TINH THẦN PANGDURANGGA-2. ĐỘNG PHẢN ĐỂ TỒN TẠI

1. Cham luân lạc khắp nơi, nhưng hiếm khi nhớ về Đất Mẹ. Nhớ để làm cuộc trở về thì càng hiếm nữa.

Cham Ban Khrua Thái Lan, Cham Malaysia, Cham Philippines hay Hải Nam và cả Cham Đài Loan. Ngay Cham Cambodia nằm sát sườn Việt Nam cũng hệt: không trở lại. Cham Pangdurangga phải đi mà quến về.

Tinh thần Pangdurangga xưa, và cả nay là thế: Thu nhận, hóa giải để hòa giải, và hòa hợp Cham từ mọi miền. Sau biến cố Minh Mạng, Cham Phan Rang còn 5.000 mống, chỉ sau một thế kỉ, con số lên đến 76.000, thì đủ biết. Rồi khi tiếp tục làm cuộc ra đi [tận Mỹ, Pháp…], tinh thần Pangdurangga vẫn níu Cham NHỚ lại. Mà trở về.

2. Hơn mươi vạn tù binh Cham [chủ yếu khu vực Amaravati và Vijaya] ra Bắc, sau bao nỗ lực phản kháng để tồn tại rồi cuối cùng bị đồng hóa. Tạm kê vài nỗi:

Nhiều tháp, tượng tại các tỉnh miền Bắc có dấu vết Cham, Quan Họ Bắc Ninh và Nam Bình Nam Ai mang âm hưởng dân ca Cham.

Nhiều làng phía Bắc là làng Cham, nói tiếng Cham mãi hai thế kỉ sau Trần Nhật Duật còn cưỡi voi qua chơi nói ‘tiếng ngoại quốc’ (Tạ Chí Đại Trường).

Từ thời Lý Trần, người Việt mới có cối xay lúa do Cham mang ra.

Hiện nay làng Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên phía nam Hà Nội vẫn còn nói tiếng lóng ‘không giống ai’. Đó là tiếng cổ “Tõi Xưỡn” được tạo ra trong quá trình làm nghề truyền thống đóng cối xay bằng tre của người làng. Là làng Cham không thể chối.

Mới đây, một làng ở huyện Thạch Thất

[huyện có 10 làng nghề truyền thống: May, mộc xây dựng, nhà gỗ cổ truyền, mây
tre giang đan…]

vẫn còn theo chế độ gia đình mẫu hệ. Đến năm 1991, Nhà nước mới buộc họ theo phụ hệ dòng cha! Một cách bắt ép để đồng hóa chăng!

Bao nhiêu từ, tên làng, tên đất: Yên Sở, Ngã Tư Sở, làng Chèm, lúa Chiêm… còn kia, nhưng rồi cũng bị ‘đồng hóa’.

3. Cham miền Bắc đã vậy, miền Trung thì sao? Hồ Trung Tú khẳng định chắc nịch: “Chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”.

Bên cạnh bạt ngàn đồi tháp, vô số giếng vuông Chàm và vết tích văn hóa Champa, còn tồn tại họ Chế, họ Trà, vân vân. Họ vẫn nhớ mình Cham, nhưng tất cả cũng đã hòa nhập vào cộng đồng Việt. Nghĩa là đồng hóa, không thể dùng chữ nào khác.

Dọc duyên hải miền Trung, vài giếng Chàm bị lấp, có giữ cũng hiếm buồn ghi tên khai sinh; tượng Bà ở tháp Pô Nưgar bị nâng lên ‘ngang tầm’ đầu người Việt [người Việt thành trung tâm cho thờ phụng], vân vân.

Cham đã động phản, bên cạnh không ít Cham buông xuôi. Buông, theo nhiều kiểu khác nhau. Ý thức lẫn vô thức.

Một Cham đúng nghĩa phải là:

Ý thức sáng rỡ mình giữa cộng đồng Việt Nam, nếu sống trong nước.

NÓI/ viết tiếng Cham,

BIẾT dẫu mờ hồ rằng mình là Cham,

NHẬN mình là Cham,

mong muốn TRỞ VỀ ĐẤT MẸ Cham,

và dám & biết ĐẤU TRANH khi quyền lợi Cham bị đe dọa.

Đó chính là tinh thần Cham Pangdurangga. Họ đã làm như thế suốt dòng lịch sử, và cả hôm nay: ĐỘNG PHẢN ĐỂ TỒN TẠI.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *