Tôi hiếm khi bàn về thực tiễn chính trị, không phải né tránh, mà bởi không rành. Dẫu sao với tư cách trí thức, tôi vẫn góp lời, trước mấy sự kiên hay vấn đề cộm. Về Cham là, “Thông điệp ba giai đoạn lịch sử”, “Biết, để giải sân hận”; về chung: “Việt Nam – giàu, đẹp và… tanh bành”, “Ninh Thuận thực sự cần gì?”, “Nếu…”, “Ba điều ở Việt Nam tôi không hiểu nổi”, “Tôi, Blogger Điếu Cày và Chu Hảo”.
Ở đây “Nghĩ từ Formosa” là một. Tít mới “Chính trị, từ vô mình Việt đến vô minh Cham” được đăng làm hai kì. Mời bà con, anh chị em theo dõi.
1. Tham, si & đổ vỡ
Mọi rắc rối đời người đều khởi đầu từ THAM. Tham tối mắt tối mũi thành SI. Si nên làm bừa nói bậy, từ đó dẫn tới đỗ vỡ và đau khổ.
Tôi có bạn học cũ chơi hụi đổ nợ. Chị bảo do tin người mới ra nông nỗi, tôi nói: không phải, do bạn tham. Tham, thấy lợi nhiều, nhanh, dễ thì nhào vô. Được vài kèo, sau đổ nợ là khó tránh.
Mươi năm trước, thằng em bạn học rủ tôi nhập cuộc bán hàng đa cấp.
– Sau ba tháng, anh em mình chả phải làm gì, chỉ biết đi xe bốn bánh du lịch thôi.
– Muốn chơi bốn bánh, anh đã chơi lâu rồi, – tôi đùa hắn.
Chưa đầy hai tháng, hắn suýt lên xe bốn bánh du ngoạn nhà đá. Nguyên tắc của tôi: Chỗ nào kiếm tiền dễ thì chớ ham.
Formosa, Nhà nước ta nghĩ dễ xơi, nên dính đòn. Tham lớn, thành si lớn: không tìm hiểu kĩ đối tượng hoặc biết mà cứ nhắm mắt, chấp nhận bừa. Còn bộ phận trách nhiệm trực tiếp [có lẽ được lót tay] là do tham nhỏ, kí vội cái hợp đồng, thay đổi chi tiết hợp đồng. Hậu quả đổ lên đầu dân.
Chuyện đổ bể, các cá nhân do tham ghế, hay do được chạy chọt thành si nên phát ngôn bừa, và làm bừa. Lớn thì tắm biển nhiễm độc, ăn cá bẩn lừa dân, nhỏ thì động thủ đàn áp người biểu tình, mà không lường trước việc gì xảy đến với mình. Hậu quả: bị nhân dân khinh bỉ, nguy cơ mất chức mồn một.
Tới vụ bồi thường 500 triệu đô, thấy lớn nên ham, thành si quên hai thứ thiệt hại to hơn, lâu dài hơn: tài nguyên, và môi sinh biển. Rồi, chuyện tưởng đã xong, lại kéo thêm mấy rắc rối mới, có khi còn to hơn trước nhiều.
Mọi rắc rối đời người đều do lòng THAM mà ra cả.
2. Si, sân [hận] & chuyện hòa giải
Chúng ta đã từng SI, bốn lần si…
Lịch sử Việt Nam hiện đại không sản sinh được một bậc chí nhân chí thánh như Gandhi, để có thể đánh đuổi thực dân Pháp mà không phải hao tốn xương máu.
Việt Nam không là dân tộc có trí tuệ và tâm hồn cao viễn như người Đức, để có thể đưa đất nước nhập một mà không phải đổ máu. Bởi “Ta đánh Mỹ là đánh cho cả Liên Xô, Trung Quốc”; trong khi Đức nhìn thấy sự sụp đổ dây chuyền của hệ thống XHCN từ trước đó, họ sẵn sàng đến với nhau trong tình anh em, thương yêu trìu mến.
Giết nhau, ta gây cho nhau cả núi SÂN [hận].
