BÚT DANH, TINH THẦN VÀ THÁI ĐỘ

Từ Inra Hanrang, Inra Sing đến Inrasara

Tôi là kẻ thích ghi chép và lập hồ sơ. Đi đâu, làm gì bất kì dù lớn hay nhỏ cũng ghi chép, rồi lập hồ sơ. Hồ sơ văn hóa Cham, hồ sơ thơ Việt đương đại, hồ sơ các vấn đề xã hội, hồ sơ chung và cả hồ sơ riêng. Đụng việc, cứ lấy ra mà xài, mà sáng tạo. Nhanh, và rất tiện.
Phong trào Hậu hiện đại hay Nhóm Mở Miệng, có. Đinh Linh, Tuệ Nguyên hay Lê Vĩnh Tài, không thiếu. Tháp Po Rome, lễ Ramưwan, sử thi Inra Patra đủ đầy. Hồ sơ Ghur Darak Neh, Hồ sơ Điện Hạt Nhân, vân vân.

Về cá nhân, các buổi nói chuyện hay luận văn về mình, các bài báo đăng trong năm hay mấy nhận định lẻ, tôi cũng lập hồ sơ lưu trữ. Cả cái tên Inrasara cũng nên có trong mục từ. Tại sao? Chiều 10-12, trao đổi cà phê với ba bạn trẻ: một Scotland, một Canada, và một Pháp, họ hỏi tôi “ý nghĩa” của “từ” ấy. Và tôi phải giải thích, dù đã mấy bận nói rõ rồi. Tôi nghĩ: nếu trước đó có sẵn hồ sơ, gửi ngay cho các bạn thì hay biết bao.

Cham không có “họ”. Xưa, Ông, Ma, Trà, Chế là họ vua hay dòng tộc quý phái, còn thứ dân, cứ Ja cho nam và Mư cho nữ, là xong. Nhận rõ thiếu khuyết này, tôi rất ý thức, và ý thức sớm về đặt tên “tự” cho mình.

Họ, phải là Inra, từ chữ Indra [thần Sấm, Thunder] tiếng Sanscrit mà ra. Các vị vua Cham từng xài “họ” này. Sấm thì chả hại ai, nhưng “tiếng nói” của nó báo hiệu cái lớn hơn sắp xảy tới. Mình tái sử dụng nó cũng chả sao.

Tuổi 20, giai đoạn làm học trò và tìm bản lai diện mục, tôi lấy tên Hanrang, từ chữ Anrang [gốc rạ]. Nhưng A đi sau chữ I hơi bất tiện, nên tôi dùng H-câm [muet], thành Inra Hanrang. Nghĩa là “Gốc rạ của dòng họ Inra”. Như thể con lạc đà của Nietzsche chấp nhận cho người đời chất lên lưng mình mọi gánh nặng để băng qua nỗi Cham và sa mạc đời.

34 tuổi, giai đoạn tìm thấy và khẳng định mình, là năm tôi lên đường khai phá: Viết tiểu thuyết sử thi Con đường vô tận cùng nhiều bài thơ tiếng Cham, Việt. Sự sợ hãi và do dự không còn đọng trong tâm thức nữa, tôi sẵn sàng cho nổ tung tất cả. Tôi lấy tên Inra Sing, nghĩa là Sư tử của dòng họ Inra. Cũng ghê chớ bộ!

Qua tuổi 40, lần đầu tiên ló mặt trên văn đàn Việt Nam bằng sáng tác đầu tay: Tháp Nắng, và công trình nghiên cứu đầu tiên: Văn học Cham khái luận, tôi kí bút hiệu Inrasara. ‘Sara’ tiếng Cham là “muối”. Tên mới này được gợi hứng từ một câu trong Phúc Âm: “Con người là chất muối của đất…”

Vậy Inrasara là chất muối của dòng họ Inra. Muối chính là trẻ thơ, là sáng tạo.

Mỗi cái tên cũng ghi nhận một hành trình, tạm diễn giải như thế.

Đến Chay Mala & Mã Pí Lèng

Ngoài chuyện làm “nhà văn ma”, tôi có xài bút danh, nhưng rất hiếm. Còn tạo nick ảo để đánh ai đó thì tuyệt không.

