Mùa Thu 2019, tại Hà Nội, một bạn hỏi cắc cớ thế. Nguyên văn:
– Lối nhìn sắc sảo và thiện chí về nhiều bình diện xã hội của anh được các bạn trẻ ủng hộ, và theo em biết, có không ít trí thức chấp nhận, thậm chí phần nào đó – quốc tế, tại sao anh không thử nói lên bộ phận lãnh đạo ở cấp cao nhất?
Câu hỏi của bạn trẻ làm tôi khựng lại giây lát. Ừ, tại sao nhỉ? Nhưng không.
Năm 1999, nhận giấy mời hiệp thương làm lớn, tôi ướm thử ý kiến vài trí thức Cham đáng tin cậy, họ ủng tối đa. Riêng tôi: Không. Lúc đầu còn ngần ngừ, sau tôi thấy mình không sai.
Phát biểu của Chủ tịch nước về Tọa đàm khoa học “Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế” do Viện PLD trực thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức, quy tụ nhiều học giả, chuyên gia, tướng lĩnh quân đội cùng các cựu đại sứ, càng khẳng định tôi đúng.
Các trí thức từng hết mình vì Đảng đã thế, huống hồ cái ông Inrasara vu vơ nào đó.
Câu nói nổi tiếng được cho là của Hoà Thân: “Trung thần rồi cũng sẽ bị giết, gian thần thì càng bị, duy nịnh thần sống lâu nhất!” Giữa trung thần và vua, tiếng nói trí thức đưa lên bị khúc xạ – bởi nịnh thần. Mà đám nịnh thần mang danh ‘trí thức’ dưới thể chế độc đảng càng gian manh tợn.
Chứng cứ nè…
Ở Hội Nhà văn Việt Nam, thời gian ngắn sắm vai Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi đã bày nhiều trò thú vị [như tiêu chí xét kết nạp hội viên, cách tổ chức hội thảo, Bàn tròn Văn chương, vân vân] được khối nhà văn và bạn đọc ủng. Thế rồi ở đó tôi trải nghiệm bốn bài học nhớ đời…
Xét kết nạp, khi thấy mình bị chạy túi bụi, tôi méc ngay tiêu cực ấy với ngài Chủ tịch [dĩ nhiên giấu tên đối tượng;
Festival thơ Châu Á-TBD 2015, 152 đại biểu nước ngoài dự thì có đến phân nửa không phải nhà thơ, 1/3 số còn lại là thơ câu lạc bộ và người viết làng nhàng, ở đó chưa tới 15% là nhà thơ khá tại nước họ. Vậy mà ta mời họ đến festival ăn ở sang trọng tốn bao nhiêu là tiền dân. Chuyện này tôi viết 2 trang to đùng: “Không đương đại, không người trẻ”, Tiền Phong chủ nhật, 8-3-2015.
Thêm cái vụ nhà thơ thành viên Hội đồng lại mang tác phẩm mình dự Giải thưởng thường niên của Hội. Buồn hơn cả là, khi bảy thành viên khuyên đằng ấy rút không đặng, đã dồn cả phiếu cho, khiến ông ‘phó’ Sara thành bơ vơ không nơi nương tựa với một phiến chống!
Sau cùng sự vụ tập thơ được 2/9 phiếu ở hội đồng chuyên môn lại vượt mặt hai tập 7-8 phiếu, để ôm giải. Tôi phơi bày sự cố trên RFA và rên khá to tiếng ở tạp chí Tia Sáng (8-7-2015): “Còn ai tin vào nhà văn Việt Nam nữa không?”
Tôi không tin họ, hay họ không tin tôi?
Ở cấp cao tại một chi lưu nhí của trung ương mà đã thế, huống hồ. Thế nên, chớ ngủ mơ tiếng nói mình leo đến tận tổ chức chính trị cấp cao nhất. Biết thân biết phận, là trí thức – tôi chỉ có ước mơ bé nhỏ: Suy nghĩ mình được bạn FB đón nhận, chia sẻ cũng đủ vui rồi.