Thống nhất đất nước, thay vì làm hòa nhanh như Đức, hay như Hoa Kì hậu nội chiến, ta thì bỏ tù nhau [tôi từng viết: “riêng tù hòa bình, chắc chắn Việt Nam là vô địch”], đẩy nhau đi kinh tế mới chết sốt rét, xua đuổi người cùng máu mủ vượt biển bỏ mạng ngoài khơi.
Căm thù chồng chất căm thù.
Đất nước mở cửa, không làm như De Gaule – dù được xem là vĩ nhân số một của Pháp –ông vẫn rời ghế sau khi cử tri Pháp bác bỏ trưng cầu ý dân về cải cách thượng viện, còn ta thì quyết “bám trụ”, và thẳng tay đàn áp tiếng nói phản biện.
[Tham khảo B. Obama: “Tôi bị chỉ trích hàng ngày, rất nhiều nhà báo, trí thức Mỹ viết vô số bài báo phê phán chính sách của chúng tôi hàng ngày, nhờ đó mà nước Mỹ lớn mạnh”]
Formosa và những gì diễn ra xung quanh là hậu quả nhỡn tiền.
Thì làm sao mong hóa giải được bao nỗi SÂN [hận] kia?!
Rồi, nếu mai sau phe dân chủ thắng thế, ta có phải hành xử như “bên thắng cuộc” đã từng làm suốt nửa thế kỉ qua không? Ta có sẵn sàng GIẢI SÂN HẬN?
Tôi từng quảng bá Tinh thần GIẢI SÂN HẬN ra bên ngoài, khi dịch và công bố thi phẩm Ariya Glơng Anak – trong Trường Ca Cham, Văn Học Cham Khái Luận, cả ở tiểu thuyết Hàng Mã Kí Ức, và mới nhất, trong Minh Triết Cham.
Thi phẩm ngắn, vỏn vẹn 116 cặp lục bát ‘ariya’ Cham, vậy mà thông điệp của lời thơ kia đã cứu vớt Cham qua cơn khủng hoảng trầm trọng nhất của lịch sử dân tộc.
Việt Nam có cần biết, để tham khảo?
3. Vô minh dẫn Việt Nam về đâu?
Ở khởi điểm, tham dẫn đến vô minh, để rồi tiếp diễn suốt quá trình Formosa vận hành. Đến khi chuyện đổ vỡ, ta tiếp tục lặp lại nỗi vô minh.
Vô minh, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân: “thông báo nguyên nhân cá chết hàng loạt ở biển miền Trung là do thủy triều đỏ, không phải Formosa” (báo Giao Thông). Vô minh, Thứ trưởng Phạm Công Tạc: “Thực chất đến nay đã xác định đây là sự cố môi trường trên diện rộng” (VOV).
Vô minh, khi “cán bộ chủ chốt Đà Nẵng, Hà Tĩnh vô tư tắm biển và ăn hải sản” (vnExpress). Vô minh, Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng (CATTP – Bộ Y tế) hối thúc dân chúng: “ăn cá nục nhiễm phenol vẫn an toàn” (báo Dân Trí).
Cuối cùng sự vụ đổ bể, Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm VPCP – bất chấp hàng triệu ngư dân mất biển, bất chấp cả biển miền Trung chết, vẫn tha thiết kêu gọi “nhân dân Việt Nam có thái độ khoan hồng, độ lượng với Formosa”.
Phúc Âm: “Kẻ mù dẫn đường cho kẻ mù, cả hai sẽ rơi xuống hố”.
Hỏi, dân Việt Nam có mù không, mà mặc cho kẻ mù dẫn đường? Thương thay!
Tôi nghĩ về chính trị-8. CHÍNH TRỊ, TỪ VÔ MINH VIỆT ĐẾN VÔ MINH CHAM-2. CHAM [hay: Hành xử giải vô minh]
Thế kỉ trước, vô minh, Cham đẩy nhau vào chỗ chết, là sự đã rồi. Thập niên qua, ta cuốn nhau vào “Chiến trường Akhar thrah” rủa sả nhau chí chóe đến tan đàn xẻ nghé, cũng do vô minh mà ra.
