Márquez nói đại ý, nổi tiếng được cái là tạo cho ông tư thế chính trị, chứ với nghề văn, nó chỉ mang phiền toái đến cho ông mà thôi.
I. Giú mình trong bóng tối vô danh
Đám cây non vươn vội lên khoảng xanh
mà rễ chưa được cắm sâu vào lòng đất
chỉ cần cơn bão rớt
cũng đủ làm chúng run bấn lên (Tháp nắng, 1992)
*
Không ai không thích đẹp. Không ai không thích sướng. Không ai không thích người đời nể mình, trọng mình, yêu mến mình. Không ai là không khoái nổi tiếng. Câu hỏi là, vào thời điểm nào, nổi tiếng ở đâu, và nổi tiếng để làm gì?
Ở đây, tôi thử lấy thân mình [không phải lấp lỗ châu mai, mà] chứng thực vấn đề.
Tôi tiếng với đời, đúng hơn – vài người ghét Sara rằng ưa nổ. Ngó lại, thấy tiếng đó hơi bị oan, oan và sai. Tạm dẫn ra tòa công luận hai nhân chứng.
1. Thơ
Tôi làm thơ từ khá sớm, và cứ vô danh. Bà con Cham chỉ biết “thằng Trạm làm thơ”, khi tôi viết 2 trường ca phục vụ khóa tiếng Cham do tôi mở vào mùa Hè 75, ở Chakleng. Hay sau đó, khi các bạn học nhờ tôi viết tựa cho đặc san sinh viên. Cả 2 bận đều bằng tiếng mẹ đẻ.
Vậy là tôi chỉ thò đầu mình ra, khi ở thế buộc. Còn thì, tôi núp.
Ở quê nhà là vậy. Sau tuổi 30 vào Sài Gòn, suốt sáu năm ở Đại học, kẻ cộng sự hay người chung cơ quan, không ai biết tôi thơ thẩn chi cả. Ngày qua ngày, tôi lui cui với công việc soạn Từ điển sớm đến tối về “như bóng ma” [Hời] – chữ của bạn Dang Thai Minh. Trong khi tôi thừa điều kiện để xuất hiện: Đống bản thảo thơ với túi rủng rỉnh tiền. Ngay cả dù không muốn in tập, tầm thơ tôi gửi đăng báo cũng rất ổn, nhưng tôi dứt khoát: không.
Tôi gọi đó là “giú mình trong bóng tối vô danh”, đợi mùa chín tới. Để khi ló đầu ra ngoài mưa gió cuộc đời, nó khả năng chịu trận. Và chịu trận lâu dài.
Nghiên cứu cũng hệt.
Bà con Cham có việc cần nhờ đến, tôi giúp. Như đứng lớp, dịch một đoạn thơ cổ, minh định chính tả… Còn thì, xong việc là tôi đóng cửa, độc thư. Từ mấy cụ thể đó, Ban Biên soạn sách chữ Chăm mới mời tôi về làm việc. Khi ấy tôi đầu xanh tuổi trẻ (25 tuổi) giữa quý thầy, các bác bạc râu, lắm chữ.
Riêng mục nghiên cứu văn học Cham, tôi càng “giú” kín. Thời gian ở quê, tôi thường xuyên tổ chức “hội nghị chiếu xe”, ở đó tôi mời các bác về đãi bữa cơm chiều, gợi cho họ nói, tôi nghe. Không xen vào, không tranh hơn, không gì cả. Chỉ nghe, và ghi.
Khiêm tốn hết chỗ nói. Vậy mà kêu “Sara nổ”, không oan chớ còn dùng từ gì cho xứng.
Sơ kết. Cần xuất hiện đúng thời điểm. Khi rễ bạn chưa được cắm sâu vào lòng đất đen mà vội cho chồi nhú lên, bạn tắt nắng là cái chắc. Bạn sẽ tự điền tên vào danh sách loài sinh lính viết chết yểu lãng xẹt. Khi ấy, bạn chưa phải lòng giếng thẳm, mà mới là hồ nước rộng và cạn chỉ có thể dọa kẻ yếu bóng vía. Chỉ cần qua cơn hạn Phan Rang, nước hồ kia tiêu tán giữa trận đời.
2. Cần nổi tiếng ở đâu?
“Giú mình trong bóng tối vô danh” là để trả lời câu hỏi, bao giờ… nổ? Tiếp đến, khi thức nhận mình đã chín, đủ để trụ vững trước trận bão đời: nổ ở đâu? Nổ nơi bàn nhậu hay chốn lai rai bạn bè thì miễn rồi. Nổ với vợ con cũng thế, dễ ợt:
Ở nhà nhất bố nhì con…
Khối kẻ dù biết hay không vẫn cứ nổ, mới ẹ. Nổ giữa hàng rào tre làng, cả trong thế giới Cham chật hẹp. Tại sao ta không thử nhìn xa hơn, cao hơn, lâu dài hơn?
Thế giới hiện đại, FB có mặt, sự nổ có cơ hội phát triển, không ma nào níu được. Trên đó, ta muốn viết gì viết, không tốn xu hào, không ai bắt chịu thuế. Còn nếu có bạn FB nào nổi hứng phản pháo thì ta delete, ta block. Ta một mình một cõi, cùng kẻ thân tín, bằng hữu cánh hẩu like, love, share nhau – thoải mái. Và ta tự sướng, tự lên hương, không cần biết…
Ra đường còn có kẻ giòn hơn ta.
Nữa, rủng rỉnh tiền, ta mang chữ nghĩa ấy ra in thành sách, gọi là góp mặt với đời. Rồi ta gửi tặng khắp đó đây, và tự tụng ca nhau. Trong khi đứa con tội nghiệp kia vừa oe oe chào đời, đã tắt tiếng. Báo chí làm ngơ, nhà phê bình phớt lờ, tất cả đều chìm vào im lặng. Có mỗi ta tự sướng, và ở nhà sướng với nhau.
Đây không là kinh nghiệm của riêng ai, mà của chung người thiên hạ, ai cũng thấy, cũng đụng. Cõi ta bà này, nổ để giải tỏa ẩn ức thì được, cần thiết nữa, miễn sao đừng tự huyễn mà to mồm khéo kẻ yếu bóng vía tưởng thiệt, mà hại nhau.
Nổ là cần, vậy nổ ở đâu?
Tôi ngoài đời mang tiếng hiền, hiền… đáng phiền. Ai nhất thì tôi thứ nhì/ Có ai hơn nữa tôi thì thứ ba. “Không vỗ ngực – không tranh hơn…” [thơ Inrasara].
Kêu “đáng phiền”, bởi có ông bạn mươi năm trước thư cho tôi trách: “Trạm xưa có thế đâu, nổi tiếng mới thành như vậy”. Tôi nói ông anh sai rồi, hiện giờ hắn vẫn lành… như xưa. Dễ dãi, thoải mái, vui vẻ, và không bao giờ có vụ “tao giỏi hơn mầy” căng thẳng bật máu chi chi.
Ở trần gian muôn màu thì vậy, chớ khi vào việc, tôi hoàn toàn khác: Chơi sòng phẳng! Có thế thời ở Đại học, dù vô danh, không bằng cấp, không vị thế, và nhất là vẫn đầu xanh tuổi trẻ, tôi mới được cất chức tổ trưởng biên soạn Từ điển điều hành các vị.
Nhầm phía khác: Có anh bạn gần nửa đời người luôn chơi trội tôi, tôi đều sapa tuốt. Ừ, thì có tăng hay giảm gờ-ram mỡ đâu mà lấy làm điều! Để anh em còn vui vẻ với nhau. Kẹt là đằng ấy tưởng thật, nên hố. Ở một diễn đàn, quen thói, bạn vô tư nổ và bị đạn. Thế là… ‘ginong’ hờn.
Nổ, chớ tháo ngòi nơi khỉ ho cò hú, mà phải là chốn việc thực hay diễn đàn [tự do]. Nó đóng dấu công chứng bạn, bởi chính tại chốn ấy, có sự cầm chịch của người thứ ba, và cả con mắt chứng kiến của công chúng có nghề.
Trai khôn chọn vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.
Trích lời ông bà, nhẹ nhõm vậy thôi, cũng đã nói nhiều!
3. Nổi tiếng để làm gì?
Xưa
dưới cái rây lịch sử khổng lồ
cha lọt sàng sống sót
lổm ngổm bò dậy làm người
một phép lạ (Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)
Sống sót thôi, đã là một phép lạ.
Hãy tưởng tượng, sau trận càn của Minh Mạng, khi Thiệu Trị xuống chiếu gọi Cham về, Cham Ninh Thuận chỉ còn 5 ngàn mạng. Vậy mà hôm nay con số tăng vọt: 77.000 người, không là phép lạ sao? Sau đó một phép lạ khác tiếp tục diễn ra: Cham có nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà khoa bảng; văn hóa Cham dần được dựng dậy từ đổ nát…
Vậy mà vô số người Việt Nam hôm nay vẫn không biết Cham có mặt, cứ nhầm sinh linh Cham với Khmer, nói chi đến hiểu căn bản văn hóa của dân tộc một thời dọc ngang Đông Nam Á. Bộ phận hiểu thì phần nhiều hiểu phiến diện, lệch lạc. Văn học Cham càng làm vô danh với thế hệ sinh viên Việt Nam hơn nữa.
Phải làm gì? – Phải khoe ra [tốt thì khoe]. Phải nổ!
Không phải bằng súng đạn, bằng hành vi hay ngôn từ đao to búa lớn, mà đi “trên bước chân bồ câu”, với “lời lẽ im lặng nhất” có thể – như Nietzsche dạy!
Tôi-thơ, tôi tiểu thuyết & tùy bút, tôi nghiên cứu & phê bình, tôi viết báo & diễn thuyết, tôi trả lời phỏng vấn & chủ trì Bàn tròn Văn chương, đa phần liên can đến Cham. Là các trận nổ cần thiết, cho người thiên hạ ngoảnh về Cham.
Tôi giải thưởng trong và ngoài nước các loại, tôi “Nhân vật Văn hóa của năm”, tôi một trong “300 Nhân vật Việt Nam thế kỉ XX”… tôi cảm ơn, ghi nhận và bố cáo mấy vụ đó cho công chúng hay, vân vân. Để nhân loại ngoảnh về tôi, từ đó ngoảnh về Cham.
Ông bà Cham đâu phải không biết: Gihlau athal hapak jaang bbau: Trầm hương ở đâu mà chẳng tỏa mùi hương, nhưng nếu cứ cất kĩ trong nhà, không ai đốt nó lên, thì làm gì nên hương ra khói. Tôi phải đốt nó lên, để người nhân loại hay, rằng Cham đang có mặt. Thông minh, xinh gái và đẹp trai [tự khen]. Biết làm ăn, biết học hành, nghiên cứu, biết làm thơ, biết cả… cãi nhau nữa.
Được thế thì ngon rồi, nếu hắn có bị đạn [rằng khoe khoang, ưa nổ] cũng đáng!
Nhìn kĩ, tôi có tự ca tụng mình không?
Chơi dại vậy – chán chết! Chục luận văn tiến sĩ, thạc sĩ, mấy chục khóa luận cử nhân về chữ nghĩa của tôi cùng trăm bài báo, hơn 20 phim tư liệu về tôi – không đủ sao, mà còn tự tụng ca?
Viết rằng: “Để nhân loại ngoảnh về tôi, từ đó ngoảnh về Cham”, chả phải ngụy biện, ngược lại là khác. Tôi từng ca tụng không tiếc lời 48 sinh linh Cham [Urang Cham, và…]. Tôi thèm có Cham nào đó nổi lên, để mình ca ngợi.
Có ai thấy Sara nói xấu hay xuyên tạc Cham nào, ở đâu và bao giờ chưa? Không làm thế, không phải tôi cao thượng chi chi, mà ở tận thẳm sâu, tôi coi mỗi Cham như thể một Sinh linh sống sót đầy thương cảm.
Không chỉ Cham, tôi còn ngợi ca hơn trăm nhân vật Việt, và khác.
Bởi sống là gì, nếu không có nghĩa là tạ ơn.
Tạ ơn, và ngợi ca. Không gì khác hơn là làm đẹp cuộc đời.