Chớ nghĩ bạn làm vì xã hội, cộng đồng; bạn sẽ ảo tưởng rằng bạn hi sinh, rồi khi xã hội chống lại bạn, bạn dễ cho mình bị phản bội. Sai lầm trước dẫn đến sai lầm sau. Bạn làm vì bạn thôi, nếu việc làm của bạn tốt, hiệu quả, cộng đồng sẽ được hưởng; họ biết ơn bạn. Còn nếu họ không biết ơn, thì cũng chả sao cả. Bạn đã vui!
1. Trồng cây để… nhớ!
“Giải phóng”, thấy các trường mở phong trào “Trồng cây nhớ Bác”, tôi nghe rất lạ. Đố ma hiểu!
Xưa ở Tiểu học, thầy Hồng cho chúng tôi trồng cây trong khuôn viên trường lẫn bìa palei. Trồng cây, để có BÓNG MÁT – thầy nói. Lên Trung học Pô-Klong, thầy Tỷ phân công học sinh trồng trong trường khối loại cây và hoa; sau đó về hưu ở Pabblap Birau nhà thầy cũng trồng đầy hoa. Thầy trồng cây để ĐẸP.
Tôi may mắn theo học hai ông hiệu trưởng cừ khôi đó.
Trong gia đình, về vụ này tôi ít may mắn hơn.
Ngay từ bé, tôi thích trồng cây. Mùa mưa cây mọc hoang, tôi bứng về trồng ở miếng đất trống sau nhà. Không ai dạy cách trồng, nên chúng ngoẻo ngay trưa đó. Có sống sót chăng thì bị cha nhổ bỏ. Cha nói: nhà chật, mà trồng cây để cho trái, chứ mi trồng mấy thứ gì không. Chuyện kéo dài mãi khi tôi xuống thị xã học, mới thôi.
Theo cha, trồng cây là để CHO TRÁI. Tôi ngược lại, trồng cây không để làm gì cả, chỉ vì VUI. Lớn lên tôi sống qua mươi gia đình khác nhau, đến đâu tôi trồng cây ở đó. Trồng vì vui. Trồng rồi bỏ đi. Trồng để ai hưởng cái gì đó, tùy thích.
Thế nên, đến bây giờ tôi vẫn không hiểu được, sao trồng cây lại để NHỚ… Trừu tượng thấy bà!
2. Học là cuộc du hành khai phá
Bà con Cham nói: “Chữ không bỏ vào nồi xơi được” (Akhar ôh buh tamư gok hu). Ở quê, mẹ hay la tôi: Mi đọc cho lắm, chữ có ăn được không.
Cánh bình dân là thế, chứ trí thức Cham xưa nghĩ khác. Cham có truyện cổ “Đi tìm học bán vợ” (Nau mưgru pablei hadiiup). Người học hi sinh nhiều thứ, để có tri thức. Tri thức không ĐỂ làm gì cả, mà để BIẾT. Chả khác tinh thần “thiện tri thức” bên nhà Phật.
Học, với tôi cũng vậy, đúng tinh thần một đạo sĩ Bà-la-môn chính hiệu.
Không cầu kiếm cơm, học vị và chức vị; chả để làm oai hay nổi tiếng, dựng công danh sự nghiệp để đời càng không. Tôi quan niệm, học là một cuộc phiêu lưu. Phiêu lưu đúng nghĩa thì không mong cầu kết quả, mà là VUI trên hành trình. Khi ta làm mà không mong đợi kết quả, ta vui. May mắn nó có mang lại quả nào đó, ta cũng vui.
Từ bé, tôi học đủ loại. Riêng chuyện chữ nghĩa, tạm kê: Thuở Tiểu học, học làm thơ, tôi nhặt các câu ca dao ở cuối các trang Tập làm văn ghép lại theo vần và thuộc. Phê bình, tôi học từ các nhà phê bình Việt Nam cùng các trào lưu tư tưởng văn học nghệ thuật thế giới. Học tiếng Cham, tôi dạy chữ Cham cho đám bạn, viết sách về văn học Cham, làm thơ tiếng mẹ đẻ.
Học cũng là cách du hành khai phá. Du hành từ thế giới Khổng Tử, Krishnamurti sang Nietzsche, Heidegger, từ Suzuki, Kinh Phật đến Dostoievski, Derrida. Đó không là một khai phá thú vị sao?
Hai năm trước, tôi học Kinh Thánh, bằng cách dịch Bible ra tiếng Cham. Cạnh đó tôi luyện chuẩn tiếng Anh hai giờ mỗi ngày, để thuyết trình; không mong đợi nơi nào mời, nhưng cứ học, thấy mình nhích lên từng tí, là vui.
