Tinh thần Đất.03. HƠI THỞ HUYỀN SỬ

Văn học Cham – Khái luận, NXB Tri thức, in lần 3, 2015:

“Giai thoại [hay huyền sử] quan trọng hơn sự kiện lịch sử. Nó chính là “dòng suối tiềm ẩn bên trong” mang đầy ý nghĩa sử tính mà “chối đi con người sẽ cảm thấy thiếu một cái gì và dân tộc sẽ thiếu đi mối dây ràng buộc thiêng liêng rồi sẽ đi tới chỗ băng hoại”. Nói như thế không phải từ chối truy tìm mang tính lịch sử-sự kiện mà là chúng ta chỉ chối bỏ “óc duy sử chỉ chấp nhận hiện tượng bên ngoài” mà không nhìn nhận những gì tồn tại ngoài nó” (Chữ trong ngoặc kép trích từ Kim Định, Cơ cấu Việt Nho, Nguồn sống xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr. 230).

Bao nhiêu thế hệ Cham luận lạc ‘đánh mất câu chuyện’.

Pô Klong Girai chẳng hạn, bà con chỉ nhớ mơ hồ mình con cháu Ngài, là Cham từ vùng đất mơ hồ nào đó. Hay cùng lắm, chỉ biết ‘lịch sử’ với niên đại cùng chiến công về vị vua anh minh này; còn lại tuyệt đại bộ phận huyền sử và vân vân về Ngài, bị đánh mất.

Mà mọi mọi huyền sử này liên quan mật thiết với Tôn giáo Ahiêr Awal. Bởi Pô Klong Girai vừa là vị vua lịch sử, vừa là vị vua huyền thoại được thần hóa, cùng vô số di tích, câu chuyện, thơ ca, lễ nghi tín ngưỡng xung quanh Ngài.

– Trước tiên là sự tích Ông Pasa Muk Cakling đính với tên làng Chakleng,

– Rồi serie 7 truyện cổ “Cậu bé thông minh”,

– Đá Chẻ Patau Tablah ghi công trạng hiển hách của Ngài,

– Tiếp tới là Đồi Bbôn Hala với cụm tháp Chàm mang tên Ngài cùng câu chuyện thi xây tháp cả sự thực lẫn huyền thoại,

– Đập Nha Trinh Banơk Chakling cùng trường ca Ariya Pô Klong,

– 4 lễ trên tháp hằng năm với các nghi thức và các bài tụng ca Damnưi khác nhau, vân vân.

Tất cả gắn chặt và hòa quyện đến không thể tách rời. Chỉ có Tôn giáo Ahiêr Awal cùng tín đồ tôn giáo đậm chất dân tộc bản địa này mới chấp nhận NÓ, truyền kể NÓ, hành lễ NÓ. Ngoài ra – không. Khi bạn đã theo tôn giáo khác: Islam, hay Đạo Chúa, bạn không cần đến NÓ. Bởi NÓ đi ngược lại đức tin của bạn – không sai!

Giáo dục gia đình [kiểu Cham] đã bị đứt quãng, lịch sử không được dạy trong nhà trường, HUYỀN SỬ bị chối bỏ, bạn về đâu?

Khi bạn chưa được Âu hóa đủ đầy, nghĩa là có tư tưởng Hi-La làm nền tảng.

Công dân toàn cầu ư? Khi bạn chưa được trang bị kĩ năng để tồn tại trong thế giới của quyền lực đầy cạnh tranh này. [Tôi sẽ có bài về 2 cái ‘dại’ mới của Cham].

Chân không tới đất, cật không tới trời – làm gì?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *