Hành trình Cham-27. CẢI CÁCH TÔN GIÁO BẰNG… TÌNH CẢM

[hay: Từ Khoa học sang Tình cảm đến Tâm linh]

1.

Năm 2009, đăng bài “Thống nhất Lịch Cham bằng tình cảm” trên inrasara.com, tôi bị một nhà nghiên cứu mượn lời một nhân sĩ chưởi: Sara dốt Xakawi mà kêu mình thống nhất. Chưởi, và đăng trên một tạp chí nghiên cứu hẳn hoi. Tệ thế!

Trong khi tôi kể câu chuyện thật trăm phần diễn ra ở Chakleng 1990(1).

Nhà nghiên cứu, nhà khoa học, hay trí thức ưa mang ảo tưởng hơi… trật. Rằng mình dễ dàng thay đổi đầu óc chính trị gia hay nhà lãnh đạo tôn giáo. Có thế đâu.

Bên trời kia, Mao nhạo trí thức là cục phân. Ở Cham nhẹ hơn chút chút. “Mấy ông giỏi thì mặc áo vào mà làm đi” – đã có một vị chức sắc kêu thế. Làm gì nhau nào?!

Vậy, không cách nào hơn cần học “đi bằng bước chân bồ câu” đầy khiêm tốn, mới mong nên chuyện.

2.

Đầu mùa đại dịch, tôi cho rằng Covid-19 ít ảnh hưởng đến cánh nhà văn. Đúng, giãn cách thì tôi đóng cửa viết “Inrasara, Tự truyện”. Nhưng ngoảnh lại, nó ngăn trở tôi hai vụ hơi lớn.

Hội thảo văn học bản địa tại Nhật tháng 9-2020 qui tụ trăm đại biểu từ hơn chục nước, ở đó tôi là một trong hai tác giả được chọn đọc tác phẩm và giao lưu. Nó bị đình. Tôi mất luôn cơ hội đọc thơ tầm… quốc tế.

Và chuyến gặp gỡ dài ngày với ‘Halau janưng’ Cham trên bốn vùng chiến thuật.

Kế hoạch đâu vào đấy, các vị cũng đã gật. Dự trù cuối tháng 6 là kết hồ sơ. Ai dè, người tính Covid-19 định. Vừa đến gặp Adhya Hán Đô thì bị bà con kêu: Cei Sara thôi đi, Pô Rômê có thể thương tình mà tha cho, chớ cô nàng Covid thì đừng hòng.

Vậy là thôi. Đến tận hôm nay.

3.

Tam tạng Tôn giáo Ahiêr Awal: Kinh ‘Agal’, luận ‘Xakarai’, luật ‘Adat’.

Luận, “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal” đã xong từ cuối năm 2017. Kinh, sau hai năm miệt mài, cũng tạm ổn. LUẬT mới gay. Cham theo Chủ nghĩa Tùy tiện, tôi từng đùa thế, các vị chức sắc cũng không khác.

Quy ước vừa kí còn bị làm sai lệch, nói chi mấy phân tích khoa học sách vở của cu cậu nhà ta. Tại sao?

HIỂU tôn giáo thế nào là chuyện của CHỨC SẮC và TÍN ĐỒ, chứ không phải của chính quyền hay nhà khoa học. Bạn chỉ có thể tác động vào sự hiểu kia, qua đó hi vọng họ thay đổi, chứ không buộc họ hiểu theo bạn.

Xưa, giỏi cỡ cụ Thiên Sanh Cảnh, người từng đứng lớp dạy ‘Halau janưng’, uy tín bao trùm cũng bị chính các vị làm cho te tua, huống chi vài sinh linh làm “khoa học” chưa đâu vào đâu. KO là cái chắc(2).

4.

Học bài học kinh nghiệm người đi trước, dù có “giỏi như cei Sara” tôi cũng phải tìm cách làm khác. Nguyên tắc của tôi:

– Tuyệt đối không chê bai, phê phán ‘Halau janưng’ bất kì;

– Không tranh hơn thua, đúng sai với các vị, càng không chiếm lãnh địa này để thể hiện ta đây;

– Nhập cuộc đầy yêu thương;

– Không dùng lí lẽ [dù tôi có thừa], mà là TÌNH CẢM.

____

(1) Trích Hàng mã Kí ức, 2011:

“… Mãi mùa hè 1990, một hội nhí là Hội Bảo thọ Chakleng do Châu Văn Mỗ làm Hội trưởng, Quảng Đại Hồng thủ ghế phó, tôi mới ba mươi tuổi đầu được tín nhiệm dồn phiếu chức thư kí, xắn tay áo vào cuộc. Vừa thoát khỏi thời ba khoán gay cấn, Hội quyết nhóm họp các chức sắc Cam Ahier Chăm Bà-la-môn cả khu vực về bàn thống nhất Xakawi. Đó là việc làm to con và to gan.

Tại đó, tôi tuyên: Tôi dốt Xakawi, ông Mỗ không biết Xakawi, có mỗi thầy Hồng biết sơ sơ, thế nên chúng tôi mới mời các vị ‘Halau janưng’ và nhân sĩ giỏi về bàn thống nhất…

Và rồi, anh em bà con hả lòng hả dạ, chỉ qua hơn giờ đồng hồ tâm tình. Lưu ý, tâm tình chứ không là bàn cãi, thảo luận đầy tính khoa học.”

(2) Tối qua, ông thầy phone dài cho tôi, kêu tiến sĩ VNS phê tôi về vụ tôn giáo Cham. Và khuyên tôi dù Sara từ chối tranh luận, nhưng cần giải minh cho bà con hiểu. Tôi nói:

– Không việc gì đâu, thầy à. Cãi đúng sai với trí thức dạng này bao giờ cho xong, dành thời gian làm chuyện mình thôi. Tôn giáo không phải hiểu kiểu duy ý chí của người làm khoa học, mà thuộc ‘Halau janưng’ và Tín đồ. Chưa ĐI SÂU VÀO LÒNG CHAM thì chớ hòng. Vậy thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *