LAI RAI TRIẾT LÍ SỐNG LÀ VUI

[hay Chẳng có gì trầm trọng cả]

Cuộc đời chỉ là một chiếc bóng di động, một kịch sĩ tồi

Nghênh ngang và bồn chồn lo lắng trong suốt buổi diễn của mình trên sân khấu

Rồi chẳng còn ai nghe thấy gì nữa. Tất cả chỉ là một câu chuyện

Do một tên ngốc kể lại, ồn ào và giận dữ

Mà chẳng có ý nghĩa gì.

Life’s but a walking shadow, a poor player,/ That struts and frets his hour upon the stage,/ And then is heard no more. It is a tale/ Told by an idiot, full of sound and fury,/ Signifying nothing (Shakespeare, Hamlet, Thiết Thạch dịch).

1. Bất chợt đánh mất khả năng giao tiếp từ bao giờ

Không biết từ bao giờ, tôi mất khả năng giao tiếp với đám đông. Mất tịt. Nếu không phải bàn về chuyên môn nào đó, thì tôi không biết làm gì hay ăn nói thế nào ở đó.

Trong lúc thuở thiếu niên, tôi là đầu têu cho những buổi nói chuyện ngẫu hứng về Cham. Cho tất cả đối tượng. Mênh mông câu chuyện về Cham. Hôm nay không dưng mất trơn trọi. Cả với người đồng tộc thân cận nhất. Họp mặt Hội đồng hương, đám cưới, nhà mới, tiệc tùng… tôi hiếm có mặt, mươi năm qua, lại càng. Ở đó, tôi thấy tay thừa, chân thừa, cái nhìn thừa, tiếng cười thừa, hành vi chào hỏi thừa…

Bây giờ, tôi chỉ còn hào hứng với/ trước một hoặc vài người. 

Tôi không còn khả năng nói chuyện tầm pháo “đôm glai” nữa. Nguy thay! Bởi cuộc đời là gì, nếu không là những chuyện tầm phào được kể một cách tầm phào cho đám người tầm phào bởi những người tầm phào…

2. Uống bia tôi không còn thấy ngon nữa…

“Cứ bớt tỉnh đi cho lòng được khỏe…”

Không phải tôi không khoái rượu bia, thuốc lá; còn cà phê thì miễn rồi – đó là món tôi không thể bỏ. Gu bia của tôi là Tiger, sau này là Heineken; thuốc lá là Jet, sau đó là 555. Nhưng mấy năm qua uống bia, tôi không còn thấy ngon nữa.

Bia do quan tham đãi, tôi biết tôi đang uống mồ hôi nhân dân; phải là kẻ thiểu năng trí tuệ mới thấy ngon. Bia do đối tác đãi, biết nó có ý đồ gì đó [kín đáo hay lộ liễu], tôi hết thấy ngon ngay.

Bia do người thân quen mời, nhưng khi hiểu ra đó không phải từ tiền do hắn làm ra, mà là do ăn bám cha mẹ, anh chị em; nghĩa là uống bằng tiền của người khác, nếu thấy ngon đích thị tôi là kẻ không có tim rồi. Còn bia do bằng hữu mời từ mồ hôi công sức họ làm ra, chắc chắn là ngon. Dẫu sao ở khoản này người ta ít khi uống xả láng lắm…

Chuyện kể, cuối năm 2013 ra Hà Nội họp Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, hai ông qua phòng tôi mời lai rai. Ông nhà thơ quen biết dẫn ông làm thơ đang cần vào Hội. Cả hai U70. Tôi miễn cưỡng đi. Họ cho tôi tùy chọn, tôi kêu Ken, dù tôi biết dân Hà Nội thích rượu. Thế là hai ông cũng Ken như Sara. Trời lạnh 10độC, hai ông nhà thơ tuổi cao sức yếu cắn răng mà uống. Tôi cũng vừa uống vừa cắn răng. Rất thương. Thế là ba ông sau năm cai lon, tôi xin kiếu.

Hỏi uống thế, đố trời phật nào thấy ngon?!

3. Đùa nghịch phân biệt đối xử

Đụng chuyện phân biệt đối xử, trăm phần bạn Cham giận dữ, phản ứng hay mặc cảm bỏ đi không chơi, tôi ngược lại – rất KHOÁI. Khoái và đùa nghịch. Thuở đó “Chàm Nhome” là từ dễ oánh nhau nhất, tôi lại mang nó ra đùa.

Khai lí lịch miệng, tôi bảo: Họ và tên: Phú Trạm, sinh năm 1957, dân tộc Hời Nhome!

Năm lớp 12 Trường Nguyễn Trãi, lớp chuyên Văn 58 toàn Việt, mỗi tôi mạng Cham, lại là dân Pháp văn [cũ] duy nhất qua học lớp Anh văn [mới]. Thế nên không lạ, tháng đầu điểm ở lại 0-1-2. Chơi nhau thế ảnh hưởng thành tích lớp như bỡn. Mọi người nhìn tôi ái ngại, thầy Ninh dạy tiếng Anh thương tôi, hai ba bận đến động viên. Tôi nói:

– Không lo đâu thày ạ, tháng sau em điểm trung bình, tháng thứ ba em là số 1.

Rồi, không cần qua tháng thứ ba, tôi thực hiện đúng lời hứa! Và không chỉ tiếng Anh…

Tôi vào khoa Văn – Đại học Sư phạm TPHCM, mươi ngày sau cãi ông thầy về Khổng Tử, tôi “thi” qua lớp Anh. Nửa năm sau cãi thầy tiếp, tôi thôi học luôn… cho đến hôm nay.

4. Từ dễ thương đến dễ ghét

Nghe đồn…

Nếu Inrasara lo vào làm thơ đi thì dễ thương biết bao, mà nếu hắn cứ làm thơ kiểu Tháp Nắng, hoặc cùng lắm là Lễ Tẩy trần tháng Tư đi, thì hay dường nào; đằng này, thêm kiểu Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài tân hình thức, với Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] hậu hiện đại nữa, thành ra… dễ ghét.

Giá mà Inrasara nghiên cứu văn hóa Cham đi chớ có phản biện chi chi cả thì dễ thương làm sao, nếu có phản biện thì phản biện trong phạm vi chuyên môn đi; đằng này hắn còn lây lan qua xã hội, đụng cái chi cũng [gồng mình] lên tiếng, thành ra dễ ghét.

Nếu Inrasara nghiên cứu văn hóa Cham với làm thơ hay viết tiểu thuyết đi chớ có đâm đầu vào phê bình thì dễ thương biết mấy; mà nếu có phê bình thì cứ như đa số nhà phê bình Việt Nam: khen một ít chê một ít là được lòng tất; đằng này hắn đi ‘lập biên bản’ văn chương Việt, mà toàn động đến ngoại vi không à, dễ ghét là phải.

À, mà nếu có động đến văn học ngoại vi gì gì cũng còn được châm chế, đằng này hắn ham hố lăn vào các trận đấu vô vọng với vô tận với những kẻ [xưa vốn là] bằng hữu văn chương với hắn, thì dễ ghét là còn… may lắm.

Bạn có muốn dễ thương không?!

5. Chẳng có gì trầm trọng cả

Chẳng có gì trầm trọng cả. Trong giai đoạn khốn cùng của lịch sử, những lúc chìm tận đáy đau khổ và tuyệt vọng, Cham vẫn biết cười. Cả tôi cũng vậy. Ở mọi nơi tôi đến, tôi cứ nhận mình là Cham – khoái hoạt! Tôi không cho Cham ngon hơn dân tộc nào đó, cũng không phải thông minh hơn, cao đại hay ưu việt hơn.

Tôi không hiểu tại sao mình khoái hoạt. Cũng chả thấy cần thiết phải tìm hiểu tại sao. Còn nếu có ai đó chối mình là Cham, thay tên hoặc dùng dao lam cạo họ Cham trên thẻ căn cước, là quyền của họ. Tôi không quan tâm sự chọn lựa đó. Khi chọn lựa là có sự tính toán lui tới, thiệt hơn. Tôi, không!

Tôi yêu thương, vô ngại trong tình thương. Giữa cao ốc Sài Gòn toàn Kinh hay trong chòi rách gia đình Miên miền Tây, tôi vẫn sự sự vô ngại. Một bạn văn ở Úc lần ghé nhà tôi chuyện bao đồng, đùa: “Tôi thấy Sara rất hãnh diện khi kể mình có bà vợ hơn tám tuổi”. Ông đúng. Tôi kể nó một cách vui vẻ, khoái hoạt. Vậy thôi. Hầu như tất cả mọi chuyện, tại bất kì đâu, với bất kì ai. Trước hội trường nghịt người hay chỉ với vài bạn thâm giao. Hoặc tôi thoải mái ở đó, hoặc tôi bỏ đi. Tôi không bao giờ mặc cảm hay ức chế điều gì đó.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình khổ cả.

Chuyện vui: Ông anh thi sĩ Jalau trong một chầu lai rai, than rằng:

– Chưa có ai khổ như mình lúc đó. Cái tay bạn hôm Cần Thơ xa nhà ghé mượn tiền, mình đưa hết cho nó, ba buổi sáng thèm cà phê muốn chết đi được.

Kay Amưh mới trả lời:

– Giữa anh em mình thôi, tôi chưa thấy ai khổ như Sara!

Thế là anh sắp đặt một hơi một thể vụ tôi làm rau muống, gánh phân, giã gạo, đạp xe qua mấy làng xó xỉnh chích heo chạy bữa qua ngày. Tôi nói tôi chưa bao giờ khổ cả đâu! Không ai từng nửa lần thấy tôi than phiền về vụ gì đó. Tôi luôn làm công việc nào bất kì với tối đa nhiệt tình. Vui vẻ và khoái hoạt.

Sau đó ném bỏ tất cả. Và đi.Như Glơng Anak đã ra đi. Nhẹ nhõm và vĩnh viễn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *