“Bởi ta không tranh với thế gian, nên thế gian không ai tranh nổi với ta” – Lão Tử.
Tranh luận với sinh linh Cham bất kì, tôi tránh tối đa. Cùng lắm tôi chỉ viết ĐÍNH CHÍNH hay GIẢI MINH, còn thì im lặng. Tại sao? Khó phân định đúng sai, khi không có BÊN THỨ BA làm chủ trì giải quyết. Trên diễn đàn Facebook thì càng.
Ở diễn đàn thật, tham dự là người quan tâm và hiểu vấn đề, nhất là có người thứ ba chủ trì điều hành. Ở đó…
– không có nhận định lãng nhách gây phân tán;
– càng không có tiếng chưởi bới tục tĩu ở đó;
– đồng bọn cũng không dám lên tiếng hùa theo khi biết bạn mình sai;
– ai bàn lạc đề nhằm đánh trống lảng thì bị chỉnh ngay;
– bạn cũng không thể block người phản biện, cùng lắm là bạn bỏ đi.
Tất cả đều phơi bày trước bàn dân thiên hạ có trình độ nhận biết vấn đề đang bàn, họ dễ dàng cảm nhận sự đúng sai. Hiệu quả là vậy. Tranh luận vô bổ, thà đừng làm gì cả còn hơn.
Khi có BÊN THỨ BA, diễn đàn tôi tổ chức hay dự phần luôn hiệu quả. Ở Bàn tròn Văn chương, Cà-phê Văn học, và cả ở thế giới Cham.
Dẫn 3 câu chuyện thực làm chứng.
[1] Chuyện Hội thảo về Akhar thrah tại Sở Giáo dục Ninh Thuận, đầu 2007.
Akhar thrah thì Cham cãi nhau miễn chê, ai cũng ngon lành cả. Thế nên đụng tới nó là tôi bỏ chạy xa, và bỏ chạy từ lâu. Lần duy nhất tôi dự cuộc, khi có bên thứ ba chứng giám.
Đó là sau Hội nghị “quốc tế” về Akhar thrah tại Kuala Lumpur 2006. Nghị quyết hội nghị khiến Bộ giáo dục hoảng lên, thế là kéo nhau về Phun Darang: Thứ trưởng Bộ, Vụ trưởng Giáo dục Dân tộc, 4 chuyên gia từ Hà Nội và Sài Gòn, rồi Adhya, Paxeh cùng 30 sinh linh Cham các thứ.
Ba món Bộ nghe hãi nhất: Akhar thrah bị BBS “CHẾ BIẾN” tùy tiện, và làm cho “LAI CĂNG”, trong khi Akhar thrah từ thời Pô Rômê đã “RẤT ỔN ĐỊNH” rồi.
Chốn ấy, tôi ra câu hỏi thứ nhất:
– Có cái gì mới xuất hiện, có ngôn ngữ nào vừa mở mắt chào đời mà đã “rất ổn định” không?
Không ai trả lời. Tiếp đến là câu hỏi thứ hai:
– Ai ở đây tìm ra cho tôi một nét “lai căng”, chỉ 1 thôi, ở Akhar thrah chuẩn hóa của BBS không?
Im lặng! Tôi nhìn xuống thấy bà Thứ trưởng gật, liếc qua ông Vụ trưởng nở nụ cười tươi như hoa Tagalau. Và…
– BBS không “chế biến” mà TIẾP NHẬN ĐỀ XUẤT trước đó của ba trí thức và là chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ Cham: Bố Thuận, Lưu Quý Tân, Thiên Sanh Cảnh.
Mươi phút còn lại, tôi vẽ vời lên tấm bảng chằng chịt chữ để… lòe thiên hạ. Thế thôi cũng đủ lãng quên đời. Sách Ban Biên soạn sách chữ Chăm tiếp tục cuộc chơi.
P.S.
Tham khảo thêm 2 vụ biên soạn Từ điển tại Đại học.
Chuyện [2] Trích tiểu thuyết Hàng Mã Kí Ức (2011):
“Đang ngon trớn, tháng 9-1993, không hiểu tác động từ đâu, Giám đốc Trung tâm nảy ý đình chỉ công cuộc. Thì nghe đồn trình độ mọi mọi Cham về tiếng Cham chỉ mới lớp Ba, không soạn nổi Từ điển, dịch Aymonier, là đủ!
Được thôi, tôi vốn nông dân thì có trở lại đời dân nông, chả sao cả. Nhưng trước khi qui hồi cố hương nắm đuôi cày, các bác nên ban đặc ân cho em nói lời cuối!
Tôi đề nghị cuộc họp ngắn. Bùi Khánh Thế, Nguyễn Văn Lịch, Thành Phần, Phú Văn Hẳn, Lương Đức Thắng. Ở đó tôi tập đặt câu:
– Bởi vì chưa nắm vững tiếng Cham cho nên vài thành viên bị ý kiến ngoài lề lung lạc.
Và tôi chỉ ra nỗi “không nắm vững” ấy. Sau mười lăm phút nghe tôi thuyết, phiên họp quyết: Từ điển tiếp tục chương trình diễn các tiết mục!”
Nghĩa là ở đó có bên thứ ba, là tiến sĩ ngôn ngữ học.
Chuyện [3] lại trích Hàng Mã Kí Ức (chuyện sau Tết năm 1994):
“… tiếp tục có áp lực từ ngoài, Từ điển không thể ra lò nếu nó chưa qua giơ tay biểu quyết của Hội đồng trí thức Cham và Hội đồng chức sắc Cham. Sập bẫy rồi! Đích thị là điều tôi muốn.
Ngay tức thì 30 bản thảo được nhân bản gửi về quê. Panrang, Krong, Parik, Pajai… Một tháng sau, hơn trăm đại biểu về dự Hội nghị góp ý Từ điển tại Trường Nội trú Dân tộc tỉnh Ninh Thuận.
Câu hỏi bay đến tới tấp vào buổi sáng khiến hội trường như muốn vỡ tung.
– Thằng Trạm kì này ngoẻo rồi, – là tin hành lang.
Nhưng rồi tất cả được tôi thoải mái mở gút chỉ sau non hai tiếng đồng hồ, chiều hôm đó. Câu hỏi cuối cùng là câu hỏi của Po Dharma:
– Tôi chỉ hỏi Phú Trạm một câu duy nhất thôi, nếu được thì ta cho qua. Phú Trạm dựa vào tiêu chuẩn nào để xác mình chính tả tiếng Cham?
Giây phút ấy không khí hội trường im lắng đến rợn người. Và em lại tập đặt câu:
– Bởi vì tiến sĩ chưa đọc Tự học tiếng Cham của tôi cho nên mới có câu hỏi này. Dẫu sao anh đã hỏi, tôi cũng nên giải đáp cho bà con luôn.
Qua ba phút, trăm sinh linh Cham thở cái phào. Bao nét căng trên khuôn mặt nhà “chủ biên” biến mất như thần. Tháng sau, bộ Từ điển cất tiếng khóc chào đời. Vui vẻ.”
Nhận định. Nơi ấy có bên thứ ba: Đại diện Bộ Giáo dục từ Hà Nội, các chuyên gia gạo cội từ Sài Gòn, và thêm sinh linh Chàm rành tiếng Cham.