Tồn tại hôm nay. SỔ ĐỎ CHAM BÁO ĐỘNG… ĐỎ

1. Tình hình Sổ Đỏ [Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất] ở Cham hiện nay là chuyện rất đáng báo động đỏ. Xin tuần tự:

– Sau khoán trắng, Nhà nước cấp sổ đỏ đồng đều cho Cham đất ruộng, để rồi chỉ sau hai thập niên, thống kê không chính thức, hơn 80% hộ Chakleng đã “bán” nó đi. Ở Bami, Bình Thuận khi Nhà nước cấp đất sản xuất, chỉ qua năm hơn 70% [của 50% hộ được cấp] đã sang tên cho người từ vùng khác đến.

Chia đều ruộng đất, chắc chắn là lỗi tận… Marx!

– Hệ khác. Tại một palei người Raglai xã Phước Trung, Ninh Thuận. sau 75 – ta “dồn dân lập ấp”, rừng mất, phương thức sản xuất mới chưa rành, bà con từ từ sang đất rẫy ông bà [đã có SĐ] cho ai khác. Hiện quyền sở hữu đất của dân trong palei còn chưa tới 30%! Sống thế nào?

Cũng chưa đáng báo động bằng vụ bà con Cham thế chấp Sổ Đỏ nhà đất cho ngân hàng.

2. Cham Ninh Thuận có phong trào mang SĐ đến ngân hàng thế chấp lấy tiền đầu tư làm ăn. Đầu tư làm ăn, hay lắm! Nhưng ta đầu tư thế nào?

Làm nhà cái đã, tiếp đến sắm xe để đi, trả nợ cũ, và chi tiêu vặt trong gia đình.

Còn làm ăn ra sao? Ở quê, nghề nông mơ hồ hơn cả mơ màng! Năm nay Phan Rang đại hạn, đa phần cây trồng vật nuôi đứng hình, nợ ngân hàng cứ rù rì chạy. Nợ mẹ đẻ nợ con….

Qua xem xét khoảng trăm gia đình, tôi biết đến phân nửa nguy cơ mất cả nhà lẫn đất.

3. Chuyện tôi ở Sài Gòn, kể THẬT để bà con lấy làm GƯƠNG sáng.

Năm 2000, gia đình tôi cất nhà ba tầng trên ba lô đất thuộc khu trung tâm quận Tân Phú, ngon lành chán. Xong, chúng tôi qua thuê nhà quận Nhất, rồi quận Tư ở.

Lần [1] năm 2004, bà xã tính lên đời Cty, mang SĐ thế chấp thuê cửa hàng ở đường Võ Thị Sáu kinh doanh. Tôi thuận, dù biết đó là cuộc chơi nhièu rủi ro. Sau 2 tháng, thì mắc kẹt. Tôi phải mang vàng ra cứu SĐ về.

Lần [2] năm 2005, bà xã “lén” lấy nó chơi tiếp, 3 tháng sau khi tôi hay tin thì đã đổ nợ. Lần nữa, tôi ra tay cứu giá.

Hai bận, coi như vốn liếng RIÊNG tôi dành dụm cho dự án lớn hậu-60 đi tong!

Lần [3] năm 2007, SĐ qua cư trú ngân hàng – lúc này tôi đã phó mặc. Để rồi 6 năm sau, tôi phải bán tháo 7 lô đất ở Bình Tân, SĐ mới trở về.

Lần [4] đúng năm ấy, 2014 chính tay tôi đưa nó cho con rể mượn.

– Mấy năm? – tôi hỏi.

– Hai, ba năm dượng à – con rể trả lời.

Để rồi hơn hai lần 2, 3 năm, vẫn chưa thấy bóng em đâu.

Đủ hiểu, làm ăn dễ ợt (sẽ kể sau), thế nhưng nếu THIẾU HIỂU BIẾT thành VÔ CÙNG KHÓ.

4. Khó, như chuyện con trai tôi.

Lần [5] năm 2015, con trai hồ hởi báo cho biết có kế hoạch làm ăn đầy hứa hẹn.

– Cei cho con mượn SĐ Nhà Trưng bày [ở Chakleng] nhé.

– Bao nhiêu? – tôi hỏi. – Trăm rưỡi, lãi 2% tháng.

– Con có nhiêu rồi?

– 50 triệu. Sau nửa năm là hoàn vốn lẫn lãi.

– Cei bù thêm cho con trăm nhé, lãi 1% thôi. Còn cái sổ đỏ thì miễn cho nó đi.

Nhưng rồi, sau 5 năm vốn lãi đâu chả thấy, tôi tuyên xóa nợ. Tội lại vỡ lòng con trai bộ môn làm ăn. Trải nghiệm đầy mình, tôi đã biết sợ, không phải sợ cho mình, mà cho thế hệ con cháu.

Vậy đó, nếu tôi dại dột chiều lòng con để SĐ nằm ngân hàng với 2%, thì hiện giờ nó lên tận đâu?

Kể sự thật để bà con Chàm mình hay: Làm ăn, chớ đùa với Sổ Đỏ, nhất là dân nhà quê.

Phải biết sợ NỢ như sợ hủi, để… sống sót.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *