Hành trình Cham-30. ĐÓN NHẬN, TẠ ƠN & TRẢ LẠI-3

Chuyện vui. Đăng tút “Đón nhận, tạ ơn & trả lại-1”, một bạn văn Việt chat: Anh Sara có tầm bao quát, công tâm và đáo để. Ghét nhất anh là tự khen mình…

Tôi đùa: – Có thế đâu! Ngoài tự khen, tôi còn tạ ơn tôi nữa chứ. Tang chứng nè:

… Và, dẫu không là cái đinh gì cả

Tôi vẫn cần thiết có mặt

Vậy nhé – tôi xin tạ ơn tôi.

(Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)

1. Khối bạn trẻ do nóng lòng thể hiện, ham hố nổi tiếng sớm, chưa chín tới đã vội xuất hiện. Tôi chơi kiểu khác.

Vương Tâm: “Inrasara là hiện tượng thơ bất ngờ. Làm thơ từ tuổi niên thiếu mà mãi 25 năm sau mới đưa in, quả là bản lĩnh của một nghệ sĩ Cham đến kỳ lạ.”

Đám cây non vươn vội lên khoảng xanh

Mà rễ chưa được cắm sâu vào đất

Chỉ cần cơn bão rớt

Cũng đủ làm chúng run bấn lên…

Inrasara (Tháp nắng, 1996):

2. Làm thơ hay nghiên cứu cũng hệt…

Do lười, thèm ăn mà không muốn làm, có kẻ đánh cắp nguyên bài/ đoạn trong sách tôi, đưa lên FB không ghi nguồn. Có bạn xào ý tưởng và câu văn tôi chả có một ghi chú nhỏ. Có vị ăn cắp 70-100% từ tác phẩm tôi rồi đánh trống lãng.

Thế còn may! Không “nhớ” Đất, không nói một tiếng cảm ơn Đất đã đành, họ còn quay lại phê phán Đất, như thể đã bay rồi muốn phủi tay. Là điều chí nguy!

Tôi thì khác…

Trích Văn học Cham khái luận (1994): 

“Viết công trình này, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ về mặt tư liệu của các nhà nghiên cứu và bè bạn, trong đó có vài vị quá cố”. Tôi kể tên tuổi 20 vị, sau đó là 3 vị đọc góp ý, và một nhà viết giới thiệu.

Văn học dân gian Cham (1995), sau khi cảm ơn 11 người cung cấp tư liệu, tôi kết nguyên văn:

“… có thể nói đây là một công trình của cả tập thể, chúng tôi chỉ là người phụ trách chấp bút. Tuy vậy, bởi tính đặc thù của lịch sử dân tộc Cham, còn rất nhiều tư liệu quý khác chưa được sưu tập. Hi vọng khi tập sách này ra đời, chúng tôi sẽ nhận được những đóng góp xây dựng từ các bậc thức giả ở mọi miền đất nước để văn học Cham được hiện thể trong một bộ mặt mới phong phú và hoàn chỉnh hơn.”

3. Nghĩa là khiêm tốn rất mực. Ta biết ta đứng ở đâu, lớn lên từ đâu, và ta tạ ơn.

Sau khi tác phẩm ra đời, tôi mang sách

[có khi cả quà]

đến tận nhà tặng ân nhân. Không chỉ hai cuốn kia, mà cả nhiều tác phẩm sau đó.

“Tạ ơn làm cho ta lớn lên” (thơ Inrasara).

Qua đó, ta được đời trả lại ta cả vỗn lẫn lãi. Để còn tiếp tục làm cuộc hành trình…

F.B. Lafont: “Giải thưởng này muốn gây sự chú ý đến một công trình có giá trị lớn về mặt khoa học, cũng như khích lệ Inrasara trên con đường nghiên cứu văn học Champa.”

Bùi Khánh Thế: “Chỉ riêng lĩnh vực văn học, Inrasara đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lớn… Bộ sách Văn học Chăm là công trình đầy đủ và có hệ thống về di sản văn học của dân tộc này mà trước đó chưa từng có.”

Nguyễn Tấn Đắc: “Tôi tin rằng Văn học Chăm sẽ được đón nhận như một tin vui lớn, không những trong cộng đồng người Chăm, trong các tộc người trên đất nước Việt Nam, mà cả trong giới chuyên môn trên thế giới.”

Chu Xuân Diên: “Dù tác giả muốn coi đây là một đóng góp khiêm tốn. Trong tinh hình sưu tầm và nghiên cứu văn học Chăm hiện nay, chúng tôi muốn đánh giá cao những đóng góp khiêm tốn này của tác giả.”

Nguyên Ngọc: “Inrasara công phu và kiên trì xoi một lối đi khác: văn học Chăm, từ văn học dân gian đến văn học viết Champa, từ cổ đến cận đại và hiện đại, và đến nay đã phơi lộ được một kho tàng khổng lồ hết sức quý. Kho tàng ấy lại được soi rọi trong phân tích và giải mã dưới ánh sáng của những lý thuyết hiện đại và cả hậu hiện đại mà anh luôn tự trang bị cập nhật cho mình”.

________

P.S.

Trích PHẦN DẪN NHẬP

Viết cuốn Văn học Cham Khái luận, chúng tôi không có tham vọng làm một văn học sử Cham. Việc này người viết không làm nổi, và có lẽ chưa ai làm nổi, trong lúc này. Dẫu sao, công trình mở đường này không chỉ là một bản lược đồ tóm tắt các văn phẩm với những nhận định khái quát về giá trị nội dung hay nghệ thuật của nó, mà còn muốn đưa dẫn người đọc đi vào sinh hoạt tinh thần của dân tộc Cham qua nhiều thế kỉ văn học.

Vì đối tượng phục vụ là đông đảo công chúng nên lối viết và cách trình bày không giống như một cuốn sách giáo khoa hay một công trình thuần túy khoa học. Dù sao, người viết cũng cố gắng lựa chọn các tư liệu quan yếu và thích hợp mà bản thân đã dày công sưu tập trong nhiều năm qua.

… Là một khảo luận mang tính đại cương, nên độc giả cũng không tìm thấy trong sách này những tri thức uyên bác. Mặt khác, thiếu thốn của nguồn tư liệu (người viết không tin rằng mình đang có trong tay tới một nửa sáng tác văn học dân tộc) cộng thêm các trở ngại của dị bản (có cả mươi dị bản trên mỗi tác phẩm) buộc người viết phải có sự chọn lựa. Và khi có sự chọn lựa thì tất nhiên không thể tránh khỏi chủ quan. Càng chủ quan hơn nữa là thái độ nhận định của người viết chỉ dựa trên nguồn tư liệu thiếu thốn đó.

Có thể coi đây là công trình đầu tiên mang tính khai phá, với hi vọng cống hiến cho độc giả một bức tranh toàn cảnh về một nền văn học quý giá đang có nguy cơ bị thất truyền, trầm một. Đó là một tham vọng táo bạo và vượt quá khả năng, chắc chắn thế. Nên, khi tác phẩm này ra đời, người viết rất mong nhận được những góp ý thiết thực và chân thành nhất của các độc giả nhìn xa thấy rộng, hầu lần tái bản, cuốn tác phẩmnày ngày càng phong phú và bớt sai sót hơn.

Người viết chân thành cảm ơn trước.

TPHCM, ngày 12-12-1992

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *