Ở tút “Hành trình Cham-36”, tôi viết:
“Sau 1975, có thể phân Cham làm 4 nhóm: Quá khích muốn lên núi “làm nước” và phần theo chính quyền nịnh bợ, hai bộ phận này chiếm số lượng nhỏ; phần lớn cả ngày lo kiếm sống, còn lại là e dè, nhất là cánh chức sắc ‘Halau janưng’. Tuyệt không có một tiếng nói phản biện.”
Non nửa thế kỉ đi qua, cộng đồng Cham có các thay đổi rất căn bản:
– Phần kiếm sống vẫn lo kiếm sống;
– Giới chức sắc ‘Halau janưng’ ít e dè hơn;
– Bộ phận làm việc trong các cơ quan Nhà nước ít nịnh bợ hơn rất nhiều;
– Và nhất là cộng đồng Cham không còn thành phần “quá khích muốn lên núi “làm nước” nữa. Thay vào đó, ANH CHỊ EM ĐÃ BIẾT PHẢN BIỆN – đó là ơn phước lớn.
Sự phản biện này giúp cho chính quyền và Cham hiểu nhau, để có thể sống chung đầy HIỂU BIẾT & HÒA BÌNH.
Sau cùng tôi xin nhắn gửi đến anh chị em Cham đang công tác trong cơ quan Nhà nước ở bộ phận văn hóa: Cần nắm vững văn hóa dân tộc mình, giải minh cho các sếp hiểu; còn nếu không thể thuyết phục các sếp ấy, nên cho bà con biết để khỏi bị phiền trách, nặng hơn – bị cho là nịnh bợ.
Đwa apakaal các bạn: Đồng Chuông Tử, Wa Praong, Kiều Maily, Jaya Thiên, Nguyễn Ngpcj Quỳnh, Xuân Bào và tất cả!
Thuk siam ka khol ita!