Chưa chịu dừng ở đó, từ chuyên môn, ta lôi nhau sang tận cõi chính trị, cũng không chừa. Nếu người ở thế hệ trước tố cáo tôi “đồng lõa với thế lực công an”, thì thế hệ sau cộng đồng Cham cũng nẩy nòi loài sinh linh tiếp nối truyền thống vô minh ấy. Thử nêu một chứng từ tiêu biểu.
Tháng 7-2016, FB Săm Ri (Kiều Dung) có bài cáo giác tôi theo Cộng sản chống Champaka, rồi cũng sinh linh ấy tố tôi theo tàn dư Cộng hòa chống Cộng sản, vân vân, tôi mới có: “Thư gửi Kiều Dung” giải thích giúp bạn nhìn rõ sự vụ. Một bạn học cũ khuyên tôi:
– Anh Sara không trả lời gì cả có lẽ hay hơn.
– Mình luôn giải minh một lần về ngộ nhận của bất kì Cham nào – tôi viết – một lần, nếu không nghe thì thôi. Đó là nguyên tắc, bạn à.
Một bạn trẻ còm dài hơn, đại ý:
– Sara hay lên tiếng về các vấn đề cộng đồng Cham, trong đó nhiều vụ mang lại hiệu quả. KD xuyên tạc cei như thế; nếu gia đình nó bị nạn, cei có bênh vực không?
Hỏi như vậy là thuận tâm lí chung, vẫn là câu hỏi xuất phát từ nỗi vô minh: Nó chơi xấu mình, thì hà cớ mình phải giúp nó! Và chính do vô minh mà – khi tôi lên tiếng về vụ Chứng minh Nhân dân năm 2017, bạn học cũ đã phát ngôn tỉnh bơ: “Sara có là người Bà-ni đâu mà đau cho Bà-ni”.
Tôi nghĩ và làm khác.
Năm 2006, lên tiếng về Sự cố Kiều Minh Vũ, ở Thành Tín có ai máu mủ với tôi đâu. Năm 2007, giải minh về Đất đai Văn Lâm, ai biết trong 73 hộ đó có kẻ ghét tôi, hay từng chống tôi nữa không chừng. Chuyện Ghur Bini các palei Cham năm 2014, hay vụ Trường Dân tộc Nội trú Ninh Phước năm 2015 cũng thế, tôi hoàn toàn không có bà con ở đó. Mới hơn, 2015 về Kut Boh Dana, dù tôi biết palei đó có người chống tôi, vân vân.
Đâu phải vì thế mà tôi bỏ mặc khi được yêu cầu.
Ở bài trước, sau khi phân tích chuyện người Việt đã gây cho nhau cả núi sân hận, thù oán, tôi viết: “Rồi, nếu mai sau phe ‘dân chủ’ thắng thế, ta có phải hành xử như “bên thắng cuộc” đã từng làm suốt non nửa thế kỉ qua không? Ta có sẵn sàng GIẢI SÂN HẬN?”
Căm thù chỉ kêu gọi căm thù. Việt Nam từng đòi hòa giải, nhưng suốt ngày lo tố cáo, bỏ tù nhau, thì làm gì thiện chí mồm kia mang lại hiệu quả. Nhân căm thù làm sao có thể sinh hạ quả yêu thương!
Kiều Dung dùng lời lẽ hỗn để xuyên tạc tôi, ở đó có người share, live, love. Tuy thế nếu rủi ro thân nhân họ bị oan, tôi vẫn lên tiếng, mà không nghĩ đến chuyện họ đã từng gây oán cho tôi. Tại sao? Không phải tôi cao thượng, mà là điều khác: vấn đề môi trường. Một MÔI TRƯỜNG SỐNG lành mạnh, ở đó có tôi, anh chị em tôi, vân vân đang sống.
Lấy vô minh đáp trả vô minh, thì khác gì mình góp phần làm vấy bẩn thêm môi trường sống! Hành xử thế, – như Glang Anak nói, bạn tự hại bạn thôi ‘drei tacei wơk ka drei’.
KD
[và…]
nghĩ, viết và làm bởi vô minh, do thiếu hiểu biết, không khả năng nhìn xa trông rộng. Đính chính là giúp họ thấy, để giải vô minh, chứ bạn không thể phản ứng lại nỗi vô minh kia bằng vô minh khác của mình.