Tôi ít khi nhập trò vui bù khú hội hè. Hội hè, ai mời, thích tôi mới đi, không thì thôi. Tôi không bổn phận phải đi. Nietszche gọi đó là “ích kỉ thông minh”. Tôi sống cô độc dành thời gian lang thang các miền tư tưởng hay vùng đất nào đó, và vui. Tôi hầu như không biết buồn bực, hay lo lắng. Có vấn đề, tôi xắn tay áo lao vào giải quyết. Tôi không phấn khởi, hồ hởi, mà là VUI.
Học, biết, và vui.
3. Làm thế nào thoát khỏi ý định trả thù vặt?
Ông/ bà trời cấu trúc con người tôi quên ghép gien căm thù. Lạ lắm! Một tạp chí Chàm mình ở hải ngoại có đến hơn chục bài tố giác Inrasara. Gặp phải những Inrasara “cùng trường phái với thế lực công an”, “tôn vinh đảng và nhà nước”, “nhằm ý đồ nào khác”, “viết văn dâm đãng”, “chống phá truyền thống Cham”, vân vân… tôi đính chính một lần, rồi thôi. Rồi quên. Mãi mãi! Thoát khỏi mọi vướng mắc làm trĩu nặng thêm cuộc sống vốn quá trĩu nặng này.
Làm sao có thể giải phóng tâm hồn khỏi mọi chấp nê vụn vặt? Câu hỏi tưởng bé nhỏ mà khá to cồ, trong cuộc người đầy bất trắc hôm nay. Làm thế nào có thể vào chợ vẫn có thể thõng tay?
Con người là dòng sông dơ bẩn, phải là biển cả bao la mới có thể dung chứa những dòng sông dơ bẩn kia mà không tự làm ô uế mình, – Nietzsche nói thế. Thật lố bịch kẻ nào tự nhận là biển cả giữa cõi nhân gian mênh mông chật chội này. Nếu thế hắn thánh rồi còn gì. Con người hỉ nộ ái ố urang bihuh biha bihi, đủ cả. Thế mới là con người. Tuy nhiên con người vẫn có thể vươn vượt khỏi chúng bằng tinh thần phá chấp vô phân biệt với thái độ buông xả.
Dôm bloh dôm kadook– Bao nhiêu đã xong là bấy nhiêu thì thôi – như ông bà Cham nói. Tất cả chỉ vừa đủ cho một cái cười lớn. Cười thật to rồi quên.
4. Sống là vui
Đời cũng có nhiểu thứ đáng chán chớ chẳng phải chơi.
Hồi mới vào Sài Gòn soạn Từ điển, đang ngon trớn, có vị Chàm kiều về kêu trình độ tiếng Cham của mọi Cham mới lớp Ba trở xuống, không đủ khả năng làm Từ điển. Phát âm khơi khơi vậy mà cũng khối người nghe. Tôi nghe tiếng xào rào quanh mình, ngó lại chả thấy ai ủng tôi cả, và nghe mình bị cô lập. Lần đầu tiên trong đời, tôi mất ngủ. Còn tính đường quy hồi cố hương nắm đuôi cày. Sáng mở mắt dậy, tôi vươn thở và cười to: hà cớ lại tự hành? Thế là tôi quyết trụ lại, và chiến.
Chẳn một giáp sau, 2004, có nickname viết còm xuyên tạc tôi trên mạng Cham hải ngoại: Chamyouth, lại là mạng em họ tôi quản. Cả buổi tôi không làm gì được, chỉ lo kêu ca đây đó. Mãi tối hắn mới reply:
– Em đăng lên để anh có cớ trả lời mà.
Có vậy mà tôi ngộ ra. Từ đó mọi mọi chữ chữ đâu đâu xuyên tạc, hoặc tôi bỏ ngoài tai, hoặc vui vẻ đính chính. Chứ không một lần đau bao tử. Đính chính xong, rồi quên. Và vui.
Còn chuyện bạn bè chơi với nhau được thì chơi, không được nữa thì thôi. Nhẹ nhõm, không nửa lần ngoảnh lại.
Chuyện quốc gia đại sự mấy rày cũng đáng chán!
Trung Quốc sáp vào từ Biển Đông, ngày càng bạo tàn hơn. Formosa Hà Tĩnh, Bauxite Đắc Nông, Nhiệt điện Vĩnh Tân, vân vân. Cá chết kéo theo nguy cơ biển chết. Thực phẩm bẩn và sự vô cảm phổ quát. Nợ công, chức mua và quan tham trở thành thứ “bầy sâu nhung nhúc” đẩy tương lai đất nước vào ngõ cụt. Văn chương xôi thịt và giáo dục bế tắc.
Nhà văn “bị đẩy xuống tàu” không thể làm con đà điểu trước thời cuộc nóng bỏng. Văn chương lâm nguy, và chính sinh mệnh nhà văn cũng lâm nguy. Hắn phải biết tất cả, quan tâm tất cả, nhập cuộc và, cố gắng nói lên tiếng nói chân thật của mình.
Thế nhưng,
“Dù làm gì đi nữa vẫn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường, như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt” – Rilke.
Có nghĩa, sống là vui.