Sau vài ngày bộ đội tràn vào Ninh Thuận, hầu hết anh em bè bạn tôi lên rừng nao ngak Ikan Krwak, tôi thì không. Không, vậy mà ngay sáng hôm sau, đang giờ học [cuối lớp Đệ Nhị], tôi được vời lên xe Jeep thẳng hướng đồn công an tỉnh, bị đẩy vào phòng biệt giam chẵn ba ngày đêm không thiếu. Mãi khi anh chị em xuống núi, họ mới cho tôi về. Về, để bị đẩy tiếp vào “lớp học tập chính sách” ở Chakleng. Tôi nhìn vào phòng, đông nghịt. Tất cả răm rắp chấp hành, tôi thì không. Bạn tôi H bước vào, tôi đứng khựng lại nơi bậc cửa:
– Tôi có gì mà phải học tập chứ?
– Mày vào học với mọi người cho biết chính sách đi, – ông chú Dương Dọng Phó Chủ tịch Xã nói.
– Tư tưởng Mac-Lê cháu biết rồi…
Đẩy đưa một hồi, cuối cùng là:
– Thôi kệ nó, – ông chú nói với chú Thôi đứng lớp.
Thế là tôi lí lịch… trắng. Trắng đúng chất “thằng Trạm mát”.
Làm sinh viên, các bạn học tôi tổ chức vượt biên bị bắt, tù đến 4-5 năm, tôi thì không. Trước đó non tháng, buồn đời – bỏ giảng đường, tôi phiêu giạt về Nha Trang chui vào chùa tu, ăn chay niệm Phật mấy tháng ròng. Không ít người cho tôi may mắn. Đúng, tôi là kẻ “trắng” và ngây thơ và vô tư với mọi nỗi chính trị. Tôi tự phơi trần tôi ra ngoài sáng, không chừa một góc khuất nào bất kì. Chính trị đòi hỏi đầu óc tính toán khôn lanh ma mãnh, nhất là tuyệt bí mật, tôi thì không. Cho nên, cả khi tôi làm mấy chuyện tưởng như điên rồ nhất, ngày Hè 75 mở lớp dạy tiếng Cham cho anh chị em Chakleng, cầm đầu Đoàn thanh niên thôn mà hôm gặt lúa cấm trại lại hát “Hận Đồ Bàn’ vào cái loa rè, vân vân, tôi vẫn cứ trắng.
Tôi nói chuyện với con tôi, với bạn văn, với cánh an ninh, với người quen người lạ cùng giọng điệu đó, nội dung đó.
Lưu lạc Nha Trang rồi Ninh Chữ hết một năm, tôi quy hồi cố quận. Tóc rụng nhiều. Thân hình trẻ trai săn chắc đã trở nên rệu rã, phờ phạc. Tôi vô tình quá đỗi, đã không đến thăm gia đình các bạn dù chỉ để gọi là an ủi nhau trong cơn hoạn nạn. Tưởng mình muộn, nhưng không. Tôi là kẻ sớm nhất. Và hầu như là duy nhất.
Tôi lên Hữu Đức để ngồi cả buổi nghe Huyền Hoa than vãn về khối “bạn cũ Jamok bỏ rơi nó”. Cơm trưa với anh xong, lại hối hả lội bộ xuống Cwah Patih ghé thăm mẹ Ngạt. Dì khóc. Tôi ngủ lại với dì tối đó. Sáng tinh mơ, tôi ngược lên Phước Nhơn thăm mẹ Thoảng… Từ đó, mỗi tháng tôi dành một buổi ngồi với các mẹ. Rồi khi Cẩn ra trại, tôi qua lại nhà yut ăn, ngủ. Thế thôi.
Không vỗ ngực, không tranh hơn
không trốn chạy trước phận đời thất bát
câu thơ buồn
luôn có mặt nơi khổ đau có mặt.
Mọi người sợ liên lụy, tôi thì không. Làm kế toán trưởng HTX Mỹ Nghiệp, tôi dành dụm chút ít gửi anh Trung đưa thăm nuôi anh Trăng đang Trại cải tạo. Anh Trăng gia đình Fulro, hành vi kia thời buổi ấy, đi tù như bỡn. Tôi thì không. Tôi cả tin lời ông bà: Tapak Pô swak: Thật thà thì trời rút [tên].
Rồi từ tuổi 30, tôi lên tiếng về tất tần tật nỗi Cham, và nỗi người. Có thể nói, đến hôm nay Tôi như trẻ nhỏ trần truồng luôn vuột thoát khỏi mọi nanh vuốt chính trị.
Tôi nghĩ về chính trị-3. CÂU CHUYỆN [2]
[hay Sara có ý đồ chính trị!]
Năm 2004, trong cuộc lai rai bạn bè ở quận 4 gần nhà, Tuấn Huy bất đồ đưa ra cái nhận định cắc cớ về tôi:
– Cháu thấy Cham mình chú Sara mới chính trị siêu.
– Có lẽ vụ này cháu hố rồi đó, – tôi đùa cho qua chuyện.
Trà Vigia giơ cả hai tay phản bác:
– Lầm to! Chàm mình kém nhất về chính trị phải là Sara. Nếu không nói là nhất thế giới.
Nhớ, thuở tôi 25 đang công chức nhà nước, ghé Ban Biên soạn sách chữ Chăm, ông Thông giáo sư toán Đại học Đà Lạt, đang chuyện bao đồng, bất ngờ trỏ vào tôi, tuyên:
– Tay này mới chính trị, còn bác – ông ngó qua thầy Nguyễn Văn Tỷ – bản chất nông dân lộ rõ lắm.
Ông tự tin đến cả hai chúng tôi lúng túng chẳng biết đàng mà rờ. Bởi dẫu sao tôi vừa là học trò cũ vừa đương kim cấp dưới thầy Tỷ. Tôi nói:
– Vừa vừa chớ thầy, công an ám sát tui mất.
Vụ này mới kinh hơn. NTT, ông anh quen biết khi không viết bài phê phán trí thức Cham về văn hóa Cham đăng trang nhà, thế là trên web Inrasara.com, bà con phản đối anh, cấp tập. Anh không xin lỗi, không cảm ơn mà chỉ lẳng lặng… sửa. Để bụng sao ấy, tháng sau anh phone dài cho tôi, tóm:
– Anh đã nhiều lần nói với trên, rằng Sara mới nguy hiểm. Nhóm MM hay NQC, cả CHHV chả là gì cả. Tay này với ghê. Chính nó mới có khả năng huy động lực lượng, mà trên đâu chịu nghe mình…
– Vậy là ông anh điềm chỉ công an tóm thằng em rồi còn gì, – tôi nói.
– Tóm Trạm lúc nào mà chả được, anh chỉ nhắc trên cần hạn chế hoạt động của em thôi.
Trời biển! Tôi mà có khả năng huy động lực lượng? Mà huy động làm chi hở trời!
Mới nhất: Qua trao đổi qua lại trên FB về văn học, bạn văn NTN [không hiểu vô tình sao ấy] viết, nguyên văn: “… tôi có cảm giác anh đã đi quá xa khi muốn trở thành một chủ soái văn nghệ và lái thế hệ trẻ non dại theo hướng nghĩ của anh”.
Ôi là “chủ soái”! Tôi có ý đồ đó hồi nào và ở đâu mô. Từ năm 17 tuổi, tôi mê mệt Krishnamurti, ông đạo sư đuổi tín đồ như đuổi tà, thì đủ biết. Mà chủ soái để làm gì ở thời buổi này?!
Còn “thế hệ trẻ non dại” là những ai, không hiểu. Tôi yêu thơ tiếng Việt, không biết sao khi có tuổi lại đổ đốn đi mê thơ trẻ, từ đó tôi tiến hành lập biên bản. Mà cánh trẻ có còn trẻ dại gì cho cam, toàn tay cừ không hà, tôi học chúng thì có, chớ gì gọi là Inrasara đi “lái” họ theo hướng nghĩ [có lẽ rất bậy] của mình!
Tôi nghĩ về chính trị-4. CÂU CHUYỆN [3]
[hay Sara không… đảng viên]
Mùa hè năm ngoái, ghé Parik thăm thầy Lương Đức Thắng, trong buổi hàn huyên, cô em Hoàng Lương con thầy rất ư là thật thà, hỏi tôi:
– Anh Sara năm nay mấy chục tuổi Đảng rồi nhỉ?
– Có đâu!
– Xạo à! Thế anh làm to ở Trung ương mà không Đảng, ai mà tin.
– Chức gì mô!
– Người như anh mà không chức sao?
– Chả lương lậu gì đâu, anh còn chưa có bằng cử nhân lận túi nữa là…
– Thế anh làm gì sống? [câu hỏi khiến tôi muốn cười vỡ bụng]
– Anh làm th[u]ơ…
Cô nàng ngơ ngác, tôi tiếp: Anh làm thuê bằng viết báo, thuyết trình, sửa bài…
Ngộ nhận thế, buộc tôi phải minh bạch [bố cáo trên FB] cho bà con biết thôi. Bởi tôi có thể dối một, hai người, chứ tôi không thể xạo cả làng chữ nghĩa trên mạng được.
Chuyên tương tự xảy ra vào năm trước, trong buổi tửu hậu, một bạn thơ – do gần gũi tôi hơn nên biết tôi có “làm to” thiệt -, đã hỏi tôi bao nhiêu tuổi Đảng, tôi nói mình có Đảng chi mô.
– Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam mà không Đảng viên sao?
– Phó Chủ tịch Thơ mà to ư? Lạ đấy.
Im lặng.
– Nếu bạn cho thế là to mà họ vẫn cho mình cái ghế ấy, là bạn không hiểu người Cộng sản rồi.
– Sao?
– Là bạn không biết “gia vị” CS chớ gì nữa! Gia vị dân chủ ấy mà, dân chủ đến mức đặt dưới đít anh thi sĩ vô chính phủ cái ghế “phó”…
– Mình không tin lắm.
– Vậy là bạn một đời làm nghề giáo làng là phải. Đảng viên mà tổ chức Đảng cho phép Sara phản biện mấy chuyện to đùng, ở trỏng có cả Dự án Nhà máy Điện hạt nhân sao? Mèng…
Nhớ, mùa hè 2005, ra Hà Nội Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nằm chung phòng với giáo sư kiêm nhà phê bình kì cựu Trần Thanh Đạm. Đang giữa trưa, nằm trên giường, đột ngột ông quay sang tôi, hỏi:
– Inrasara vào Đảng chưa nhỉ?
– Dạ, chưa thầy ạ.
– Em vào đi, thầy giới thiệu nhé.
– Thôi miễn cho Sara đi, thầy à.
– Vào Đảng cũng như lấy vợ vậy thôi. Để vợ giữ mình…
Tôi suýt bật cười thành tiếng. Ngài giáo sư khéo ví von.