Đăng bài “Giải trí cao cấp: Ra mắt thơ gây nạn kẹt xe”, một bạn nhắn tin rằng “sao giống Mã Pí Lèng thế”. Không phải “giống” nữa, mà chính hắn. Chuyện như vầy. Thuở phụ trách chuyên mục văn hóa báo Quân đội Nhân dân cuối tuần, bạn thơ Trần Anh Thái mời tôi cộng tác viết bài humor văn nghệ kí tên chung: Mã Pí Lèng. Trúng tủ rồi, bởi tôi có mênh mông chuyện để kể! Thế là viết, được đâu lối ba, bốn mươi bài.

Cũng vui, dù ngay lúc đó tôi chả lấy gì làm khoái. Chuyện lẽ ra chỉ cần 3-400 từ là đủ, song chỉ để làm đầy cột báo, tôi phải kéo dài đến 900-1000 chữ. Thành loãng. Thôi kệ, cha chung không ai khóc. Vả lại ngoài anh bạn thơ, chắc không ai biết Inrasara có xí phần ở đó.

Chứ Chay Mala thì khác. Bút danh này có mặt trên Inrasara.com, ngay từ buổi ban đầu “Chiến trường Akhar thrah” đến tận Dự án Điện hạt nhân, và sau đó nữa. Vui đáo để.

Dường hầu hết Cham đoán biết Chay Mala là Inrasara. Có bạn đọc còn comment truy tôi nữa. Tôi không công khai nhận, cũng chả từ chối. Khi ấy, buồn và chán, tôi bày ra nó. Để đùa thiên hạ, và nghịch mình. Rất hậu hiện đại. Chớ chưởi rủa hay cương cứng nhau mà làm gì.

Chay Mala có mặt chủ yếu nhằm đáp ứng thời sự Cham [và một phần Việt Nam], vừa ngụ ngôn, mảnh chuyện thực, vừa là thơ khá vui nhộn, như:

“Thầy tu & Con chó Taramys của Ông Lớn”

“Câu chuyện về thầy trò Ngài giáo sư Khả Kính”

“Chuyện Darma và Ixara ở Văn phòng Trụ sở Liên Hiệp quốc”

“Ngọc Hoàng giải quyết rắc rối các dân tộc”

“Ngụ ngôn về chúa tể đảo Chòm”

“Lời ru buồn cho điện hột nhưn”

Vân vân.

Hôm nay đọc lại thấy không ít mảnh còn “nóng”, nhất là chúng vẫn làm cho kẻ đẻ ra nó cười. Vậy tại sao nó không có quyền ló mặt ra ánh mặt trời, để bà con biết mặt mũi nhỉ!

Tinh thần mạng của tôi

Trên Website, hay FB, nếu ai có viết chống tôi mà chỉ liên quan đến cá nhân, tôi hiếm khi trả lời. Mạng CPK có rất nhiều bài như thế, tôi im lặng cho qua.

Tôi chỉ nói, và nói tới cùng, nếu ý kiến đó ảnh hưởng đến đối tượng thứ ba.

Bài viết của tôi trên tạp chí Tia sáng, vài nhà văn xuyên tạc tôi [còn dọa kiện tòa soạn nữa], tôi cần tranh luận để phản bác; nếu không sự vụ ảnh hưởng đến uy tín tạp chí.

Không phản ứng CPK, tuy thế khi CPK viết bài tấn công Nguyễn Văn Tỷ chỉ vì cái lỗi vụn vặt (lúc này ông và bà con Cham đang tranh đấu cho quyền lợi Cham: Việc đất Ghur Bini bị xâm hại; và bài ông liên quan trực tiếp đến vấn đề), tôi phải lên tiếng tới nơi tới chốn. Nếu không ông Nguyễn Văn Tỷ chán, nguy cơ sự vụ bất thành.

Khi nhà báo cố tình xuyên tạc và miệt thị Cham về vấn đề đám tang Cham Ahier, trong khi hầu hết bạn trẻ bức xúc, thì thi sĩ Trầm Ngọc Lan còm rất ư mặt trận rằng “nhà báo nên rút kinh nghiệm”, tôi buộc phải phân tích cho bạn thơ hiểu rằng, thái độ ấy sẽ làm nhu nhược tinh thần đấu tranh cho lẽ phải ở thế hệ con cháu.

[Sai lầm về tinh thần của người viết thì khác cả trời vực với sai lầm kiến thức. Sai về kiến thức chỉ cần biết sai, rút kinh nghiệm ở bài khác là đủ. Còn về tinh thần thì phải CHỈNH đúng mực. Vụ này, ý kiến tôi:

Phân tích sai lầm trên FB, cả về kiến thức lẫn tinh thần; viết thư phản đối lên tòa soạn; cuối cùng buộc họ rút bài và xin lỗi.

Vài chục lần tôi làm như thế ở nhiều lĩnh vực khác nhau, và luôn thành công].

Chuyện ông Inrasara làm… màu

Ở Cà-phê thứ Bảy tháng 11-2019, một bạn văn bất ngờ hỏi:

– Tôi ít khi dự các buổi như thế này. Hôm nay tôi đến, thứ nhất do diễn giả là nhân vật đang hot, thứ hai quan trọng hơn, để hiểu một nhà văn thuộc Hội đồng Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, có vai trò lớn ở Hội Nhà văn Việt Nam nữa lại luôn có vẻ phản biện xã hội, bữa nay sẽ diễn ra sao…

Tôi không bất ngờ về ý kiến đó, ngạc nhiên chăng chính là sự thể một người nữ thuộc thế hệ tôi đã rất thật lòng.

Dù người chủ trì là Võ Văn Nhơn có nói “đỡ” cho tôi, ý kiến đó cần đến tôi giải tán, rằng

bạn đến bởi hai lí do ngoài văn bản, tôi cảm ơn lăm lắm, biết đâu nhân vụ này chúng ta hiểu nhau hơn, từ đó có thể nghe ra nhau.

Kêu Sara thuộc Hội đồng LLPP Trung ương, là oan cho ông ấy. Tôi – với tư cách nhà văn, xuất hiện trước Hội đồng này ít nhất là mười năm, và chưa một giờ đồng hồ nằm trong đó.

Vai trò ở Hội Nhà văn thì có, cạnh đó tôi còn vai trò nhiều nơi chốn khác nữa. Nhưng ông Inrasara có diễn phản biện, hay diễn dân chủ theo kiểu làm màu [như vài Đại biểu phát ngôn trái chiều ở Quốc hội ta] không?

Này nhé…

– Tôi bắt đầu ‘dữ’ khi nào?

Tôi viết ‘dữ – đúng, ngay khi nhập cuộc chữ nghĩa: 1998, chớ không phải khi đã “có vai trò”. ‘Dữ’ hơn, khi tôi bắt đầu viết phê bình văn học: 2002, sau đó là phản biện xã hội từ 2004.

– Và tôi ‘diễn ở đâu?

Khác với Đại biểu QH diễn ở hội trường Nhà nước, tôi nói đâu tận vùng ngoại vi: Chamyouth, BBC, RFA, Talawas, Tienve, Hopluu, VanchuongViet, Inrasara.com, vân vân. Phía chính thống hiếm đăng bài phản biện kiểu ấy của tôi!

Ngay tạp chí Nhà Văn, tạp chí của Hội nơi tôi đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tiểu luận văn học của tôi còn bị cấm cản. Hai đời tổng biên tập méc tôi rằng chủ tịch Hữu Thỉnh đã ra lệnh miệng thế (tôi có hỏi trực tiếp anh, và anh chối, đương nhiên).

– Tôi nằm trong nhiều Hội, và “có vai trò” nhưng ấy có lương bổng không? là câu hỏi quan trọng. Tắt một lời: Tôi ‘ở trong’ nhưng không thuộc về! Tôi không viết theo, viết nịnh, viết hùa. Mà luôn thật và thẳng, theo khả năng của tôi – về mọi vấn đề liên quan đến văn chương chữ nghĩa, cạnh đó là các vấn đề cộm khác của cộng đồng.

Duy mỗi thứ tôi có vẻ hơi giống vài Đại biểu Quốc hội ‘làm màu’ ở cái cách tôi ‘không vượt biên’, bởi tôi – kẻ ý thức rõ phận Chàm của mình (‘không vượt biên’ là chữ dùng của nhà thơ Nông Quốc Chấn khi viết về thơ Inrasara).

Một bạn văn thêm: Inrasara không ở bên này hay bên kia, càng không phải ở giữa, mà là một sinh linh tự do theo nghĩa mạnh nhất của từ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *